Thổi hồn vào những cây tre thô cứng, anh Võ Tấn Tân ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, không chỉ theo chân du khách nước ngoài đến nhiều vùng đất trên thế giới mà còn giúp họ có những trải nghiệm thực tế, làm ra những sản phẩm từ tre, ngay tại xưởng tre của mình.
Xuất thân là sinh viên ngành Điện tử viễn thông tại TP. Đà Nẵng nhưng chọn việc khôi phục nghề thủ công truyền thống làm mục tiêu lập nghiệp, góp sức cho quê hương, nên sau bao năm bôn ba nơi phố thị anh Võ Tấn Tân đã về lại Hội An để bắt đầu câu chuyện của Taboo Bamboo.
Từ mong muốn lan tỏa lối sống xanh
Tại Hội An có nhiều làng nghề khác nhau như làng gốm, làng mộc, làng rau…Trong đó, tại xã Cẩm Thanh là làng nghề tre, dừa nước. Tận dụng nguyên liệu sẵn có tại quê nhà cùng với truyền thống nghề thủ công mỹ nghệ của gia đình, anh Tân đã miệt mài thử nghiệm và sáng tạo các tuyệt phẩm từ cây tre tại nơi chôn nhau cất rốn của mình. Cùng với đó là kế hoạch lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng bằng việc sử dụng các vật dụng từ thiên nhiên.
Anh Tân kể, những ngày đầu quyết định trở về Hội An lập nghiệp, anh gắn bó với nơi này bằng công việc của một hướng dẫn viên du lịch. Nhưng vốn có niềm đam mê với cây tre từ khi còn bé, anh vẫn hay tự mình làm những vật dụng nhỏ từ tre, các sản phẩm mỹ nghệ đơn giản. Tình cờ, sau một lần đăng lên Facebook khoe thành quả, sản phẩm của anh lại được bạn bè, đồng nghiệp thích thú đặt mua.
Đến năm 2009, Hội An bắt đầu cấm xe máy trong phố cổ, chỉ cho xe đạp và người đi bộ lưu thông. Đúng với tâm niệm ban đầu, anh Tân nảy ra ý tưởng sáng tạo xe đạp bằng tre, vừa thân thiện với môi trường lại vừa mang đậm nét truyền thống của làng nghề. Bấy giờ, cái tên “Tân tre” đã được nhiều người biết đến hơn nhờ sản phẩm độc đáo ấy.
Bẵng đi một thời gian, mãi đến 2013, Hội An có quyết định đưa vào khai thác làng nghề tre, dừa, nứa xã Cẩm Thanh nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch sinh thái cho địa phương. Lúc này, anh Tân nắm bắt cơ hội, bắt đầu tạo lập thương hiệu “Taboo Bamboo” với đa dạng sản phẩm, kiểu dáng hơn và ngày càng thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm…
Là một người trẻ, chọn quay về lập nghiệp với nghề truyền thống, anh Tân cũng gặp nhiều khó khăn trong khoảng thời gian đầu. Anh tâm sự: “Dù đã được mọi người biết đến từ chiếc xe đạp tre, nhưng sau khi mở xưởng với quy mô lớn hơn thì những ngày đầu vẫn chỉ làm những sản phẩm đơn giản, kích thước nhỏ. Dù biết nghề từ nhỏ nhưng tre cũng có nhiều loại với nhiều đặc tính khác nhau. Tôi phải tính toán xem nó phù hợp với sản phẩm nào, cần sơ chế, xử lý ra sao. Mặt khác, còn phải cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp vừa rẻ, lại đa dạng hình dáng bắt mắt.
Theo anh Tân, đã hướng tới làm sản phẩm thủ công chủ yếu dựa vào khả năng ngẫu hứng của người thợ. Chính vì vậy, việc tìm “đồng đội” và đào tạo người có khả năng chế tác với độ thẩm mỹ và tính xảo cao là rất khó. Đó cũng là khoảng thời gian mà anh Tân áp lực nhất vì quá nhiều bài toán đặt ra cùng lúc.
Đau đầu với nhiều trở ngại, bế tắc, nhưng anh Tân may mắn luôn có sự đồng hành của cha mình, là nghệ nhân Võ Tấn Mười. Khi ấy dù đã ngoài 70 tuổi nhưng với thâm niên hơn 50 năm trong nghề tranh tre dừa nước, ông Mười đã hỗ trợ, hướng dẫn anh Tân sớm tìm được lối ra.
Những ngày đầu, sản phẩm của Taboo Bamboo đa số chỉ bán trên các nền tảng mạng.
Sau đó, Hội An ngày một đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, thương hiệu của anh Tân được nhiều du khách biết đến hơn, được đầu tư mạnh hơn cả về quy mô lẫn chất xám với từng sản phẩm. Thành công đến không chỉ vì sự đa dạng, tinh xảo của sản phẩm mà còn nhờ thông điệp sống xanh mà anh hướng đến ngay từ đầu. Đến nay, Taboo Bamboo đã chế tác hơn hàng nghìn sản phẩm với kiểu dáng phong phú, từ cốc, bát, đũa tre, đèn đóm, đến cua huỳnh đế, cá chép khổng lồ… được cả khánh hàng mua trực tuyến đến trực tiếp ủng hộ.
Với anh Tân, đây không chỉ là cuộc khởi nghiệp từ niềm đam mê đơn thuần, mà là một sứ mệnh, sứ mệnh kế nghiệp cha ông, sứ mệnh lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường…
Mô hình chế tác sản phẩm từ tre của anh Tân hiện nay không chỉ giúp bảo tồn giá trị truyền thống mà còn góp phần làm phát triển kinh tế của địa phương. Các sản phẩm từ tre mang trong mình hơi thở của văn hóa, điều này là một cách để giữ những giá trị truyền thống độc đáo của một dân tộc. Việc sử dụng các nguyên liệu như tre trong sản xuất đồ thủ công còn giúp bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết.
Hướng tới chuỗi giá trị toàn diện
Nói đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt chế tác từ tre, phải thừa nhận là thị trường đối mặt nhiều “cái khó”, cạnh tranh khốc liệt với nhiều nhà sản xuất công nghiệp lớn. Nhưng sự độc đáo của Taboo Bamboo là sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công và tận dụng nhiều phân loại tre để vừa thân thiện với môi trường, vừa tạo ra sản phẩm không có sự trùng lặp.
Ví dụ, cùng một loại đồ dùng, nhưng với nhiều loại tre khác nhau như tre nứa, tre pheo, tra gai, tre luồng… thì lại được chế tác ra hình dáng, họa tiết khác nhau tùy vào kết cấu, tính chất từng loại. Chính vì thế mà từ một thông điệp bảo vệ môi trường, nhưng khách hàng đến Taboo Bamboo đều nhìn thấy nhiều sản phẩm riêng biệt, thậm chí là do chính tay khách hàng thực hiện và sáng tạo. Đó chính là cách mà anh Tân tạo nên sự khác biệt cũng như sức thu hút riêng cho thương hiệu của mình.
Anh Tân cho biết, bản thân hướng tới phát triển xưởng tre như một chuối giá trị toàn diện vừa kinh tế, văn hóa lẫn lối sống. Anh xây dựng quá trình tạo ra giá trị cho khách hàng thông qua việc kết hợp các hoạt động từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm và dịch vụ, đảm bảo sự hài lòng của khách hàng và tạo ra lợi nhuận cho bản thân.
Sau một ngày trải nghiệm tại xưởng tre của anh Tân, anh Maximilian – một du khách người Đức thích thú chia sẻ: “Ở đây tôi được hướng dẫn từng bước tạo ra một sản phẩm từ tre, mà còn theo kiểu tôi thiết kế. Điều đó rất đặc biệt. Tôi không nghĩ rằng một loại cây phổ biến ở Việt Nam lại có thể tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo như thế”.
Không những riêng biệt, Taboo Bamboo luôn từng bước nâng cao chất lượng và độ phong phú của mẫu mã sản phẩm. Ngày một hoàn thiện hình ảnh nhận diện thương hiệu, từ việc khắc biểu tượng tương hiệu lên sản phẩm cho đến việc xây dựng các fanpage đều chỉn chu nhất. Đây cũng là một trong những phương thức hỗ trợ quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm của anh Tân.
Trong xu thế các công nghệ bùng nổ, thương mại điện tử cũng là một trong những giải pháp mới nhằm thúc đẩy đầu ra cho các làng nghề. Hiểu được điều này, anh Tân với kinh nghiệm của một kỹ sư điện tử đã ứng dụng rất tốt thương mại điện tử để mở rộng tệp khách hàng của mình. Đây là cách mở đầu quan trọng trong việc xây dựng mạng lưới phân phối các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đồng thời, có thể mở rộng được thị trường trong nước và quốc tế.
Với đà phát triển hiện tại, anh Tân vẫn không quên mục tiêu ban đầu là góp phần vào sự phát triển của quê nhà. Thực tế, mô hình này của anh Tân cũng mở ra cơ hội kinh doanh và tạo ra thu nhập cho cộng đồng địa phương thông qua việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ tre để tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập cho nhiều người dân trong khu vực.
Hơn nữa anh Tân còn truyền động lực, cảm hứng với nghề truyền thống cho thế hệ trẻ. Không chỉ là một người đi trước trong lĩnh vực nghệ thuật này, mà anh còn là một người hướng dẫn đắc lực cho thế hệ trẻ ở địa phương. Qua nhiều năm, anh đã dành thời gian và tâm huyết để chia sẻ kiến thức và kỹ năng của mình với các học viên trẻ. Những buổi học và khóa đào tạo do anh tổ chức không chỉ giúp các bạn trẻ nắm vững kỹ thuật chế tác từ tre mà còn truyền đạt những nguyên tắc và tri thức về nghệ thuật truyền thống địa phương.
Nhìn nhận về những giá trị mà anh Tân mang lại từ xưởng tre của mình, ông Nguyễn Văn Lanh cho rằng: “Chúng tôi đánh giá cao hoạt động này vì nhờ sự hướng dẫn tận tâm của nghệ nhân, nhiều thế hệ trẻ đã có cơ hội tiếp cận và đam mê sáng tạo từ tre. Những tài năng trẻ sẽ được khơi gợi và phát triển, góp phần duy trì và phát triển di sản văn hóa độc đáo của địa phương. Sự tương tác giữa nghệ nhân và thế hệ trẻ không chỉ mang lại sự kế thừa mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển tài năng trẻ và kinh tế của cộng đồng.”
Ông Lanh cũng cho biết, với những mô hình tiềm năng như thế này, địa phương luôn cố gắng tạo một môi trường thích hợp cho sự phát triển và thịnh vượng của ngành thủ công mỹ nghệ chế tác tre. Địa phương có khảo sát, thăm hỏi và tư vấn hướng kinh doanh phù hợp. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều cuộc thi và hội thảo chuyên ngành có liên quan giúp khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn và sáng tạo của các nghệ nhân như anh Tân.
Ngoài ra, lãnh đạo địa phương đã thúc đẩy việc tiếp cận vào thị trường quốc tế thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm từ tre bằng cách phát triển du lịch địa phương để những sản phảm này có cơ hội tiếp cận với khách hàng quốc tế. Điều này không chỉ mở ra cơ hội kinh doanh mới mà còn giúp nâng cao giá trị của ngành chế tác tre ở địa phương. Có lẽ đó cũng chính là những định hướng lâu dài trong tương lai mà anh Tân đang đặt ra.