Hiện nay kết nối trực tiếp TPHCM và Đồng Nai là cầu Long Thành trên cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, 5 cây cầu khác đang thi công và quy hoạch.
Cầu Phước Khánh và cầu Nhơn Trạch đang thi công
TPHCM và Đồng Nai bị chia cắt bởi các sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải. Do đó để kết nối giao thông, cả 2 địa phương cần đầu tư xây dựng rất nhiều cây cầu.
Hiện nay, cầu Long Thành trên cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây nối liền TP Thủ Đức (TPHCM) với huyện Long Thành (Đồng Nai) là cây cầu duy nhất đang khai thác nối trực tiếp 2 bờ Đồng Nai và TPHCM.
Hai cây cầu khác gồm cầu Nhơn Trạch trên tuyến Vành đai 3 – TPHCM và cầu Phước Khánh trên tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng đang được thi công đồng thời với 2 tuyến cao tốc này.
Trong đó, cầu Phước Khánh trên cao tốc Bến Lức – Long Thành được khởi công năm 2015 nối huyện Cần Giờ (TPHCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 3,1 km, tổng mức đầu tư 3.500 tỉ đồng. Cầu Phước Khánh được thiết kế là cầu dây văng cao nhất nước, tĩnh không 55 m, cho luồng hàng hải tàu biển cập cảng TPHCM. Theo dự kiến, toàn bộ dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành bao gồm cầu Phước Khánh sẽ hoàn thành xây dựng trong năm 2025.
Còn cầu Nhơn Trạch nằm trên trục Vành đai 3 – TPHCM bắc qua sông Đồng nối TP Thủ Đức (TPHCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) được khởi công tháng 9.2022 với tổng vốn hơn 1.800 tỉ đồng. Đến nay, tiến độ thi công cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A Vành đai 3 TPHCM nối Đồng Nai và TPHCM đạt khoảng hơn 66% tổng khối lượng công việc và đã lao 2 nhịp dầm, tiến độ vượt so với kế hoạch. Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành đồng bộ trong năm 2025.
Cầu Phú Mỹ 2, cầu Đồng Nai 2 và cầu Cát Lái đang chờ
Ngoài ra, có 3 cây cầu đã được đưa vào quy hoạch để triển khai gồm cầu Đồng Nai 2, cầu Phú Mỹ 2 và cầu Cát Lái.
Trong đó, cầu Phú Mỹ 2 sẽ kết nối phía Nam TPHCM với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Vị trí thống nhất kết nối từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi theo đường Hoàng Quốc Việt, vượt sông Đồng Nai theo hướng vuông góc sang huyện Nhơn Trạch, cắt ngang khu dân cư Phú Hữu.
Cầu Đồng Nai 2 có quy mô 6 làn xe kết nối từ TP Thủ Đức (TPHCM) qua huyện Long Thành (Đồng Nai). Hướng tuyến của cầu bắt đầu từ Vành đai 3 tại nút giao Gò Công (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức), sau đó vượt sông Tắc đến cù lao Long Phước, nối đường ĐT 777B ở xã Tam An (huyện Long Thành, Đồng Nai).
Cầu Cát Lái vị trí xây dựng tại vị trí phà Cát Lái hiện hữu.
Ông Nguyễn Bôn – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết, đối với dự án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái thay phà Cát Lái, hiện nay quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã cập nhật vị trí kết nối cầu Cát Lái ở huyện Nhơn Trạch với TP Thủ Đức (TPHCM).
Theo ông Bôn, hiện nay, tỉnh Đồng Nai cũng đã có dự thảo kế hoạch đầu tư xây dựng cầu Cát Lái và đang gửi xin ý kiến TPHCM. Sau khi TPHCM góp ý và thống nhất, 2 tỉnh Đồng Nai và TPHCM cùng ký đồng triển khai thì sẽ thực hiện tiếp các bước theo quy định để đầu tư xây dựng cầu Cát Lái kết nối vào sân bay Long Thành, chia sẻ ùn tắc giao thông tại cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.
Ngoài ra, cầu Phú Mỹ 2 cũng đã được cập nhật vào quy hoạch cùng với TPHCM, ông Bôn cho biết thêm.