Một trong những khó khăn mà doanh nghiệp thủy sản phản ánh gần đây là tình trạng có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra mỗi năm.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi tới Văn phòng Chính phủ – Cơ quan thường trực Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính; Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính về tình hình sản xuất xuất khẩu thủy sản và những giải vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính của doanh nghiệp thủy sản tháng 11-2023.
Theo đó, một trong những khó khăn mà doanh nghiệp thủy sản phản ánh gần đây là tình trạng có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra mỗi năm. VASEP đánh giá rằng, mặc dù hoạt động thanh tra và kiểm tra là cần thiết để đảm bảo tuân thủ kỷ cương và pháp luật, nhưng sự quá mức và trùng lặp đang tạo ra nhiều khó khăn.
“Đó là tình trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm. Dù cùng một nội dung, một lĩnh vực nhưng lại có nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực hải quan, thuế, môi trường,… dẫn đến tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra” – VASEP cho biết.
Theo VASEP, việc thực hiện thanh tra và kiểm tra quá thường xuyên và phiền hà như hiện nay đang tạo ra chi phí đáng kể cho doanh nghiệp, gây gián đoạn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của họ. Điều này trở nên nguy cấp hơn trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như sụt giảm đơn hàng và giá cả, thiếu hụt lao động sản xuất, và tăng chi phí đầu vào.
VASEP lưu ý rằng tình trạng này không khớp với hướng dẫn của Chính phủ trong Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17-5-2017, trong đó nêu rõ rằng kế hoạch thanh tra hàng năm không nên tạo ra tình trạng thanh tra hoặc kiểm tra quá một lần mỗi năm cho doanh nghiệp. Đồng thời, nếu có sự trùng lặp với hoạt động kiểm toán nhà nước, cần phối hợp và trao đổi với Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ để đạt được sự thống nhất.
Do đó, VASEP đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh hoạt động thanh tra và kiểm tra để giảm thiểu tình trạng chồng chéo và trùng lặp, đồng thời cắt giảm các hoạt động không cần thiết, tuân thủ đúng theo hướng dẫn trong Chỉ thị số 20/CT-TTg của Chính phủ.
Theo Doanh Nghiệp Hội Nhập