Không chỉ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Trung Quốc đổ bộ, mà nhiều công ty từ khắp các quốc gia trên thế giới cũng theo chân tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội. Đây là lý do để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phải nhanh “lớn” nếu không muốn bị loại khỏi thương vụ kinh doanh bạc tỷ.
2023 được đánh giá là một năm rất thành công của Việt Nam trong việc đón làn sóng FDI công nghệ cao. Chúng ta nói tới về tương lai Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất điện tử hàng đầu châu Á, Việt Nam trước cơ hội thành mắt xích của ngành hàng không vũ trụ toàn cầu… nhưng một trong những mối lo ngại lớn nhất dường như chưa được hóa giải đó là làm sao để doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu trên.
Làn sóng FDI hỗ trợ của Trung Quốc đổ bộ
Tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương mới đây, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho biết ngành công nghiệp hỗ trợ có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất… song năm vừa rồi sức khỏe của doanh nghiệp “suy giảm khá nghiêm trọng”. Cụ thể, suy giảm doanh thu bình quân của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lên tới 40%, tình trạng mất đơn hàng từ nhiều thị trường, đặc biệt là ở châu Âu diễn ra.
Đáng chú ý, ông Tuất cảnh báo về làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam với quy mô cực lớn và làm cực nhanh. Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết để xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ nên phải mua nhỏ lẻ với giá cao, trong khi doanh nghiệp nước ngoài thường mua vật tư với số lượng lớn nên có giá thấp. Một phần do vốn vay của việt Nam đã gấp 4-5 lần và vật tư mua nhỏ lẻ đắt gấp 1,5 lần thì ít có cơ hội cạnh tranh.
Trên thực tế, không chỉ các doanh nghiệp Trung Quốc, mà nhiều doanh nghiệp FDI từ khắp các quốc gia trên thế giới cũng theo chân công ty mẹ vào Việt Nam để tham gia vào chuỗi cung ứng. Đơn cử, tập đoàn Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam. Cùng với đó, các đối tác của Apple tại Việt Nam như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng các cơ sở sản xuất sẵn có. Tính đến năm 2022, hiện có 25 đối tác của Apple đã đặt nhà máy tại Việt Nam.
Mới đây, công ty Luxshare – ICT Việt Nam – đơn vị sản xuất Airpods và nhiều thiết bị khác cho Apple đã quyết định điều chỉnh tăng vốn thêm 330 triệu USD, nâng tổng vốn của công ty này tại Bắc Giang lên 504 triệu USD.
Theo nhận định, trong 10 năm qua, số lượng các công ty gia công sản phẩm của Apple chọn Việt nam làm điểm đến tăng gấp 4 lần. Trong đó, Luxshare và GoerTek (Trung Quốc) là hai công ty sản xuất Airpod chủ yếu cho Apple.
Chia sẻ với VnBusiness, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) nhận định, hiện có nhiều hãng điện tử lớn đang chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam tìm kiếm nhà cung cấp.
“Apple có nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, đã đặt hàng sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn như máy tính bảng, máy tính để bàn… thay vì chỉ sản xuất tai nghe như trước đây. Hoặc trong lĩnh vực sản xuất chip, một số ông lớn sản xuất chip trong chuỗi cung ứng của Apple cũng đang xem xét đặt nhà máy tại Việt Nam”, bà Hương cho biết.
Theo bà Hương, đây là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng chắc chắn con đường còn dài để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple – vốn được đánh giá là tân tiến, hiện đại trên thế giới.
Chưa kể, theo bà Hương, các doanh nghiệp vệ tinh thông thường sẽ theo chân các tập đoàn đa quốc gia đầu chuỗi vào Việt Nam để đảm nhiệm cung ứng linh, phụ kiện. Điều này càng khó khăn hơn cho doanh nghiệp Việt.
Sẽ sớm xây dựng Luật công nghiệp trọng điểm
Tương tự, các công ty hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới như Boeing, Airbus đang tìm kiếm nhà cung ứng Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất của họ. Tuy nhiên, con đường để vào chuỗi của các “ông lớn” này luôn không hề dễ với doanh nghiệp Việt Nam.
Được biết, Boeing hiện mới có khoảng 6 doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận cung cấp linh kiện, chi tiết và phần mềm cho Boeing. Trong đó, Tổng công ty sản xuất thiết bị Viettel đang là nhà cung ứng cấp 3 cho ông lớn ngành hàng không vũ trụ.
Trong khi đó, các quan hệ đối tác hiện có của Airbus trong lĩnh vực sản xuất linh kiện máy bay bao gồm: Artus (Meggitt) Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh cung cấp thiết bị cơ điện cho dòng máy bay A320, máy bay thân rộng A330 và A350. Ngoài ra, còn có Nikkiso Việt Nam tại Hà Nội sản xuất các cấu trúc bằng composite cho máy bay A320 Sharklet và các linh kiện cho máy bay A330neo và A350.
Hay với ngành cơ khí, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, cho biết con số xuất nhập khẩu máy móc thiết bị nhiều, nhưng chủ yếu thị phần do DN FDI nắm giữ. So với hàng Trung Quốc, Ấn Độ, giá sản phẩm cơ khí của Việt Nam kém cạnh tranh hơn.
Ông Sáng kể, vừa qua có dẫn một khách hàng Mỹ có nhu cầu muốn mua thiết bị để lắp ráp ô tô: “Tôi đã bảo mấy doanh nghiệp lớn của Việt Nam chào giá nhưng sau khi nhận được báo giá, họ chê quá cao. Họ nói giá của Ấn Độ rẻ hơn gần một nửa so với Việt Nam. Nếu chúng ta chấp nhận mức giá đó thì mới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, lý do khiến sản phẩm của Việt Nam kém cạnh tranh về giá là phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Do vậy, muốn giá cạnh tranh so với đối thủ chỉ có cách cắt giảm chi phí nhân công.
Trước thực tế trên, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam kiến nghị cần có chiến lược, xem công nghiệp hỗ trợ có vai trò cực kỳ quan trọng, hạt nhân của quá trình công nghiệp hóa. Thêm vào đó, cần có đạo luật riêng cho công nghiệp hỗ trợ với các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù riêng làm cơ sở để thúc đẩy công nghiệp hóa.
Về vấn đề này, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ sớm hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật giai đoạn 2024 – 2025, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, bền vững cho các hoạt động phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường.
Cơ quan này cũng cho biết sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, thép, sữa, giấy, nhựa… để thống nhất định hướng phát triển ngành trong giai đoạn mới.