Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV (diễn ra từ ngày 21/10-27/11/2019).
Dự thảo Luật lần này được xây dựng theo định hướng khắc phục các tồn tại và hạn chế trong thời gian qua, mở ra một giai đoạn mới trong việc triển khai thu hút đầu tư PPP, bảo đảm công bằng, minh bạch, ổn định, tin cậy và hiệu quả kinh tế.
Doanh nghiệp được phát hành trái phiếu, không phát hành cổ phiếu
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dự án PPP sẽ có các loại hợp đồng cơ bản theo 3 nhóm: 1/Thu phí từ người sử dụng – BOT, BTO, BOO, O&M; 2/Nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ – BLT, BTL; 3/Đổi nguồn lực công lấy công trình – BT. Trong đó các dự án BT và BOT được dư luận quan tâm nhiều nhất.
Về dự án BT, quan điểm của Chính phủ thiên về 2 phương án: 1/Gộp cả dự án BT và đối ứng lại đấu giá một lần; 2/Doanh nghiệp làm dự án BT và ứng vốn giải phóng mặt bằng cho dự án đối ứng, sau này đấu giá dự án đối ứng nếu doanh nghiệp đó trúng thì trừ đi số tiền đã ứng ra. Về các dự án BOT, Luật PPP quy định nếu dự án thu phí trực tiếp từ người dân thì không áp dụng nâng cấp, cải tạo đối với đường giao thông.
Quy mô tối thiểu của các dự án PPP phải từ 200 tỷ đồng, Chính phủ sẽ quy định quy mô chi tiết cho từng lĩnh vực. Đối với các dự án đầu tư công được bố trí vốn trong dự án PPP, Chính phủ kiến nghị sẽ thành lập Quỹ phát triển dự án PPP và tạo dòng ngân sách riêng. Các doanh nghiệp triển khai dự án PPP sẽ được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thứ cấp, nhưng không được phát hành cổ phiếu đại chúng.
Hạn chế những rủi ro tiềm ẩn
Ông Nguyễn Đăng Trương -Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Tổ biên tập dự án Luật PPP, cho biết: Một trong những nội dung quan trọng nhất là đảm bảo đồng bộ với các luật khác, song vẫn phải mang tính đặc thù, tránh việc xung đột trong áp dụng các luật liên quan. Luật PPP sẽ khu biệt, tập trung nguồn lực vào 7 lĩnh vực thiết yếu, yêu cầu vốn lớn, tránh tình trạng đầu tư dàn trải.
Mặt khác, hiện quy định về PPP nói riêng và luật pháp tại Việt Nam nói chung được các nhà đầu tư đánh giá là có tính ổn định chưa cao. Vì vậy, từ kinh nghiệm của Hàn Quốc -quốc gia được đánh giá là thành công trong triển khai PPP, dự thảo Luật PPP quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; luật áp dụng; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của Luật này”.
Quy định này cho thấy cam kết rõ ràng từ phía Nhà nước đối với khu vực tư nhân để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi đầu tư các dự án PPP quy mô lớn, dài hạn và tiềm ẩn rủi ro trong tương lai. Đây cũng là một trong các nội dung được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đối với sự chuyển biến trong chính sách PPP của Việt Nam, đó là các cơ chế bảo đảm của Chính phủ. Trước đây, việc thiếu hụt chính sách đối với các cơ chế này trong dự án PPP là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số dự án giao thông có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài phải tạm dừng.
Tôn trọng cơ chế thị trường
Về bản chất, dự án PPP là dự án được triển khai nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công (mục đích công) thông qua đầu tư tư (vốn tư) và/hoặc quản lý tư. Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được tri thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, mà không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với dự án do tư nhân đầu tư kinh doanh thông thường.
Nhằm chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét 2 cơ chế: Cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Các cơ chế này chỉ áp dụng đối với một số dự án PPP đặc biệt quan trọng (do Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư), trên cơ sở xem xét cẩn trọng thông qua Hội đồng thẩm định liên ngành cấp trung ương, không áp dụng cho mọi dự án PPP.
Riêng đối với cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tham khảo kinh nghiệm một số nước, cũng như thực tiễn triển khai một số dự án BOT trong lĩnh vực năng lượng trong thời gian qua để đề xuất mức đảm bảo cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam (sau khi trừ số chi tiêu hợp lý).
Đối cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư, tại dự thảo Luật nêu rõ: Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng; Nhà đầu tư, doanh nghiệp cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Thông qua cơ chế này, nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án PPP được chia sẻ một phần rủi ro khi dự án hụt thu trong thực tế, đồng thời cho phép Chính phủ được nhận lại phần chia sẻ khi dự án tăng thu. Cách tiếp cận này vẫn tôn trọng cơ chế thị trường, đồng thời tránh trường hợp nhà đầu tư ỷ lại, không phát huy năng lực để bảo đảm hiệu quả đầu tư một cách thực chất.
Đại Hữu