Tạo niềm tin đầu tư, thúc đẩy các nhà sản xuất, hoạt động dịch vụ, người dân tiêu dùng… sẽ “kích hoạt” thị trường khởi sắc.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội chia sẻ với DĐDN về chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 6 – 6,5% của Quốc hội trong năm 2024.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 – 6,5%. Ông bình luận như thế nào về chỉ tiêu này?
Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 – 6,5% trong bối cảnh hiện nay là khá cao. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ hội để đạt được chỉ tiêu này.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao hơn trung bình toàn cầu. Cụ thể, GDP quý I/2023 tăng 3,32%, quý II đạt 4,14%, quý III tăng 5,33%. Trong báo cáo gần đây, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý IV/2023 của Việt Nam có thể đạt khoảng 7%.
Thứ hai, năm 2024 sự phục hồi tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn tiếp đà năm 2023. Kinh tế thế giới trong năm 2024 được đánh giá có xu hướng cải thiện. Từ tình hình kinh tế trong nước và thế giới, chúng ta có thể đánh giá được xu thế tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ tiếp đà đi lên.
Thứ ba, điểm thành công nhất của Việt Nam trong năm 2023 là cân bằng môi trường kinh tế vĩ mô. Nếu năm 2024 không giữ vững ổn định kinnh tế vĩ mô thì sẽ rất khó huy động được các nguồn lực cho phát triển sản xuất và thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, các nền tảng hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân để kích cầu tiêu dùng và mở rộng cầu sản xuất phải tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, cần tận dụng các cơ hội mới, năm 2024 được dự báo sẽ có nhiều cơ hội mới mở ra.
Bởi, thị trường thế giới bắt đầu hồi phục, có thể tại những thị trường truyền thống còn chậm nhưng sẽ hồi phục nhanh ở những thị trường ngách. Do đó, chúng ta phải đa dạng hoá khả năng tiếp cận thị trường.
Thứ năm, năm 2024 được đánh giá là giai đoạn tiền đề chuyển đổi kinh tế Việt Nam. Sự dịch chuyển cơ hội đầu tư mới không đi theo xu hướng gia công mà tập trung vào công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao sẽ bùng nổ từ năm 2024.
Đặc biệt, chúng ta kỳ vọng sẽ kêu gọi được các tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam. Như vậy, năm 2024 nếu biết nắm bắt cơ hội này thì sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam.
Tạo niềm tin đầu tư, thúc đẩy các nhà sản xuất, hoạt động dịch vụ, người dân tiêu dùng… sẽ “kích hoạt” thị trường khởi sắc. Đây là tiền đề giúp chúng ta tin tưởng năm 2024 với nhiều triển vọng.
Có ý kiến chuyên gia cho rằng, để tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong năm 2024, cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp và người dân. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?
Chúng ta phải tiếp tục giảm thuế, phí để thúc đẩy cho cầu tiêu dùng, hỗ trợ khu vực sản xuất tiếp tục phát triển. Đầu tư công cũng là một khu vực cần thúc đẩy để tăng cầu Chính phủ, tăng cầu thị trường. Đầu tư công được đánh giá như “đòn bẩy” phát triển kinh tế trong năm 2024.
Tuy nhiên, đầu tư công trong năm 2024 phải chuyển dịch theo hướng đón nhận được các luồng đầu tư mới. Đầu tư công không phải chỉ do Chính phủ trực tiếp đầu tư thông qua các dự án hạ tầng, mà cần chuyển sang hướng nhà đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho các tập đoàn, doanh nghiệp thông qua các phương thức đặt hàng, tạo ra các điều kiện hỗ trợ để đón các luồng đầu tư mới. Đặc biệt, chính sách đầu tư công phải có đổi mới về phương thức đầu tư.
>>Giảm thiểu biến động kinh tế vĩ mô (Kỳ 2): Các phân tích qua không gian hàng hóa
>>Giảm thiểu biến động kinh tế vĩ mô (Kỳ 1): Vai trò của năng lực sản xuất quốc gia
Các chuyên gia cũng mong muốn Chính phủ sẽ duy trì chính sách tài khóa mở rộng trong năm 2024 và không nên có động thái tăng hoặc bổ sung thuế, phí mới để giúp nền kinh tế thực sự đi qua khó khăn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Chúng ta đang có cơ hội và dư địa tốt để thực hiện chính sách tài khoá mở rộng, nợ công đã giảm xuống dưới 40%. Thực tế, chúng ta vẫn nhìn thấy dư địa về chính sách tiền tệ không phải còn quá nhiều, việc điều hành chính sách lãi suất cũng đã được thực hiện một cách rất tích cực.
Nhưng không chỉ dựa vào chính sách tiền tệ, chúng ta phải dựa vào chính sách tài khoá. Tài khoá mở rộng có hai hướng.
Thứ nhất, giảm nguồn thu, nghĩa vụ thu đối với đối tượng nộp thuế, hay còn gọi là “chính sách tài khoá ngược”. Tức là, không phải thu vào mà phải dùng ngân sách để chi ra, như vậy cần phải giảm các nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ đóng góp. Đây là điều rất cần thiết.
Thứ hai, đồng thời với “chính sách tài khoá ngược” cũng phải tăng đầu tư ngân sách để mở rộng sang các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hỗ trợ không phải bằng tiền trực tiếp mà tạo ra những điều kiện hạ tầng, môi trường kinh doanh và những cơ sở để tiếp nhận được các làn sóng đầu tư mới.
Ông kỳ vọng như thế nào về kinh tế Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2024?
Năm 2023, nền kinh tế mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế năng động nhất trên thế giới. Do đó, năm 2024 hoàn toàn có cơ sở để tăng trưởng tốt hơn năm 2023 từ tiền đề thuận lợi của kinh tế vĩ mô và bối cảnh kinh tế thế giới.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2023 doanh nghiệp đã vượt qua. Vấn đề lớn nhất đối với doanh nghiệp trong năm 2024 là thị trường, cơ hội tạo việc làm… Khi thị trường thế giới phục hồi thì doanh nghiệp phải có có biện pháp tiếp cận nhanh nhất.
Cấu trúc lại đầu tư công trong nước, không chỉ hướng vào đầu tư hạ tầng mà cần đầu tư vào khu vực hỗ trợ cho doanh nghiệp, sản xuất, đặt hàng các tập đoàn doanh nghiệp mới, khi đó sẽ tạo ra được thị trường tốt hơn cho doanh nghiệp. Khi có thị trường tốt hơn, doanh nghiệp sẽ có cơ hội phục hồi nhanh hơn trong năm 2024.