Luật Hợp tác xã 2023 tạo cơ hội giúp các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển

Luật Hợp tác xã 2023 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX tham gia vào nền kinh tế – xã hội. Đồng thời, loại bỏ các quy định cũ gây trở ngại, giúp các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển hiệu quả…

Luật HTX 2023 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, ngày 20/6/2023 (thay thế Luật HTX 2012) và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Luật HTX 2023 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX tham gia vào nền kinh tế – xã hội. Đồng thời, loại bỏ các quy định cũ gây trở ngại, giúp các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển hiệu quả, năng động và bền vững.

Những điểm mới nổi bật

Luật HTX đã qua 3 lần ban hành, sửa đổi, bổ sung vào các năm 1996, 2003 và 2012 và đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để phát triển các HTX tại Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể nước ta còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra. Để khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, Quốc hội đã thông qua Luật HTX 2023 với những nội dung hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên với quy định về mở rộng đối tượng tham gia HTX.

Điểm mới của Luật Hợp tác xã 2023 tạo cơ hội giúp các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển.

Luật đã bổ sung yêu cầu trích lập quỹ chung không chia là nguồn hình thành tài sản chung không chia phù hợp với đặc thù của mô hình HTX nhằm bảo đảm sự phát triển của quỹ chung không chia và tài sản chung không chia. Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực phát triển của HTX khi quy định về trao quyền cho HTX, liên hiệp HTX tự quyết định mức cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên cũng như đa dạng hóa hình thức huy động vốn góp của thành viên.

Cùng với đó, Luật đã hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX với việc bổ sung quy định về kiểm toán HTX, liên hiệp HTX; đa dạng hóa hình thức tổ chức quản trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành để phù hợp với quy mô, trình độ HTX.

Phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tập thể từ thấp đến cao; củng cố, nâng cao vai trò của tổ chức đại diện: đã bổ sung quy định về tổ hợp tác và các chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX; quy định rõ hệ thống Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức đại diện nòng cốt, bảo vệ lợi ích cho tất cả tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX trên phạm vi cả nước.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể; thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển. Đó là phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; đất đai; thuế, phí và lệ phí; tiếp cận vốn, bảo hiểm; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp cận và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro.

Cơ hội để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển

Hiện nay, trong hơn 31 nghìn HTX trên cả nước, có hơn 20 nghìn HTX nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số HTX cả nước. Nhiều loại hình HTX liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo nên các chuỗi liên kết nông sản đa giá trị, bền vững.

Với việc Luật HTX 2023 ra đời và sự quan tâm của Chính phủ, có thể nói mô hình HTX nông nghiệp đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Hiện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh đang xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn giai đoạn 2023 – 2026. Ngân sách thành phố sẽ bố trí hơn 519,7 tỷ đồng để hỗ trợ các thành phần kinh tế này, trong đó các HTX nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước xác định rõ và coi kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Cơ chế chính sách từ Luật HTX sửa đổi dần sẽ được mở ra dựa theo nguồn lực đất nước và năng lực quản trị của từng HTX. Tuy nhiên, muốn tổ chức thực hiện suôn sẻ phải thống nhất nhận thức về bản chất, mục tiêu, triết lý của HTX.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập mới được nhiều HTX, tổ hợp tác hơn nữa. HTX, tổ hợp tác mới được thành lập phải hoạt động hiệu quả, thiết thực, phải tạo được chuỗi liên kết bền vững giữa HTX/tổ hợp tác với doanh nghiệp; với nhà nước; nhà khoa học; ngân hàng. Phấn đấu mục tiêu chung là đến năm 2030, cả nước sẽ có 45.000 HTX với 2 triệu thành viên tham gia.

“Cần tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hơp tác xã trong nông nghiệp và mở rộng thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm của các HTX; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực các tổ chức kinh tế tập thể. Cần xây dựng cơ chế, chính sách để đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ tri thức trẻ về làm việc tại các HTX, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong xây dựng chuỗi giá trị, hội nhập quốc tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Doanh Nghiệp Hội Nhập