Đây là cơ hội không thể tốt hơn để Việt Nam bắt tay vào xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, nâng tầm giá trị hạt gạo Việt trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương phải sớm tích cực vào cuộc.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã khẳng định như vậy khi cho rằng thị trường lúa, gạo đang rất thuận lợi, giá gạo Việt Nam xuất khẩu lần đầu vượt qua Thái Lan và đặc biệt là sau khi gạo thơm ST25 lần thứ hai đăng quang trong cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” vào tháng 11-2023.
Theo các chuyên gia, các bộ ngành chức năng cần sớm vào cuộc xây dựng quy trình, tiêu chuẩn chọn giống, canh tác phù hợp với yêu cầu cùng với chính sách hỗ trợ phát triển mở rộng, quảng bá thương hiệu.
Chung tay xây dựng thương hiệu gạo quốc gia
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thái Bình – chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) – cho rằng việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam giai đoạn này là rất cần thiết.
Trong đó cần tập trung xây dựng từng loại gạo, từng doanh nghiệp, từng vùng miền để hình thành thương hiệu gạo Việt Nam. Đặc biệt, người tiêu dùng trên thế giới rất cần sản xuất xanh, sạch, an toàn. Do vậy để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, cần phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững từ cánh đồng đến bàn ăn.
Trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo có nhiều vấn đề cần quan tâm, nhất là phải làm sao trồng lúa giảm phát thải.
“Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam bao gồm nhiều tiêu chí chứ không chỉ đơn thuần là ngon. Tập trung xây dựng thương hiệu từng loại gạo, từng loại giống, đảm bảo mọi yêu cầu của người tiêu dùng trên thế giới, đáp ứng được mọi khẩu vị của người ta. Đặc biệt là đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, an toàn thực phẩm nữa. Đây là tiêu chuẩn hàng đầu hiện nay”, ông Bình cho biết.
Theo GS Võ Tòng Xuân, vấn đề xây dựng thương hiệu gạo rất quan trọng, mọi người đều có trách nhiệm trong chuỗi thương hiệu này. Nhiều doanh nghiệp Việt đã tích cực tổ chức sản xuất, đem sản phẩm gạo giới thiệu thị trường nhiều nước, nhưng vì số lượng ít bán không có lời.
“Diện tích trồng lúa manh mún, không có cánh đồng lớn là một rào cản để xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam. Nếu chúng ta có thể giải quyết những khó khăn này, việc xây dựng thương hiệu dễ dàng hơn”, ông Xuân nói.
Ông Huỳnh Văn Thòn – chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời – cho biết Việt Nam đã theo đuổi việc xây dựng thương hiệu lúa gạo nhưng đầu tư chưa xứng tầm. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi hơn các nước khác.
Cụ thể có nhiều nhà khoa học, nông dân tích cực nghiên cứu giống lúa; có điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi phát triển giống lúa nên Việt Nam liên tục có nhiều giống lúa ngắn ngày, trồng được nhiều vụ trong năm, đa dạng loại giống… Đây là điều kiện để hình thành thương hiệu gạo.
Tuy nhiên mỗi khâu có liên quan trong chuỗi ngành hàng lúa gạo phải cùng nhau xây dựng thương hiệu gạo Việt.
“Chúng ta phải xem lại từ khâu sản xuất, giống, quy hoạch cho tới kiểm soát, thu mua, chế biến, bảo quản và làm công tác thị trường… Đây là điều kiện đủ để thúc đẩy quyết tâm xây dựng thương hiệu gạo. Nếu có sự đồng thuận, chúng ta cùng nhau làm, quyết tâm cao thì sẽ làm được thương hiệu gạo Việt Nam đủ mạnh”, ông Thòn khẳng định.
Một hay nhiều gạo làm đại diện?
Ông Trần Tấn Phương – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng – cho rằng xây dựng thương hiệu gạo quốc gia là một hành trình dài, cần sự vào cuộc từ nhiều cấp, nhiều ngành. Do đó, cần chọn một giống lúa chất lượng làm chủ lực để xây dựng thương hiệu quốc gia, kèm theo đó là một nhóm giống lúa đặc sản, chất lượng cao.
“Tất cả phải được sản xuất theo một quy chuẩn an toàn, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường”, ông Phương đề xuất.
Ông Hồ Quang Cua – “cha đẻ” gạo ST25 – cho rằng chỉ nên chọn một loại gạo để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Chẳng hạn Thái Lan chỉ chọn gạo Hom mali làm thương hiệu gạo quốc gia, những giống còn lại là gạo thơm Thái Lan.
Trong khi đó theo GS Võ Tòng Xuân, với việc gạo ST25 lần thứ hai giành ngôi vương giải “Gạo ngon nhất thế giới”, Bộ NN&PTNT cần tranh thủ chọn giống gạo nổi tiếng ST25 để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam, như cách làm thành công của Thái Lan chọn gạo Hom mali.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Thòn cho rằng thương hiệu gạo quốc gia cần được xây dựng trên nền tảng nhiều giống.
Trong đó không thể không có những tên riêng, để tạo nên thương hiệu quốc gia và ngược lại, gạo quốc gia cũng nâng tầm cho từng loại gạo của từng doanh nghiệp. Mỗi loại gạo phải được sản xuất theo một quy chuẩn nghiêm ngặt để được in bao bì, có logo…
Ông Lê Quốc Điền – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp – cũng cho rằng muốn xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam phải chọn một nhóm gạo phù hợp với nhu cầu, địa hình từng vùng miền. Trong đó, nhóm gạo này phải phục vụ nhóm lớn tuổi (lượng đường thấp), nhóm thanh niên và nhóm trẻ… cũng như phù hợp với hệ sinh thái từng vùng miền.
“Nếu chọn ST25 sẽ rất khó trong gieo trồng ở các tỉnh đầu nguồn, do giống lúa này chỉ phù hợp vùng biển. Những giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, chống sâu bệnh thì không ngon, nhưng rất phù hợp với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay. Do đó, chúng ta phải có những dòng gạo phù hợp với biến đổi khí hậu, chứ không nên chỉ chăm chú vào một giống lúa”, ông Điền nói.
Ông Nguyễn Phước Thiện, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói trong bối cảnh thị trường gạo thuận lợi như hiện nay, cần đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Tuy nhiên không nhất thiết chọn một giống lúa để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia mà chọn nhiều giống để phù hợp với địa hình, địa thế, sản vật và tầm vóc lúa gạo của Việt Nam.
“Phải chọn một nhóm sản phẩm phổ biến của một quốc gia, chứ không nên mang sản phẩm đặc thù, riêng biệt hay thương hiệu riêng”, ông Thiện nói.
Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần sớm vào cuộcTheo các chuyên gia, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương cần sớm vào cuộc để tìm loại giống lúa chất lượng, sản phẩm ngon để xây dựng thương hiệu quốc gia, thông qua những cuộc thi trong nước để tuyển chọn. Chẳng hạn như qua gạo lọt vào vòng 1, vòng 2 của nhiều năm, rồi bình chọn của người tiêu dùng thế nào… để ra những sản phẩm ở tầm quốc gia cho một vài sản phẩm. Một chuyên gia cho rằng việc xây dựng thương hiệu quốc gia phải thông qua bình chọn, xét tuyển của chuyên gia, của thị trường chứ không thể nào chỉ qua một cuộc thi. Tuy nhiên, thông qua những cuộc thi như vậy, sản phẩm gạo đoạt giải được biết đến nhiều hơn sẽ khuyến khích doanh nghiệp làm thương hiệu, khuyến khích người làm giống lúa, khuyến khích người làm quy trình chuẩn. “Đến lúc đó mới xem xét những giống lúa chuẩn, ngon nhất để nâng tầm. Đây là cách làm của Ấn Độ, Thái Lan. Quy trình này có thể mất vài năm thay vì chúng ta chọn một giống nào đó thì rất chủ quan”, TS Võ Hùng Dũng gợi ý. |
* TS Võ Hùng Dũng (nguyên giám đốc VCCI vùng ĐBSCL):
Việt Nam nên tổ chức các cuộc thi gạo ngonTheo dõi những lần tham gia thi gạo ngon nhất thế giới của ông Hồ Quang Cua, tôi thấy sau khi gạo đoạt giải có ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng, người ta thích gạo có chất lượng, gạo có hơi hướng “ST”. Người tiêu dùng nước ngoài cũng thích loại gạo có phẩm chất tốt, nên những công ty xuất khẩu gạo ra thị trường nước ngoài cũng hưởng lợi từ kết quả này. Do đó, theo tôi, chúng ta nên khuyến khích nhiều doanh nghiệp hơn gửi mẫu gạo đi thi các cuộc thi quốc tế về gạo ngon, lúa tốt để thương hiệu gạo Việt Nam được người tiêu dùng nhiều quốc gia biết đến hơn. Ngoài ra cũng nên tổ chức những cuộc thi trong nước. Ngay như The Rice Trader, một tổ chức tư nhân mà còn tổ chức được, nên chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức được các cuộc thi gạo ngon, lúa tốt, nhất là sau khi Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam vừa thành lập. Gạo ngon gắn liền với giống lúa, quản trị giống lúa, kỹ thuật trồng thế nào. Nếu chúng ta làm bài bản, chuẩn, chấm giải nghiêm túc, những công ty, đơn vị đoạt giải chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đối với trong nước và thế giới. Trước nhất ở trong nước, người tiêu dùng sẽ tìm kiếm lúa chất lượng cao, gạo ngon để sản xuất và tiêu thụ. Không nhất thiết trông chờ vào những cuộc thi quốc tế. |