Các “rào cản xanh”, yêu cầu mới và xu hướng “chuyển đổi kép – xanh và số” được các quốc gia áp dụng nhiều hơn trong việc kiểm soát nhập khẩu các sản phẩm và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.
Ngày 9/11/2023, tại TPHCM, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo TPHCM về hội nhập quốc tế – Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TPHCM phối hợp cùng Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức Hội nghị “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững”.
Hội nghị có sự tham gia của các cơ quan quản lý, các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo TPHCM về hội nhập quốc tế, đại diện các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội ngành hàng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, trong thời gian qua, tình hình trong nước, khu vực và thế giới tiếp tục biến động với những diễn biến phức tạp, khó lường. Cục diện đa cực, đa trung tâm; chủ nghĩa bảo hộ, tranh chấp thương mại giữa các nước lớn có xu hướng tăng lên… làm thay đổi trật tự, cấu trúc kinh tế, cách thức tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội. Xung đột tại một số quốc gia khu vực và hậu quả của Covid-19 tiếp tục gây cản trở dòng chảy thương mại đầu tư quốc tế, làm “đứt gãy” các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực kinh tế thế giới.
Tình hình trên đã thúc đẩy nhanh hơn các xu hướng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, bền vững và bao trùm. Các “rào cản xanh”, yêu cầu mới và xu hướng “chuyển đổi kép – xanh và số” được các quốc gia áp dụng nhiều hơn trong việc kiểm soát nhập khẩu các sản phẩm và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.
Để đẩy mạnh công tác hội nhập trong tình hình mới, ngày 5/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030. Với mục tiêu định hướng và trao đổi các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai hiệu quả công tác hội nhập.
Chia sẻ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế thông qua triển khai Nghị quyết 93/NQ-CP và định hướng công tác hội nhập trong thời gian tới ở các địa phương phía Nam, bà Lâm Thị Quỳnh Anh, Trưởng phòng Hội nhập trong nước, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Các xu hướng mới và yêu cầu mới từ các đối tác đã tác động đan xen cả cơ hội và thách thức đối với công tác quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý đã trao đổi với các doanh nghiệp về 3 nội dung chính, gồm: các xu hướng phát triển mới và dự báo tình hình kinh tế thế giới thời gian tới; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế thông qua triển khai Nghị quyết 93/NQ-CP và định hướng công tác hội nhập trong thời gian tới ở các địa phương phía Nam; và các yêu cầu, tiêu chuẩn mới từ các thị trường đối tác và tác động doanh nghiệp.
Hội nghị này, các đoàn công tác liên ngành thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành hàng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã chia sẻ các kinh nghiệm và khó khăn liên quan; đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp và địa phương trong quá trình triển khai hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các FTA mới.
Trước khi diễn ra hội nghị, Đoàn công tác liên ngành cũng đã có buổi làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp và Hiệp hội của TPHCM về triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các FTA trên địa bàn TPHCM. Kết quả làm việc cho thấy, một trong những tồn tại lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là năng lực cạnh tranh, sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp còn yếu. Các doanh nghiệp khó tham gia các khâu có giá trị gia tăng cao, chỉ dừng lại ở công đoạn gia công, chế biến đơn thuần.
Trong nội dung thảo luận với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững”, đại diện các cơ quan quản lý đã đưa ra những giải pháp nhằm tận dụng hiệu quả các FTA cũng như tăng cường xây dựng liên kết, kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý trung ương và địa phương và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Theo Haiquanonline