2023 được đánh giá là năm thắng lớn của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam ở thị trường Trung Quốc. Thị trường đang mở ra hướng đi bền vững, chính ngạch cho nhiều mặt hàng nông sản và hứa hẹn triển vọng xuất khẩu còn khả quan hơn trong năm 2024.
Năm 2022, Công ty CP Ameii Việt Nam không ghi nhận doanh thu xuất khẩu rau quả ở từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên sau khi thị trường 1,4 tỷ dân này mở cửa với nhiều loại trái cây Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng, 2023 Ameii đã chuyển hướng về Trung Quốc – thị trường này chiếm khoảng 30% doanh thu của doanh nghiệp này.
Nhiều thương vụ làm ăn
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Ameii kể vừa qua, doanh nghiệp này có tham gia đoàn xúc tiến của Bộ NN&PTNT và tiếp cận với tập đoàn lớn ở Trung Quốc chuyên về sầu riêng chế biến, đây là mảng mà doanh nghiệp dự định sẽ có nhiều tiềm năng.
“2023 là năm khởi động, 2024 sẽ là năm bứt phá ở thị trường Trung Quốc khi dư địa và tiềm năng vẫn còn rất nhiều. Qua quá trình làm việc với các tập đoàn của Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy tiềm năng gia tăng kim ngạch của sản phẩm sầu riêng chế biến. Vì vậy năm nay, chúng tôi sẽ tập trung vào các sản phẩm này”, ông Tiến nói.
Cùng với đó, xuất khẩu trái bưởi sang Trung Quốc cũng nằm trong kế hoạch của Ameii. Theo lãnh đạo Tập đoàn Ameii, Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhưng vấn đề khai thác thế nào để phát triển bền vững. Trong đó, doanh nghiệp phải kết hợp với bà con nông dân để phát triển sản xuất gắn với đảm bảo chất lượng. Doanh nghiệp cam kết đồng hành để bà con thay đổi phương thức sản xuất.
Với Công ty CP Đầu tư và Thương mại Đại Dương, thị trường Trung Quốc chiếm 90% doanh thu của doanh nghiệp. Đầu tháng 12/2023, doanh nghiệp này vừa tiếp một tập đoàn Trung Quốc sang đàm phán ký kết hợp đồng.
Ông Vũ Văn Đồng, Tổng giám đốc Công ty dự báo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới sẽ khá thuận lợi khi họ mở cửa gần như tất cả các sản phẩm gạo của Việt Nam như hạt dài, tròn, tấm. Ngay trong quý I/2024, doanh nghiệp này dự định xuất khẩu khoảng 50.000 tấn sang thị trường Trung Quốc.
Tuy vậy, ông Đồng cũng lưu ý, các doanh nghiệp phải thận trọng đàm phán hợp đồng về giá trước khi chốt số lượng, bởi trong bối cảnh giá gạo cao kỷ lục cũng đem tới cho doanh nghiệp những rủi ro nhất định. “Giả dụ, nếu thị trường Trung Quốc đột ngột đóng cửa hoặc Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, thì doanh nghiệp có thể thua lỗ do biến động giá mạnh, nếu không đánh giá đúng thị trường”, ông cảnh báo.
Theo Bộ NN&PTNT, thị trường Trung Quốc dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu nông sản Việt Nam năm 2023, với con số 12,2 tỷ USD, chiếm 23%.
Kỳ vọng sớm mở cửa với mặt hàng sầu riêng đông lạnh
Đặc biệt, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam từ ngày 12 – 13/12/2023 được kỳ vọng mở ra nhiều triển vọng lớn cho nông sản Việt ở thị trường tỷ dân.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp cao, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết “Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, nhiều kỳ vọng trong thời gian tới Việt Nam – Trung Quốc sẽ tiếp tục ký kết Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa… Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt trên 2,2 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 90%.
“Nếu sầu riêng đông lạnh nếu được ký Nghị định thư với Trung Quốc, thì giá trị xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng lên”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định.
Thông tin cụ thể về quá trình đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc với sầu riêng đông lạnh, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết, sau chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Việt Nam – Trung Quốc đã thống nhất với nhau về những lời văn kỹ thuật cuối cùng. Tuy nhiên, phía cơ quan chức năng của Trung Quốc cho biết chưa kịp lấy ý kiến các Bộ, ngành trong nước nên chưa thể ký kết được ngay.
“Chúng tôi kỳ vọng vào triển vọng xuất khẩu của sầu riêng đông lạnh vì đây là sản phẩm chế biến, áp dụng công nghệ cao, tận dụng tốt nguồn nguyên liệu, thu về nhiều giá trị. Nếu sầu riêng đông lạnh được ký nghị định thư, đây là bước nhảy quan trọng. 1 container sầu riêng đông lạnh giá trị gấp nhiều lần sầu riêng tươi, bảo quản lâu hơn và tránh rủi ro khác”, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết. Dự kiến, quá trình đàm phán chỉ cần chờ phía Trung Quốc hoàn thành thủ tục trong nước thì sẽ được ký kết Nghị định.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận, với các giải pháp về hạ tầng được giải quyết, đó là cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ kết nối với Trung Quốc…, cộng thêm các biện pháp về kiểm dịch được thống nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, cắt giảm được thủ tục hành chính, phát triển mã số vùng trồng, mã số đóng gói, thì xuất khẩu rau quả sẽ còn tiềm năng lợi thế tăng trưởng ở thị trường Trung Quốc trong năm 2024.
Cùng với sầu riêng, ông Tiến cũng cho biết những mặt hàng tiềm năng để xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới như dừa, tổ yến…
Tuy vậy, để tận dụng tốt thị trường Trung Quốc, nông sản Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và bỏ suy nghĩ đây là thị trường dễ tính. Bộ NN&PTNT yêu cầu các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm theo các yêu cầu kỹ thuật, kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu. Theo đó, các doanh nghiệp cần phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của phía bạn.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần bỏ tư duy buôn chuyến mà cần xem thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng, khó tính từ đó xác định các doanh nghiệp làm ăn với chúng ta là những đối tác để hợp tác lâu dài.