36 năm trước, tiền lương chỉ đủ sống 7 ngày nhưng dám ước mơ, lãnh đạo FPT đã xây dựng công ty hùng mạnh với gần 75.000 nhân viên

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, ông Đỗ Cao Bảo – thành viên HĐQT của Tập đoàn FPT đã có bài chia sẻ về sự phát triển của FPT qua thời gian.

Cụ thể, ông Bảo chia sẻ, cách đây 36 năm khi mà vợ ốm, bản thân không có tiền mua nổi một lạng thịt để nấu cháo, tiền lương chỉ đủ sống ở mức tối thiểu có 7 ngày. Ông Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT) lúc bấy giờ đã chia sẻ về giấc mơ xây dựng một công ty kiểu mới hùng mạnh. 

Ông Bảo chia sẻ, chẳng ai có thể tưởng tượng rằng cái công ty hùng mạnh mơ ước ấy giờ có đến 75.000 nhân viên. 

“Thời ấy tôi còn bị thầy bói phán “không có số xuất ngoại”, có ngờ đâu giờ đây FPT đưa được cả chục nghìn nhân viên ra nước ngoài làm việc, toàn ở những thành phố lớn nhất, làm việc với những tập đoàn lớn nhất toàn cầu”, lãnh đạo của FPT viết.

Lãnh đạo của FPT cho biết, các câu chuyện ông viết hầu hết về các công ty, về khởi nghiệp, về những giấc mơ nhưng đều rất thực tế.

Ông Bảo còn lấy thêm ví dụ về những doanh nghiệp khác như câu chuyện của Microsoft và Google. Ông viết: “Cách đây 43 năm, ông Narayana Murphy mơ ước xây dựng một công ty phần mềm Ấn Độ cung cấp dịch vụ phần mềm, được tôn trọng trên toàn cầu, làm thay đổi hình ảnh đất nước nghèo đói của những người thổi sáo dụ rắn và ăn xin thành hình ảnh những kỹ sư phần mềm cung cấp dịch vụ cho cả thế giới. 

Mơ thì cứ mơ thế thôi, ông Murthy cũng chẳng tưởng tượng rằng giờ đây Ấn Độ trở thành cường quốc số 1 thế giới về dịch vụ phần mềm, còn công ty Infosys của ông có vốn hoá lên đến 94,62 tỷ USD, có đến 317.000 nhân viên. 

Chưa hết có hai chàng trai Ấn Độ năm ấy mới đang học cấp 2 ở Ấn Độ, suốt tuổi thơ không có phòng ngủ riêng phải ngủ trên sàn nhà phòng khách giờ đây đã là CEO của Microsoft và Google, hai trong số 4 công ty có vốn hoá lớn nhất thế giới”.

Bài đăng trên trang cá nhân của ông Đỗ Cao Bảo – Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT

Thêm một công ty về công nghệ khác được ông Bảo đề cập là câu chuyện về Meta khi nhắc đến chuyện cách đây đúng 20 năm, Mark Zuckerberg là chàng sinh viên Harvard năm 2 thất tình rồi tình cờ tạo nên một phần mềm nổi tiếng lúc bấy giờ. 

Mặc dù, suýt bị ban lãnh đạo Harvard kỷ luật vì tội truy nhập trái phép ăn cắp dữ liệu của trường, lại còn vi phạm đời tư của nữ sinh, Mark không ngờ rằng sự cố thất tình ấy đã mở đầu cho việc ra đời mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 2 tỷ người dùng, vốn hoá lên đến 1.180 tỷ USD.

Cuối cùng, câu chuyện về Steve Jobs quay lại Apple lần 2 và xây dựng nên một đế chế có vốn hoá cao hơn Microsoft cũng được ông Bảo đề cập trong bài đăng của mình. 

Theo Tạp Chí Nhịp Sống Thị Trường