Mức giá bất ngờ cho du khách tham quan di tích Hải Vân Quan
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP Đà Nẵng thống nhất đề xuất giá vé tham quan di tích Hải Vân Quan.
Ngày 10/9, UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế họp bàn công tác quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình và Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi đồng chủ trì buổi họp.
Theo dự thảo quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP Đà Nẵng về quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, hai địa phương sẽ phối hợp trong các lĩnh vực: Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật; quản lý mặt bằng và không gian di tích Hải Vân Quan; thành lập tổ chức quản lý, bảo vệ di tích; quản lý hiện vật thuộc di tích; bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; tuyên truyền, quảng bá; phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan gắn với phát triển du lịch; bảo vệ an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy tại di tích…
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP.Đà Nẵng thống nhất giao Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) và UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) là hai đơn vị quản lý trực tiếp di tích Hải Vân Quan theo hình thức luân phiên 3 năm/lần. Trong giai đoạn đầu, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ tổ chức quản lý, khai thác di tích Hải Vân Quan. Giai đoạn luân phiên sẽ thành lập tổ kiểm tra giám sát các hoạt động quản lý và phát huy giá trị di tích.
Sở Văn hóa và thể thao TP Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế được giao hoàn thiện dự thảo kế hoạch phối hợp quản lý và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan; tham mưu, xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền hai địa phương để trình Bộ VHTTDL.
Về việc bán vé tham quan di tích Hải Vân Quan, lãnh đạo hai địa phương thống nhất phải thực hiện sớm theo đúng quy định hiện hành để tạo cơ sở cho việc quản lý, tạo nguồn thu phục vụ di tích. Mức vé đề xuất được hai bên thống nhất là từ 50.000 – 70.000 đồng/vé.
Về triển khai các hạng mục phụ trợ phục vụ du lịch, UBND quận Liên Chiểu được giao triển khai các hạng mục như bãi đỗ xe, khu vực trưng bày, mua bán sản phẩm du lịch… Huế
Từ ngày 1/8/2024, di tích Hải Vân Quan mở cửa đón khách tham quan miễn phí. Tính từ ngày 1/8 đến ngày 9/9/2024, đã có 78.306 lượt khách tham quan di tích này.
Dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và thể thao TP Đà Nẵng khởi công vào ngày 19/12/2021. Dự án do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế làm chủ đầu tư, Sở Văn hoá và thể thao TP.Đà Nẵng là đơn vị đại diện phía TP.Đà Nẵng phối hợp điều hành thực hiện dự án.
Tổng mức đầu tư dự án hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP.Đà Nẵng 50% và ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50%.
Di tích Hải Vân Quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân, ngay ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng ngày nay. Hải Vân Quan được xây dựng ở một vị trí hết sức đắc địa, hiểm trở cheo leo, là nơi xung yếu nhất được mệnh danh là “yết hầu” của Kinh đô Huế.
Đồn lũy này án ngữ trên con đường thiên lý độc đạo lưu thông từ Kinh đô Huế đến xứ Quảng Nam và ngược lại. Với địa thế như vậy, căn cứ quân sự này có thể kiểm soát toàn bộ sự lưu thông giữa hai xứ, chống cự số lượng địch quân lớn hơn gấp nhiều lần.
Ngoài ra, với độ cao gần 500m so với mặt biển, từ căn cứ quân sự này có thể quan sát rất rộng về các phía, đặc biệt là toàn bộ vịnh Đà Nẵng.
Trong giai đoạn 1945 – 1975, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho xây dựng thêm các công trình ở Hải Vân Quan, như một số vọng gác, lô cốt nhằm trấn giữ con đường huyết mạch… Đặc biệt, trên đỉnh của 2 cổng Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan còn xây thêm những hệ thống pháo đài công sự để quan sát và đặt súng ống.
Di tích Hải Vân Quan được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 2017 và giao UBND tỉn Thừa Thiên Huế và UBND TP.Đà Nẵng cùng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ di tích này.