Các chính sách để hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp dự Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tại Hội nghị này, lãnh đạo các Bộ ngành đã có những giải đáp, tham mưu cho Chính phủ giải pháp nhằm gỡ vướng cho phát triển công nghiệp trên cơ sở các kiến nghị của doanh nghiệp.
Hệ thống ngân hàng luôn sẵn sàng đồng hành để phát triển công nghiệp văn hóa
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, chúng ta có 21 ngành kinh tế quốc dân, ngành công nghiệp văn hóa nằm rải rác đâu đó trong các ngành kinh tế quốc dân này. Theo ông Phạm Thanh Hà, chúng ta cần có nghiên cứu phân rõ ra đây xác định là ngành kinh tế mới hoặc nếu nằm trong các ngành đã phân thì cũng nên có phân ngành kinh tế cụ thể.
Từ đó, ngành ngân hàng muốn theo dõi hoạt động cho vay, cấp tín dụng hay hỗ trợ ngành công nghiệp văn hóa thì cũng biết được số liệu thống kê để đánh giá được tác động chính sách hiệu quả đến đâu, để có chính sách phù hợp.
Liên quan đến nguồn lực về vay vốn, ông Phạm Thanh Hà khẳng định, hệ thống ngân hàng luôn sẵn sàng đồng hành cùng các bộ, ngành để phát triển công nghiệp văn hóa.
“Như vậy có hai vai trò, thứ nhất là vai trò của Ngân hàng Nhà nước với tư cách cơ quan quản lý, là Ngân hàng Trung ương thì sẽ bám sát nghị quyết, chủ trương của Chính phủ để phát triển ngành công nghiệp văn hóa và cần thiết có văn bản hướng dẫn cụ thể, ví dụ như cho vay đặc thù có cần hay không, ưu tiên lãi suất có cần hay không” – ông Phạm Thanh Hà nêu vấn đề, đồng thời cho biết, hiện tại, đang có 5 ngành ưu tiên theo khuyến khích của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước cũng có quy định riêng hướng dẫn về lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, ví dụ bây giờ là lãi suất 4%.
Với ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta có thể tham khảo cách thức triển khai như thế; nếu đã xác định đây là một ngành ưu tiên nữa thì có thể đưa vào khung ưu tiên của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn phù hợp về cho vay, lãi suất tương tự như 5 lĩnh vực ưu tiên chúng ta đang có.
Thứ hai, liên quan đến phạm vi của các tổ chức tín dụng, để phát triển công nghiệp văn hóa cần nguồn lực vay vốn từ các ngân hàng. Quan hệ đi vay và cho vay là quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chung, còn quyết định cho vay là của các tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp làm văn hóa.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, nếu mục tiêu để phát triển ngành công nghiệp văn hóa cần ưu tiên hơn thì có thể tham khảo những gói đang triển khai, ví dụ như gói 120.000 tỷ đồng. Đấy là nguồn lực của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có hướng dẫn và để các tổ chức tín dụng triển khai. Gần đây nhất là gói 15.000 tỷ đồng đối với nông dân, thủy sản cũng được triển khai rất tích cực, chúng ta có thể tham khảo hướng xử lý, triển khai như vậy.
“Nếu như xác định ngành công nghiệp văn hóa hoặc một cấu phần nào đó thuộc ngành công nghiệp văn hóa cần ưu tiên, cần có ngân sách nhất định từ phía hệ thống ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng phối hợp để triển khai tương tự như các gói đã triển khai” – ông Phạm Thành Hà cho hay.
Sẽ xây dựng chỉ tiêu hệ thống thống kê để đánh giá sự đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển KTXH
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hiện nay các chính sách về thuế GTGT, thuế TNDN cũng như các chính sách khác, Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng những ưu đãi cho lĩnh vực văn hóa cũng như các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
Với những vấn đề ngoài thẩm quyền, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa như sáng tạo nội dung số, không gian sáng tạo, các hoạt động công nghiệp văn hóa khác như điện ảnh… tận dụng được cơ hội để trên cơ sở đó phát triển công nghiệp văn hóa.
“Hiện nay chính sách thuế không có việc thuế chồng thuế đối với hoạt động văn hóa, chỉ có những ưu đãi chưa đạt được mức mong muốn của từng trường hợp cụ thể và có thể có những sự chưa đồng nhất giữa các loại hình văn hóa khác nhau” – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, ở Việt Nam hiện nay, chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa có 12 ngành, và từng ngành cũng có cách tiếp cận, thu hút nguồn lực khác nhau, phương thức khác nhau và có thể có định hướng phát triển riêng. Có những ngành hiện nay đã huy động được nguồn vốn khu vực tư nhân, xã hội hóa lớn, nhưng một số ngành, lĩnh vực lại cần có sự đầu tư thích đáng của Nhà nước như phát thanh truyền hình.
Đối với huy động nguồn lực, lĩnh vực văn hóa là một trong những ngành được xã hội hoá, và theo như ưu đãi hiện nay được hưởng mức ưu đãi cao nhất. Doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, 50% trong 9 năm tiếp theo, hưởng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt đời dự án. Tiền thuê đất cũng được miễn ở mức cao nhất theo quy định hiện hành.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có một vấn đề nữa là chúng ta mới tìm ra được đó là việc huy động nguồn lực vật chất, còn phần rất lớn là giá trị phi vật chất, phi vật thể chúng ta chưa làm được. Về công tác thống kê, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Thống kê đang thực hiện các cuộc điều tra, thống kê theo chương trình điều tra thống kê quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp: Xây dựng chỉ tiêu hệ thống thống kê để đánh giá sự đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội; Xây dựng các cuộc điều tra thống kê để thu thập thông tin; Xây dựng quy chế phối hợp chia sẻ thông tin cho các cơ quan…/.
Dành gói tín dụng ưu đãi 20-30 nghìn tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có các chính sách liên quan, trong đó chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công – tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng) cho ngành công nghiệp văn hóa. |