35 năm miệt mài giữ nghề bán báo giữa phố thị

Giữa lòng phố thị, bà Trần Thị Ngọc Ánh (quận Bình Thạnh) đã gắn bó với sạp báo nhỏ suốt 35 năm qua. Người phụ nữ 72 tuổi ấy không chỉ bán từng tờ báo giấy mà còn âm thầm gìn giữ nét đẹp văn hóa đọc truyền thống trong thời đại ngày nay.

Sạp báo in nhỏ cạnh chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TPHCM) của bà Trần Thị Ngọc Ánh đã tồn tại 35 năm nay, trở thành địa chỉ gắn liền với cuộc sống nhiều người dân khu vực. Ảnh: Việt Anh

Một đời gắn bó với sạp báo nhỏ giữa lòng phố thị

Không biển hiệu, cũng chẳng có lời mời chào, sạp báo cũ kỹ nằm lọt thỏm giữa lòng thành phố nhộn nhịp.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Ánh kể, thời trẻ bà từng mua gánh bán bưng với mẹ, thương mẹ vất vả, bà Ánh cố gắng học tập và cùng mẹ đi xin việc khắp nơi. Sau đó, bà được nhận làm công tác phát hành sách tại quận Bình Thạnh. Một thời gian sau, bà bắt đầu tự mở quầy nhỏ bán văn phòng phẩm với sách, báo, đồ dùng học tập. Dần dần bà bén duyên với nghề bán báo và xem đó là niềm vui mỗi ngày.

Mỗi sáng, bà thức dậy từ 2 giờ, tự chạy trên chiếc xe máy cũ đi lấy báo rồi về mở sạp lúc 4 giờ sáng, khi thành phố còn chưa thức giấc. Bà xem công việc như một phần máu thịt, là sự gắn bó không điều kiện chứ không chỉ là kế sinh nhai.

“Tôi quen rồi, không thấy cực với lại mình nghỉ bán thì những người khách mua quen không biết mua ở đâu” – bà mỉm cười nói, giọng nhẹ nhàng.

Đã thành thói quen, người dân quanh khu chợ Thị Nghè mỗi sáng đều ghé qua sạp của bà, mua một tờ báo, hỏi han vài câu, rồi tiếp tục ngày mới. Không ít người xem đó là khoảnh khắc đặc biệt trong ngày, một nhịp chậm, an yên giữa thành phố vội vã.

Có những sáng, khi một số tờ báo “nóng” nhanh chóng được mua hết, bà sẵn sàng tặng lại tờ báo duy nhất còn giữ cho người khách trễ hẹn. “Như hôm nọ, một bạn trẻ đến hỏi mua tờ báo có đăng bản đồ hành chính Việt Nam sau khi sáp nhập, tôi đã tặng tờ duy nhất còn lại mà mình định giữ đọc. Tôi xem đó như một kỷ niệm giữa tôi với cậu bạn” – bà nói không chút do dự.

Bà Ánh tâm sự, suốt những năm tháng qua, bà luôn cảm thấy biết ơn các phòng phát hành của những tờ báo lớn như Sài Gòn Giải Phóng, Lao Động, Thanh Niên, Tuổi Trẻ… vì đã giúp bà duy trì được sạp báo đến ngày hôm nay.

Báo in – người bạn đáng tin cậy giữa thời đại công nghệ số

Trong dòng chảy hiện đại, thời đại phát triển như vũ bão của các thông tin từ internet, báo in dường như chậm lại một bước, nhưng vẫn tồn tại bền bỉ như một người bạn chỉn chu và đáng tin cậy.

Với nhiều người, việc đọc báo in mỗi ngày là một thói quen không thể bỏ. Bà Nguyễn Thị Kim Vinh, cư dân lâu năm tại quận Bình Thạnh chia sẻ, bà vẫn đọc báo giấy đều đặn mỗi sáng.

“Ghé qua mua báo, nói chuyện vài câu với bà Ánh, tôi cảm thấy bình yên giữa những ngày xô bồ” – bà Vinh nói.
Chị Nguyễn Thúc Quỳnh Anh (ngụ quận Bình Thạnh) cũng chia sẻ niềm tin tương tự, chị bắt đầu đọc báo từ thời học đại học và đến nay vẫn giữ thói quen đọc báo suốt hơn 20 năm.

“Báo giấy không ồn ào, đọc báo như trò chuyện với người viết. Tôi cảm ơn những người như bà Ánh và những phóng viên, biên tập viên đã chọn lọc và viết nên những bài viết hay, đưa đến tay người đọc như chúng tôi mỗi ngày” – chị Quỳnh Anh cho hay.

Thực tế, giữa biển thông tin dễ nhiễu loạn, báo in đóng vai trò không chỉ là một kênh thông tin chuẩn xác mà còn là điểm tựa định hướng dư luận. Những bài phân tích chuyên sâu, thông tin xác minh kỹ lưỡng và cách trình bày chỉn chu là điều khiến báo in vẫn luôn giữ được lòng tin từ độc giả, giúp công chúng không dễ bị dẫn dắt bởi tin đồn thất thiệt hay tin tức chưa kiểm chứng tràn lan trên mạng xã hội.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2025), câu chuyện về bà Trần Thị Ngọc Ánh, một người bán báo giản dị giữa lòng thành phố như một lát cắt mộc mạc mà sâu sắc về hành trình trăm năm của nền báo chí nước nhà. Bà Ánh, dù không trực tiếp cầm bút hay máy ảnh nhưng là người lặng lẽ góp phần giữ gìn giá trị cốt lõi của báo chí: Trung thực, nhân văn và bền bỉ với thời cuộc.

Theo Báo Lao Động

Bài viết liên quan