Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao đang gặp những thách thức nào?

(KTSG Online) – Theo đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, diện tích lúa này cần được tổ chức sản xuất dựa trên nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, có không ít khó khăn, thách thức được dự báo trong quá trình triển khai đề án.
Việc phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao cần dựa trên nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh minh họa: N.K

Nhằm triển khai thực hiện Đề án, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có dự thảo biên bản ghi nhớ hợp tác giữa đơn vị này với các doanh nghiệp tham gia.

Theo đó, biên bản ghi nhớ hợp tác thể hiện sự cam kết của các doanh nghiệp với Cục Trồng trọt nhằm thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ trong thực hiện các nội dung của đề án với những hoạt động như: thứ nhất, tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu đầu ra sản phẩm cho các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia trong đề án; thứ hai, hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai chính sách liên kết sản xuất trong nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ trong thời gian qua cho thấy việc triển khai đề án sẽ gặp nhiều thách thức.

Về liên kết sản xuất, bao tiêu đầu ra sản phẩm

Thực tiễn những mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người nông dân, hợp tác xã tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy, dù là người nông dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp thì mục tiêu hàng đầu hướng đến đều là vì lợi nhuận. Điều này dẫn đến nhiều hệ quả.

Chẳng hạn như về phía người nông dân và các hợp tác xã, do yếu tố lợi nhuận chi phối nên các hợp đồng liên kết với doanh nghiệp thường là hợp đồng ngắn hạn. Điều này giúp người nông dân, hợp tác xã có thể linh hoạt trong việc lựa chọn bên thu mua để tối đa hóa lợi nhuận thu được.

Khi liên kết với doanh nghiệp, người nông dân, tổ hợp tác và hợp tác xã thường không mặn mà với việc đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất theo yêu cầu và tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đưa ra, dễ dẫn đến việc gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ tại những thị trường có yêu cầu khắt khe về quy trình, tiêu chuẩn sản xuất, xuất xứ hàng hóa…

Bên cạnh đó, vì có sự chi phối của mục tiêu lợi nhuận khiến cho các bên tham gia hợp đồng liên kết thường không hoàn toàn tuân thủ hợp đồng, thậm chí không thực hiện theo đúng những gì đã thỏa thuận với nhau, dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng, làm sao để thu được lợi nhuận tối đa khi giao dịch.

Ví dụ như, đối với người nông dân và hợp tác xã thường có xu hướng cung cấp không đủ sản lượng nông sản theo hợp đồng đã ký kết khi giá cả nông sản tăng cao hơn giá thỏa thuận trong hợp đồng. Nhưng khi giá nông sản giảm thấp hơn giá trong hợp đồng, người nông dân, hợp tác xã lại cố gắng giao cho doanh nghiệp nhiều sản lượng hơn hợp đồng để tìm kiếm lợi nhuận nhiều hơn.

Về phía doanh nghiệp, khi giá nông sản trên thị trường giảm thấp hơn giá trong hợp đồng, doanh nghiệp lại thường chấp nhận bỏ cọc để thu mua nông sản ở nơi khác hoặc viện lý do nông sản không đạt chất lượng, không tuân thủ quy trình sản xuất để từ chối thu mua. Thực tế cho thấy, các hợp đồng liên kết thường bị doanh nghiệp chi phối bằng một số điều khoản nhằm đẩy hết rủi ro cho người nông dân khi thị trường có biến động bất lợi.

Những hành vi phi thị trường này đã gây ra hệ lụy rất nghiêm trọng, làm suy giảm uy tín, lòng tin giữa các bên với nhau. Từ đó, bẻ gãy các mối liên kết, khiến cho việc liên kết trở nên thiếu bền vững.

Hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác

Ngoài vấn đề lợi nhuận, năng lực tuân quy trình, tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm đạt chuẩn theo yêu cầu của doanh nghiệp để đáp ứng thị trường tiêu thụ cũng là một vấn đề đặt ra đối với các mô hình liên kết.

Theo đó, về phía người nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, thói quen sản xuất chủ yếu theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ dẫn đến việc tiếp cận với quy trình sản xuất hiện đại, với nhiều tiêu chuẩn khắt khe còn gặp nhiều khó khăn. Theo tác giả bài viết, thực tế có nhiều sản phẩm được sản xuất khi giao cho doanh nghiệp thường không đồng bộ về chất lượng, tiêu chuẩn theo cam kết, yêu cầu của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp với bên tiêu thụ.

Ngoài ra, phía doanh nghiệp cũng gặp thách thức là thiếu đội ngũ nhân viên có đủ năng lực, kiến thức, kỹ năng và am hiểu về quy trình sản xuất để giám sát việc sản xuất tại vùng nguyên liệu, đảm bảo sản phẩm được sản xuất đúng theo yêu cầu, tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đề ra. Do đó, doanh nghiệp còn phải bỏ ra các chi phí khác để đào tạo, tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất, cách thức sử dụng những tiến bộ kỹ thuật hiện đạo vào quá trình canh tác. Doanh nghiệp còn phải bỏ thêm chi phí để duy trì đội ngũ nhân viên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất tại vùng liên kết.

Những chi phí này khiến các doanh nghiệp phải chịu thêm gánh nặng về tài chính khi thực hiện các dự án liên kết. Từ đó, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận thu được của doanh nghiệp.

Hiện tại để tổ chức thực hiện, Quyết định số 1490/QĐ-TTg về phê duyệt đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao đã phân công cụ thể vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Đặc biệt, quyết định này nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội ngành hàng liên quan đến sản xuất, kinh doanh lúa gạo trong tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh, vận động, hỗ trợ thành viên tổ chức liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia đề án.

Tuy nhiên, để đề án thực sự đạt được thành công, sự tham gia tích cực, hiệu quả giữa các tác nhân liên kết bao gồm doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và người nông dân lại là yếu tố quyết định. Nên bắt đầu từ việc thay đổi tư duy chia sẻ rủi ro, lợi ích trong quá trình liên kết giữa các tác nhân thay vì coi trọng lợi nhuận tối đa thu được như trước đây.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong hỗ trợ tư vấn pháp lý về hợp đồng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, cũng như thực hiện giám sát chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng giữa các bên, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm hợp đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên còn lại.

———————————

(*) Viện Kinh tế – Xã hội thành phố Cần Thơ

Theo Tạp chí KTSG Online