Đô thị sinh thái: Xanh để phát triển!

Từ không ngừng cải biến giới tự nhiên để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự tiến bộ của xã hội, loài người nhận ra rằng tác động của mình cũng gây ra hậu quả khôn lường tới tự nhiên. Xu hướng “thuận ứng” và “trở về” tự nhiên như một phản ứng tất yếu của nền văn minh, đã diễn ra ngay cả trong sự vận động của đô thị, với đô thị sinh thái. Việt Nam không phải là một biệt lệ.

 

Mặc dù “đô thị sinh thái” (eco-city) đã được giới nghiên cứu quy hoạch đô thị bàn luận và phổ biến trong nhiều thập kỷ qua, nhưng chỉ trong vòng khoảng 15 năm trở lại đây, mới ngày càng có nhiều dự án quy mô lớn được thực hiện nhằm nỗ lực biến khái niệm này trở thành hiện thực.

Một tham vọng xanh trên toàn thế giới

Mầm mống về một đô thị xanh, trở về với tự nhiên đã được gieo ươm từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, với mô hình thành phố vườn của Ebenezer Howard, thành phố tươi sáng của Le Corbusier và thành phố Broadacre của Frank Lloyd Wright. Điểm chung của các lý thuyết gia đô thị này là đều trăn trở trước hiện trạng những thành phố công nghiệp ô nhiễm, đông đúc và quá chật chội, họ muốn tạo ra thành phố lý tưởng với khu vực dân cư, công nghiệp và nông nghiệp được phân bổ tương xứng, với cảnh quan sinh thái tươi đẹp được bảo tồn.

Khu vực phường Nhân Chính (Thanh Xuân) trước đây là làng Mọc cổ nằm bên bờ Nam sông Tô Lịch, quá trình đô thị hóa đã biến nơi đây thành một khu dân cư đông đúc có mật độ xây dựng dày đặc. Nguồn: Báo Dân Trí

Ngân hàng Thế giới (2010) đưa ra một định nghĩa chính thức về đô thị sinh thái là “các thành phố nâng cao phúc lợi của người dân và xã hội thông qua quy hoạch và quản lý đô thị tổng hợp nhằm khai thác lợi ích của các hệ sinh thái, đồng thời bảo vệ và nuôi dưỡng những tài sản này cho các thế hệ tương lai”. (1) 

Đô thị sinh thái đề cập đến một thành phố lành mạnh về mặt sinh thái cho phép cư dân có cuộc sống chất lượng cao với tác động tối thiểu đến môi trường, một mục tiêu gắn liền với khái niệm bền vững và được chấp nhận rộng rãi giữa các nền văn hóa. Các quốc gia châu Á đang đóng góp đáng kể cho phong trào đô thị sinh thái toàn cầu này, với sự hỗ trợ mạnh mẽ và can thiệp trực tiếp từ chính phủ, đưa việc xây dựng các đô thị sinh thái kiểu mẫu trở thành sáng kiến quốc gia đầy tham vọng.

Tại Trung Quốc, đô thị sinh thái là một trong những chiến lược mũi nhọn nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng văn minh sinh thái đã được đưa vào Báo cáo Đại hội Đảng XVIII, do đó, chương trình phát triển đô thị sinh thái của quốc gia này có quy mô bậc nhất thế giới.

Một trong những đặc trưng của đô thị sinh thái Trung Quốc là sự thúc đẩy và tham dự sâu rộng của chính quyền, khác với sự phân mảnh, độc lập của các đô thị sinh thái trên thế giới. Có hơn 100 “thành phố sinh thái mới” đang được phát triển, và hơn 250 thành phố hiện có đã công bố kế hoạch trở thành “thành phố sinh thái” hoặc “thành phố carbon thấp”.(2)

Dự án đô thị sinh thái Thiên Tân do Trung Quốc kết hợp với Singapore đầu tư để trở thành mô hình điểm toàn cầu. Ảnh: CTGN

Trung Quốc khẳng định “xây dựng đô thị sinh thái là sự lựa chọn thông minh của loài người trong việc tìm tòi mô hình cộng sinh hài hòa với thiên nhiên, là sự lựa chọn chiến lược lâu dài để thực hiện sự phát triển bền vững của các đô thị Trung Quốc, với nội hàm là xây dựng hệ sinh thái tổng hợp mà thiên nhiên, xã hội và kinh tế nương tựa vào nhau, thực hiện tính bền vững cho môi trường tốt lành, xã hội công bằng và kinh tế phát triển”.(3)

Tiêu biểu, dự án đô thị sinh thái Thiên Tân do Trung Quốc kết hợp với Singapore đầu tư xây dựng được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình điểm toàn cầu về hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện môi trường, dành cho các đô thị quy mô lớn bị ô nhiễm nặng và phát triển hỗn tạp hiện nay do quy hoạch kém ở Trung Quốc lẫn các nước trên thế giới.

Còn tại Nhật Bản, Chương trình Thành phố Sinh thái (Eco-Town Program) đã được khởi động vào năm 1997 trên 26 thành phố trên toàn quốc gia, nhằm tạo ra các lợi ích kinh tế và môi trường thông qua việc thực hiện các quá trình cộng sinh đô thị và công nghiệp diễn ra trong một thành phố sinh thái.

Mô hình thành phố sinh thái (eco-town) của Kawasaki – Nhật Bản. Nguồn: Thành phố Kawasaki
Vùng mục tiêu ba lớp Eco-Town ở Kawasaki, Nhật Bản. Nguồn: Thành phố Kawasaki

Khoảng 1,65 tỷ USD đã được đầu tư vào 61 dự án tái chế sáng tạo, với mức hỗ trợ trung bình của chính phủ là 36%. Ngoài ra, ít nhất 107 cơ sở tái chế khác đã được xây dựng mà không cần đến trợ cấp của chính phủ. 14 thành phố sinh thái đóng góp chủ yếu vào việc cải thiện năng suất của ngành, trong khi 10 thành phố sinh thái đóng góp chủ yếu vào việc cải thiện tiện nghi và điều kiện môi trường. Tại 16 thành phố sinh thái, khu vực tư nhân là tác nhân quan trọng nhất hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc thực thi chương trình, trong khi ở tại 9 thành phố sinh thái là xã hội dân sự.

Song, không phải không có những ước vọng xanh chưa thành. Dự án Đông Than, Thượng Hải được Trung Quốc khởi công vào năm 2005 mệnh danh là “thành phố trung hòa carbon đầu tiên được quy hoạch trên thế giới”, hướng đến mục tiêu đạt được mức giảm 60% lượng khí thải carbon và giảm 66% mức tiêu thụ năng lượng so với các thành phố truyền thống của Trung Quốc, đã ngưng trệ kể từ 2010.

Quy hoạch và phối cảnh thành phố sinh thái Đông Than, Thượng Hải. Ảnh: Arup

Một dự án khổng lồ đã được triển khai tại một quốc gia đã từng tạo ra những điều kỳ diệu từ số không, như biến sa mạc trở thành đô thị với những siêu công trình đứng đầu thế giới, đó là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Vào năm 2006, Chính phủ UAE đã công bố ý định chi 22 tỷ USD để xây dựng thành phố Masdar, thành một thành phố không có carbon, không chất thải, thể hiện công nghệ tiên tiến nhất trong thiết kế thành phố bền vững. Một ý định khi công bố tưởng chừng rất hoang đường.

Cần phải giải thích thêm, đô thị zero-carbon là đô thị giảm lượng khí thải carbon xuống mức tối thiểu (lý tưởng là 0 hoặc âm) bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo; giảm tất cả các loại khí thải carbon thông qua thiết kế đô thị hiệu quả, sử dụng công nghệ và thay đổi lối sống; và cân bằng lượng khí thải còn lại thông qua quá trình cô lập carbon. Cho tới nay, một đích đến khả thi và cụ thể hơn là những thành phố carbon thấp, trên cơ sở chuyển đổi các thành phố sẵn có, như: Copenhagen (Đan Mạch), Denver (Mỹ), Canberra (Úc)…

Nhưng Masdar là một thành phố zero-carbon, công nghệ sạch được xác định ngay từ đầu, và dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Thành phố nằm gần khu vực đô thị của Abu Dhabi được thiết kế để chứa khoảng 50.000 người và 1.500 trung tâm thương mại trong diện tích 6km². Tuy nhiên, sau 10 năm, Masdar đứng trước nguy cơ trở thành một “thành phố ma” xanh. Chỉ một phần nhỏ của thị trấn đã được xây dựng – ít hơn 5% trong “bản thiết kế xanh” 6km² ban đầu. Hệ thống giao thông tự động tiên phong – ban đầu được cho là kéo dài tới 100 trạm – đã bị loại bỏ sau hai điểm dừng đầu tiên.

Hiện tại, Masdar gần như không thể loại bỏ hết lượng khí thải nhà kính, thậm chí chỉ bằng một phần nhỏ so với kế hoạch. Và đến cả các nhà chức trách cũng thừa nhận rằng nó sẽ không đạt được mục tiêu đó ngay cả khi dự án được xây dựng hoàn chỉnh.

Quy hoạch và phối cảnh thành phố zero-carbon Masdar, UAE. Nguồn: uwp.edu

Cuối cùng, Masdar không còn theo đuổi tầm nhìn viễn vọng lớn ban đầu là không carbon, không chất thải và được xây dựng trên một nền tảng nâng cao 9 mét với hệ thống giao thông nhanh chạy bằng điện bên dưới, tính bền vững về môi trường vẫn là trọng tâm trong câu chuyện của Masdar.

Masdar giờ đây sẽ là “carbon thấp” với các mục tiêu bền vững như: Giảm 15% lượng carbon thể hiện của vật liệu xây dựng thành phố; giảm 30% lượng carbon thể hiện trong vật liệu xây dựng được sử dụng để xây dựng các tòa nhà của nó; giảm 40% mức tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà; giảm 40% lượng nước sử dụng bên trong (tất cả đều so với các tòa nhà tương đương ở Abu Dhabi).(4)) Hơn nữa, tất cả các tòa nhà tại Masdar đều được xây dựng bằng xi măng ít carbon và 90% nhôm tái chế, cùng với các vật liệu khác đã được xác minh và có nguồn gốc tại chỗ. Những mục tiêu khả thi hơn.

Copenhagen thủ đô xanh của thế giới. Ảnh: Architizer

Việt Nam trong “giấc mơ xanh”

Ở Việt Nam, mọi kiểu hình thái đô thị mới, hay nói phổ quát hơn, mọi vấn đề lý thuyết trước khi đến với thực tiễn dường như đều bắt đầu từ việc tiếp nhận khái niệm và định chế hóa chúng. Nói như Edward Wadie Said, mọi ý tưởng và lý thuyết khi đặt chân tới một miền đất mới đều trải qua quá trình du hành. Và nếu rơi vào tình trạng “gọt chân cho vừa giày” thì đều có khả năng dẫn đến sự diễn giải sai lệch.

Trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành chưa quy định chính thức khái niệm về “đô thị sinh thái” cũng như đặt ra các tiêu chí cụ thể khi xem xét đánh giá một đô thị có phải là đô thị sinh thái hay không. Luật Quy hoạch đô thị (2009) và Luật Quy hoạch xây dựng (2015) hoàn toàn chưa đề cập đến khái niệm này.

Ngày 5.1.2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2006/NĐ-CP quy định về Quy chế khu đô thị mới, trong đó “Dự án khu đô thị mới” được định nghĩa là dự án đầu tư xây dựng một khu đô thị đồng bộ có hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu dân cư và các công trình dịch vụ khác, được phát triển nối tiếp đô thị hiện có hoặc hình thành khu đô thị tách biệt, có ranh giới và chức năng được xác định phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Mặc dù đây là văn bản pháp quy đầu tiên của Việt Nam về khu đô thị mới, tuy nhiên nội hàm khu đô thị mới sinh thái là gì cũng chưa được quy định.

Hình ảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức. TP.HCM). Ảnh: Vnexpress

Thông tư số 09/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về việc đánh giá, công nhận khu đô thị kiểu mẫu đã có những tiêu chí cụ thể về tỷ lệ đất giao thông, cấp nước, cây xanh… cho một khu đô thị kiểu mẫu, nhưng cũng chưa đề cập cụ thể tới tiêu chí sinh thái. Tới năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị, nhưng chưa có quy định thế nào là đô thị sinh thái.

Tất nhiên, khi bước vào thực tiễn ở Việt Nam, “đô thị sinh thái” ít nhiều dị biệt. Khái niệm đô thị sinh thái đang ngày càng phổ biến trong giới kinh doanh bất động sản. Từ trung tâm Hà Nội nhìn sang phía Đông Nam là khu đô thị sinh thái Ecopark, vốn được cho là “khu đô thị sinh thái có quy mô lớn nhất miền Bắc”, với tổng diện tích lên tới 500ha. Trong đó, chưa tính đến diện tích mặt nước tự nhiên, diện tích cây xanh và hồ nước đã lên tới 110ha (chiếm gần 22%).(5)

Ecopark – “khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc” phía đông nam Hà Nội. Ảnh: CTV

Năm 2022, UBND tỉnh Hòa Bình đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Hồ Khả tại xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn với tổng vốn dự kiến đầu tư trên 2.600 tỷ đồng. Theo phê duyệt, dự án có diện tích sử dụng đất 85,22ha; trong đó, đất cây xanh – mặt nước chiếm 28,76ha.(6) Hà Nam mới đây cũng kêu gọi đầu tư vào dự án khu đô thị sinh thái hơn 8.800 tỷ đồng mang tên Bắc Châu Giang, xây dựng tại phường Lam Hạ, xã Tiên Hải và xã Tiên Hiệp, Phủ Lý với tổng chi phí thực hiện dự kiến 8.815,6 tỷ đồng, tổng diện tích đất sử dụng 176ha, sơ bộ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 1.430,9 tỷ đồng.(7)

Đô thị sinh thái đúng nghĩa, cần được hiểu với nội hàm bao hàm, tổng thể và toàn diện hơn. Một đô thị lành mạnh cho chúng ta, cho tất cả mọi người sinh sống bên trong nó.

Tạm bỏ qua những con số nghìn tỷ, ta thử đánh giá tỷ lệ đất cây xanh – mặt nước trong các dự án này, để thử hình dung một tiêu chuẩn mặc định. Nhìn chung, tỷ lệ cảnh quan sinh thái tự nhiên được ước tính dao động trung bình trong khoảng 20-30%, và phần lớn tỷ lệ diện tích được phân bổ cho đất ở và đất thương mại, dịch vụ, du lịch – có thể gọi là loại “cây ăn quả hái ra tiền” chủ lực. Chưa kể, đằng sau số lượng cây lớn, tiềm tàng câu chuyện về sự phát thải từ những xe tải chuyên chở cây từ nơi khác tới, hay dấu chân carbon từ chính những con người tham gia trồng cây – họ tiêu thụ thức ăn và năng lượng, sử dụng phương tiện cá nhân…

Đô thị sinh thái cũng đã xuất hiện trong các văn bản định hướng quy hoạch phát triển. Một trong những mục tiêu chủ chốt trong nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 7.7.2021 về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng Hòa Vang phát triển theo hướng đô thị sinh thái có bản sắc riêng, trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics, dịch vụ du lịch sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng.(8)

Hình ảnh khu vực hồ Bán Nguyệt của khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7, TP.HCM). Ảnh: Nguyên Phương

Trong Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, những thị trấn huyện lỵ phía Tây Hà Nội như Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ), Liên Quan (huyện Thạch Thất), Quốc Oai (huyện Quốc Oai) và Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đều được quy hoạch phát triển trở thành thị trấn sinh thái mật độ thấp dựa trên nâng cấp từ các thị trấn hiện hữu. Hầu hết các thị trấn này nằm trong vị trí kết nối với năm đô thị vệ tinh của Hà Nội, đồng thời nằm trong ranh giới hành lang xanh giữa sông Đáy và sông Tích, một khu vực kiểm soát phát triển.

Những khu đô thị sinh thái ấy (như Ecopark), thực chất, chỉ là một thành tố bộ phận trong một đô thị hoàn chỉnh. Đô thị sinh thái không đơn thuần chỉ là trồng cây – phủ xanh và xây dựng công viên. Nếu như vậy, nó mới chỉ mang chức năng của đô thị cảnh quan. Chưa kể, đằng sau số lượng cây lớn, tiềm tàng các câu chuyện tiêu tốn năng lượng do quá trình vận chuyển cây từ nơi khác tới, lượng nước duy trì sự sống cho cây, sức lao động của con người hằng ngày chăm sóc chúng…

Loại “năng lượng ẩn chứa” rất lớn để tạo nên những vòm cây quanh năm tươi tốt, và  đương nhiên càng sử dụng nhiều năng lượng không tái tạo (dạng điện năng, xăng dầu…) thì lượng phát thải carbon càng lớn, càng khó đạt mục tiêu sinh thái mà khu đô thị Ecopark hướng đến từ tên gọi của nó?

Đoạn sông Tích chảy qua thị trấn Liên Quan, Thạch Thất, vốn được quy hoạch là thị trấn sinh thái mật độ thấp. Ảnh: Phạm Minh Quân

Tương tự, nếu đánh đồng đô thị sinh thái với du lịch sinh thái, thì mới chỉ nhìn nhận nó từ góc độ dịch vụ hệ sinh thái, vốn bao gồm cả dịch vụ cung cấp, dịch vụ điều tiết, dịch vụ văn hóa (mà du lịch sinh thái là một khía cạnh nhỏ), dịch vụ hỗ trợ.

Bởi từ “xanh” được hiểu theo hai nghĩa: xanh về mảng màu xanh (cây xanh, mặt nước, hạ tầng xanh và không gian xanh); và xanh nhờ phát thải thấp (thuộc hạ tầng kỹ thuật: tiết kiệm tài nguyên nước, nhiệt, điện, chất thải tuần hoàn, lao động chăm sóc…). Do đó, đô thị sinh thái cũng có hai cách tiếp cận tương ứng: 1. Đô thị sinh thái chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và hạ tầng xanh (tự nhiên). 2. Đô thị sinh thái chú trọng phát thải thấp, trung hòa carbon, netzero, tuần hoàn tài nguyên và tái sinh năng lượng.

Đô thị sinh thái cũng không phải là một đô thị chỉ nhằm mang lại những tiện ích thỏa mãn trải nghiệm sống thượng lưu của cư dân. Đô thị sinh thái đúng nghĩa, cần được hiểu với nội hàm bao hàm, tổng thể và toàn diện hơn. Một đô thị lành mạnh cho chúng ta, cho tất cả mọi người sinh sống bên trong nó.

Kiểm soát ‘sự’ phát triển hay kiểm soát ‘để’ phát triển?

Công nghiệp hóa, đô thị hóa – những làn sóng hay thành quả của văn minh công nghiệp – đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, có thể được coi là sự biến đổi nhân khẩu học quan trọng nhất trong thời hiện đại, khi chúng tái cấu trúc nền kinh tế quốc gia và định hình lại cuộc sống của hàng tỷ người. Tuy nhiên, sự phát triển này có những cái giá phải trả, mà tự nhiên là cái giá trước tiên và đắt nhất.

Đô thị sinh thái đúng nghĩa, cần được hiểu với nội hàm bao hàm, tổng thể và toàn diện hơn. Một đô thị lành mạnh cho chúng ta, cho tất cả mọi người sinh sống bên trong nó. Ảnh minh họa: Alex Thiện

Rõ ràng, Việt Nam rất cần đến đô thị sinh thái, bởi sau một quá trình đô thị hóa “nóng, chóng mặt và mất kiểm soát”, nhiều khu vực nội đô đã rơi vào tình trạng suy thoái đô thị (do xây dựng quá tải, giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm, lụt lội, cháy nổ…), bên những khu vực không gian xanh tự nhiên ven đô liên tục bị xâm lấn, triệt tiêu.

Hệ quả nhãn tiền nhất của phát triển đô thị ồ ạt là sự thu hẹp không gian xanh. Theo số liệu thống kê của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) năm 2017, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức thấp, chỉ từ 2-3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20-25m2/người. Như vậy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 – 1/10 của thế giới. Đấy là chúng ta chưa liệt kê đến những số liệu kèm theo về chỉ số môi trường bị suy giảm trầm trọng.

Hà Nội chẳng hạn, diện tích mặt nước của Hà Nội từ năm 1885 đến năm 2005 đã giảm tới 77%,(9) biến Thủ đô từ một đô thị sông nước thành đất bằng với những con sông chết trong nội thị. Những biện pháp kiểm soát phát triển như quy hoạch hành lang xanh và vành đai xanh Hà Nội quản lý nhằm khống chế, ngăn chặn bê tông hóa, hay các kế hoạch nâng cấp – mở rộng công viên và trồng thêm cây xanh đường phố “cho ước mơ thành phố vườn đến năm 2030” có tỷ lệ 70% hành lang xanh ngoại thị và 30% công viên và vườn hoa nội đô như một giải pháp cứu vãn tình thế, nhưng nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá là rất khó khả thi.

Những khoảng không ngập tràn bê tông, trên trời lẫn dưới đất, “thủ tiêu” không gian xanh Hà Nội. Ảnh: Báo Dân Trí

Vậy Việt Nam có cơ hội dành cho đô thị sinh thái không? Chắc chắn câu trả lời là có. Như đã trình bày ở trên, hai cơ hội, đầu tiên là chuyển đổi, sửa chữa, nâng cấp các đô thị cũ thành đô thị sinh thái, thứ hai là đưa đô thị sinh thái vào ngay trong quy hoạch các vùng đô thị mới. Cơ hội là chia đều.

Thách thức đối với loại cơ hội thứ nhất chính là hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị Việt Nam sẵn có rất yếu kém, nhất là hệ thống giao thông, cấp thoát nước, thoát thải và xử lý chất thải – những trụ cột trao đổi vật chất cốt yếu của đô thị sinh thái. Để thay đổi, chắc chắn đòi hỏi một công cuộc “đại cải tạo” với kinh phí khổng lồ.

Còn với những đô thị sinh thái được quy hoạch từ đầu trước khi khởi công, từ kinh nghiệm quốc tế vẫn cho thấy chúng đều có khả năng bất thành (hãy nhìn trường hợp Đông Than của Trung Quốc và Masdar củaUAE). Hơn thế nữa, cần phải có một bộ tiêu chí khoa học chính xác nhằm xác định các điều kiện biên của đô thị sinh thái.

Một đô thị sinh thái không phải tự nhiên khai sinh mà có, trái lại, nó phải chịu rất nhiều ràng buộc nghiêm ngặt về tiêu chí sinh thái lẫn nhân văn.

Phát triển đô thị sinh thái, thoạt tiên, phải được khẳng định như là một quá trình lành mạnh hướng tới phát triển bền vững, trong khả năng chịu đựng của hệ sinh thái địa phương thông qua việc thay đổi phương thức sản xuất, hành vi tiêu dùng và công cụ ra quyết định dựa trên kinh tế sinh thái và kỹ thuật hệ thống.

Chìa khóa ở đây là sự tích hợp sinh thái nhằm trao đổi hiệu quả giữa sự giàu có về kinh tế và sức khỏe môi trường, giữa văn minh vật chất và tinh thần, giữa điều khiển sinh thái học (eco-cybernetic) tự nhiên và con người. Rõ ràng tất cả đều hướng đến duy trì một cán cân cân bằng giữa một bên là hiệu quả sản xuất – kinh tế, còn một bên là bảo tồn bền vững sinh thái.

Điều này đòi hỏi những công cụ chính đến từ thể chế, nhà hoạch định, sự tham gia và ý thức của người dân, cùng với động lực tiên phong tới từ nhà nghiên cứu, quy hoạch – thiết kế đô thị. “Sản xuất sạch”, “năng lượng sạch”, “cộng sinh” và “công nghiệp sinh thái” là yếu tố then chốt trong sự phát triển toàn diện hướng tới đô thị sinh thái.

Ngay với phố núi Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) khu vực trung tâm cũng đã dày đặc bê tông. Ảnh: Mai Vinh

Đô thị sinh thái, khác với một khu đô thị mới mang tính chất “phân lô bán nền” đồng nhất về kiến trúc và chức năng. Đòi hỏi nhiều hơn thế, nó phải đáp ứng “ba tự trị” bao gồm tự sở hữu “nồi cơm” – vận hành trên một nền kinh tế khép kín có được từ tài nguyên tại chỗ, hỗ trợ nông nghiệp và sản xuất địa phương,(10) tự tuần hoàn – luân chuyển và tái sử dụng các dòng vật chất, năng lượng và chất thải, tự bảo toàn – sử dụng vật liệu thân thiện, phục hồi các khu đô thị bị hủy hoại về môi trường.

Muốn xác định hay quy hoạch một đô thị sinh thái, theo Meine Pieter van Dijk (2010), phải trả lời rất nhiều câu hỏi, như đô thị này sẽ ứng xử như thế nào với những vấn đề như năng lượng, chất thải rắn, vận tải, ô nhiễm, nước, tình trạng vệ sinh, biến đổi khí hậu, nhà ở, phát triển đô thị bền vững và đề ra cách tiếp cận tích hợp ra sao? (11) Mỗi câu hỏi lại đặt ra vô vàn những tiêu chí khác nhau để định lượng và đánh giá.

Đô thị sinh thái là giải pháp giải quyết các vấn đề về môi trường và phát triển kinh tế, hình mẫu cho sự phát triển của thành phố trong tương lai.

Tổ chức Ecocity Builders được Richard Register thành lập năm 1992, tập hợp các nhà xây dựng đô thị sinh thái, đã thiết lập Tiêu chuẩn và Khuôn khổ Đô thị Sinh thái Quốc tế (IEFS). Với 18 tiêu chuẩn thuộc bốn trụ cột – thiết kế đô thị, điều kiện địa vật lý sinh học, đặc điểm văn hóa xã hội và nhu cầu sinh thái – IEFS là một công cụ chẩn đoán, đánh giá hiện trạng cho các thành phố và công dân để đo lường sự tiến bộ đối với các điều kiện của đô thị sinh thái.

Ở Bắc Mỹ, hệ thống đánh giá LEED (Leadership in Energy and Environmental Design/Sự lãnh đạo trong thiết kế năng lượng và môi trường) đã được ứng dụng để đánh giá và xếp hạng công trình xanh của Mỹ và Canada, xét trên các khía cạnh thiết kế, xây dựng và hoạt động của các công trình. Trong đó có 35 yếu tố với tổng là 100 điểm, xếp theo 6 tiêu chí đánh giá bao gồm: (1) vị trí bền vững; (2) sử dụng nước hiệu quả; (3) năng lượng và không khí; (4) vật liệu và tài nguyên; (5) chất lượng môi trường trong nhà và (6) sự sáng tạo trong quá trình thiết kế.

Đối với cộng sinh trong đô thị sinh thái, người ta sử dụng các tiêu chí phức tạp dựa trên tính toán mức giảm phát thải CO2 bằng cách áp dụng phương pháp LCA (life-cycle assessment/đánh giá vòng đời), lượng khí thải CO2 do thu gom và trước khi xử lý chất thải, cũng như lượng khí thải do xây dựng các công trình mới, phân tích dòng vật chất tích hợp (MFA), dấu chân carbon (CF) và các phương pháp emergy (năng lượng sẵn có để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ), từ đó mới đi đến phân tích tính khả thi, cũng như lợi ích môi trường và hiệu quả hoạt động của các đô thị sinh thái có thể bị ảnh hưởng như thế nào theo quy mô dự án (tức là lượng chất thải được sử dụng làm đầu vào), giới hạn tái chế và loại chất thải.

Phối cảnh một dự án khu đô thị sinh thái ở Đồng Nai.

Năm 2018, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đã tiến hành nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu và xây dựng bộ tiêu chí đô thị sinh thái”. Đề tài đã đề xuất bộ tiêu chí đô thị sinh thái áp dụng cho quy hoạch đô thị tại Việt Nam trong đó gồm các nhóm tiêu chí về (1) cơ cấu quy hoạch không gian, sử dụng đất, thiết kế đô thị; (2) giao thông đô thị; (3) cơ sở hạ tầng xanh có khả năng chống chịu cao; (4) năng lượng; (5) việc làm, kinh tế, đầu tư, công nghiệp; (6) quản lý và vận hành. Đây có thể coi là cơ sở đầu tiên nhằm định hình một bộ tiêu chí định nghĩa đô thị sinh thái tại Việt Nam.

Bởi vậy, một đô thị sinh thái không phải tự nhiên khai sinh mà có, trái lại, nó phải chịu rất nhiều ràng buộc nghiêm ngặt về tiêu chí sinh thái lẫn nhân văn. Chúng không phải những tiêu chí kiểm soát sự phát triển theo lối cơ học, mà nhắm tới những tác nhân gây phương hại đô thị, để cuối cùng, hướng đến một sự phát triển xanh, sạch, bền vững cho các cư dân của nó.

Đô thị sinh thái là giải pháp giải quyết các vấn đề về môi trường và phát triển kinh tế, hình mẫu cho sự phát triển của thành phố trong tương lai. Tuy nhiên, nếu không hiểu bản chất và các hoạt động chính của đô thị sinh thái, thì thành công và những lợi ích tiếp theo của nó sẽ không thể được đảm bảo. Câu chuyện đô thị sinh thái Việt, để vừa xanh vừa phát triển, còn rất dài phía trước

Nhu cầu ngày càng cao với mô hình đô thị sinh thái

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), trong năm 2020 những sản phẩm bất động sản trong các khu đô thị thông minh có sức thanh khoản cao gấp 2 lần so với các dự án thông thường. Không những vậy, những dự án có quy hoạch bài bản, đảm bảo hiện thực hoá được những bản vẽ đẹp thành những khu đô thị có sức sống luôn có sức cạnh tranh cao và có giá bán cao vượt trội.

Hết năm 2020, cả nước có 862 đô thị. Theo nhận định 6 tháng đầu năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch nhiều khu đô thị mới, đặc biệt là mô hình đô thị sinh thái với thiết kế tổ hợp, dịch vụ, thương mại, giải trí. Đặc biệt trong quy hoạch xây dựng khu đô thị, các dự án đã dành một diện tích đáng kể để xây dựng công viên cây xanh và thiết kế mô hình sinh thái tạo không gian tổng hợp gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Nhật Linh  (Theo Năng lượng sạch Việt Nam)

Theo Tạp chí Người Đô Thị