Kinh tế TP.HCM đang có những tín hiệu phục hồi trong “cơn bão” suy thoái toàn cầu, một số “tia sáng” đang thắp lên nhiều hy vọng.
Nỗ lực vươn mình
“Kinh tế khó khăn nên lượng khách hàng đến quán ăn giảm mạnh. Doanh thu của quán chúng tôi chỉ bằng 50% so với trước. Tuy nhiên, tôi phải tìm nhiều giải pháp để cải thiện tình hình”, chị Hạnh – chủ quán hủ tiếu trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10 nói.
Chị Hạnh cho biết, kể từ đầu năm 2023, lượng khách ăn hủ tiếu bắt đầu giảm rõ rệt. Trước đây, quán chị có thể bán 300 – 350 tô/ngày thì bước qua năm 2023 chỉ bán khoảng gần 200 tô/ngày. Chị đã tìm nhiều phương án để duy trì kinh doanh nhằm trả lương cho nhân viên trong quán.
Theo chị Hạnh, chị đã kết nối với các ứng dụng giao hàng để bán thêm hủ tiếu cho khách đặt online. Chị cũng yêu cầu nhân viên giao hàng trực tiếp cho khách trong bán kính 2km và giảm giá cho khách khi có hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên. Quán cũng mở cửa đến 23h thay vì 21h như trước để tăng doanh thu.
Chị Hạnh đã làm việc với chủ nhà để giảm giá thuê mặt bằng, yêu cầu đầu mối giao thịt heo bán giá tốt hơn để có thể vượt qua khó khăn chung. Chính vì vậy, trong 3 tháng qua, tình hình kinh doanh của quán đã cải thiện hơn hồi đầu năm rất nhiều.
Anh Vũ Văn Tuấn, Giám đốc một doanh nghiệp logistics tại quận 7 chia sẻ, kinh tế khó khăn, đơn hàng cạn kiệt nên đội xe container, xe tải của anh ít việc hơn trước. Công ty anh buộc phải kinh doanh thêm nông sản để tăng doanh thu và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Sau thời gian chật vật tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công bưởi và dừa sang thị trường Châu Âu.
“Doanh thu của công ty đã tăng khoảng 25% so với hồi đầu năm, thu nhập của người lao động cũng ổn định hơn. Khi nền kinh tế gặp thách thức thì doanh nhân phải tìm hướng đi mới”, anh Tuấn cho hay.
Ghi nhận của VTC News, người dân và doanh nghiệp tại TP.HCM vẫn đang nỗ lực sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức. Lãnh đạo thành phố cũng tìm nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế thành phố.
Cụ thể, trong năm 2023, nhiều chương trình xúc tiến thương mại và kích cầu tiêu dùng đã được triển khai. Điển hình như chương trình xúc tiến thương mại với Liên minh Châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Canada, Ba Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Singapore, Malaysia…
Trong 11 tháng của năm 2023, TP.HCM đã thu hút hơn 3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, Singapore và Malaysia là hai quốc gia có tỷ trọng vốn góp cao nhất, lần lượt chiếm hơn 43% và 21%.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nhằm gia tăng sức mua của người dân. Điển hình như các chương trình “Mùa mua sắm – Shopping Season”, Flash sale holiday và hàng loạt các triển lãm, chương trình bình ổn thị trường.
Sở Công Thương TP.HCM cũng tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu giữa thành phố và các địa phương khác nhằm khơi thông “dòng chảy” hàng hóa.
Trong 11 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP.HCM đạt 1,081 triệu tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, bán lẻ hàng hóa đạt hơn 634.000 tỷ đồng, tăng 11,2%; lưu trú ăn uống đạt hơn 99.000 tỷ đồng, tăng 30,2%; du lịch lữ hành đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 70,2%…
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn thành phố cũng đang dần phục hồi với mức tăng trưởng 4,1%. Trong đó, IIP của nhiều ngành trọng điểm đã có mức tăng trưởng tốt như điện tử (tăng 6%), cơ khí (tăng 7,4%), hóa dược (tăng 19,1%). Các ngành công nghiệp khác cũng tăng trưởng như điện, khai khoáng, chế biến chế tạo, dệt…
Nan giải với đầu tư công và xuất khẩu
Ngoài việc thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng nội địa, TP.HCM cũng tập trung đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu, bởi đây là những trụ cột chính để đưa kinh tế thành phố vượt qua giai đoạn đầy thách thức như hiện nay. Thế nhưng, giải ngân đầu tư công vẫn là “bài toán” đầy hóc búa với thành phố.
Tại Kỳ họp thứ 13 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố thừa nhận, khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của kinh tế thành phố.
Tính đến ngày 6/12, TP.HCM chỉ mới giải ngân được 35.157 tỷ đồng, đạt 51,2% kế hoạch. Tuy nhiên, thành phố vẫn kiên trì với mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt 95% và thấp nhất là không dưới 80% kế hoạch được giao.
Như vậy, với nhiệm vụ giải ngân hơn 68.800 tỷ đồng trong năm 2023, TP.HCM buộc phải giải ngân gần 30.000 tỷ đồng trong 17 ngày còn lại của năm cũ. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề của thành phố.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng, nhiệm vụ giải ngân đầu tư công của thành phố khó có thể đạt mục tiêu vì nhiều dự án còn gặp vướng mắc, khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Thành phố đang có khoảng 16.900 tỷ đồng vốn khó giải ngân, chiếm gần 25% tổng số vốn đầu tư công năm 2023.
Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, trả lời VTC News, đại diện Cục Hải quan TP.HCM thừa nhận, dù các cơ quan, ban ngành tại thành phố đang hết sức nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn như hiện nay thì các mục tiêu kế hoạch được xây dựng hồi đầu năm khó có thể hoàn thành.
Theo đại diện Cục Hải quan TP.HCM, trong 11 tháng qua, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu làm thủ tục thông quan tại đơn vị này đạt hơn 106 tỷ USD, giảm hơn 18 tỷ USD (khoảng 15%) so với cùng kỳ năm ngoái. Thành phố đang nhập siêu khoảng hơn 5 tỷ USD.
Cũng theo đại diện Cục Hải quan TP.HCM, chính vì lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giảm mạnh nên kết quả thu ngân sách Nhà nước của đơn vị này cũng bị ảnh hưởng. Tính đến cuối tháng 11, Cục Hải Quan TP.HCM thu ngân sách hơn 110.225 tỷ đồng, bằng 75,6% chỉ tiêu pháp lệnh (145.800 tỷ đồng).
Với kết quả trên, Cục Hải quan TP.HCM dự tính, số thu ngân sách Nhà nước cả năm 2023 ước đạt 121.000 tỷ đồng, bằng 82,99% chỉ tiêu pháp lệnh; giảm 15,41% so với năm 2022, giảm tuyệt đối hơn 22.000 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Lê Thành Long nhận định, trong năm 2023, UBND TP.HCM và các Sở ngành đã rất nỗ lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang ngày càng khó đoán khiến các mục tiêu lớn của thành phố đều khó thực hiện. Điển hình như thành phố chỉ ước đạt tăng trưởng khoảng 5,8% trong năm 2023, trong khi mục tiêu trước đó là 7,5 – 8%.
“Xuất nhập khẩu giảm mạnh, giải ngân đầu tư công cũng khó hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, với những nỗ lực như hiện nay thì mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2024 của thành phố là hoàn toàn có cơ sở. Vấn đề là TP.HCM cần thêm thời gian để thực hiện”, ông Long nói.
Theo ông Long, ngoài quyết tâm của thành phố thì các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng cần tập trung hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Các địa phương cần tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân cũng như đưa ra các chính sách thông thoáng, giảm thiểu các thủ tục rườm rà, không cần thiết.
Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm để các ngân hàng, tổ chức tài chính chung tay cùng chính quyền, doanh nghiệp, người dân thành phố nhằm hỗ trợ nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, “nới lỏng” các điều kiện cho vay, tạo động lực để kinh tế vươn lên.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa sản phẩm, tìm thị trường mới hoặc thị trường “ngách” phù hợp. Kinh doanh đa dạng nền tảng và phương thức phân phối. Hiện nay, việc bán hàng “xuyên biên giới” cũng là xu hướng của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thành phố.
Mặc dù kinh tế còn gặp nhiều thách thức nhưng khi tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo TP.HCM luôn kiên định với chiến lược tăng trưởng xanh – phát triển bền vững của thành phố, không đánh đổi môi trường để đạt mục tiêu tăng trưởng.
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung vào 4 nội dung gồm: nguồn lực xanh (nhân lực trình độ cao, tài chính xanh, kết nối/hợp tác xanh); hạ tầng xanh (chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch và tiết kiệm nước, tuần hoàn tài nguyên); hành vi xanh (tiêu dùng xanh, giao thông xanh, xây dựng xanh) và nhóm ngành/lĩnh vực ưu tiên (sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh – đổi mới sáng tạo, du lịch xanh, thực phẩm xanh, Cần Giờ xanh).
Theo UBND TP.HCM, trong 21 chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ đạo của thành phố trong năm 2023 thì thành phố dự kiến sẽ đạt 13 chỉ tiêu và 8 chỉ tiêu không đạt.
Trong năm 2024, UBND thành phố sẽ điều chỉnh, bổ sung 18 chỉ tiêu chủ yếu và được phân chia thành 5 nhóm: kinh tế, xã hội, đô thị, cải cách hành chính, quốc phòng – an ninh. Ở nhóm kinh tế, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5 – 8%, hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước; phấn đấu tổng thu du lịch đạt trên 190.000 tỷ đồng, khách quốc tế đạt khoảng 6 triệu lượt; 100% hạ tầng công nghệ thông tin được rà soát, nâng cấp, đảm bảo liên thông kết nối từ thành phố đến cấp huyện và phường, xã, thị trấn. Ở nhóm đô thị, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ đất giao thông đạt 14,4%, mật độ đường giao thông bình quân đạt 2,4 km/km2, diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 8 triệu mét vuông, nhà ở bình quân đầu người đạt 22,06 m2/người. |
Theo VTC