Nhận diện những chỉ báo kinh tế vĩ mô quan trọng nhất năm 2024

Bên cạnh những cảnh báo thận trọng, CitiGroup, OECD, WB và các tổ chức tài chính lớn đã có những phân tích kinh tế vĩ mô đưa ra những lý do lạc quan về triển vọng năm kinh tế thế giới 2024.

Ở bản tin trước, chúng tôi đã giới thiệu các phân tích của giới chuyên gia, các tổ chức tài chính quốc tế, chỉ ra khía cạnh rủi ro địa chính trị bắt nguồn từ các cuộc xung đột cũng như năm bầu cử 2024.

Bản tin tiếp theo này là những phân tích kinh tế vĩ mô, với một số đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới năm mới.

GDP toàn cầu có thể đạt mức tăng trưởng 2,7%

Kết quả khảo sát của CitiGroup cho thấy vượt qua những dự báo bi quan đầu năm, các số liệu kinh tế vĩ mô toàn cầu đến cuối năm 2023 đều tốt hơn.

Một cách tổng quát, trải qua một năm đầy khó khăn, kinh tế thế giới đã tạo lập được vị thế vững vàng đáng nể. Nguồn gây lạm phát đang giảm dần, bớt đi nỗi lo lắng về khả năng kéo dài chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Chính vì vậy có nhiều lý do để lạc quan về triển vọng năm 2024.

Còn theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sản lượng kinh tế toàn cầu, dù có sự phân cực rõ ràng, sẽ chững lại trong năm 2024 khi lãi suất cao làm suy giảm tình trạng lạm phát dai dẳng.

Dù tăng trưởng sẽ khó thực sự bứt phá cho đến năm 2025, nhưng từ nay đến đó, các ngân hàng trung ương nhóm nước giàu có nhất dự kiến sẽ tiếp tục hạ lãi suất cơ bản.

Với các tác động ấy, dù gặp nhiều thách thức, GDP toàn cầu 2024 được dự báo tăng trưởng 2,7%, thấp hơn chút so với kết quả 2,9% của năm 2023.

Sai số của các phân tích vĩ mô

Nhận định triển vọng kinh tế vĩ mô của OECD được đưa ra có tính đến việc chính sách tài khóa gặp khó sau COVID-19 và căng thẳng Nga – Ukraine có thể đẩy giá năng lượng tăng cao. Hơn thế, dù chính sách tiền tệ đảo chiều trong năm tới, lãi suất toàn cầu sẽ vẫn ở ngưỡng cao nếu tính theo dữ liệu lịch sử.

Dù vậy, các chuyên gia khẳng định cũng cần phải tính đến sai số của các dự báo kinh tế, bao gồm các phân tích vĩ mô.

Một năm trước, rất nhiều dự báo về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái. Nhiều thành viên thị trường tài chính thậm chí tin rằng chi phí tín dụng cao sẽ gây ra làn sóng vỡ nợ tại một số quốc gia đang phát triển.

Vậy nhưng, đến cuối năm 2023, đã không có dự báo nào trở thành sự thật. Kể cả khi căng thẳng Israel – Palestine bất ngờ bùng phát hồi tháng 10, tăng trưởng kinh tế dù phản ứng theo cách chững lại, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Lãi suất cơ bản đồng USD tại Mỹ

Sang năm 2024 này, lãi suất cơ bản đồng USD tại Mỹ là một chỉ số cần được bám sát, bởi tác động dẫn dắt của nó tới kinh tế toàn cầu.

Ngược dòng chính sách, tháng 3-2022, trong nỗ lực kiểm soát lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất từ ngưỡng gần 0%, theo từng nhịp, lên mức 5,25-5,5% hiện tại. Những gì diễn ra trong nội tại nước Mỹ thời gian qua cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới này hoàn toàn có thể chống chọi với lãi suất cao.

Các tuyên bố điều chỉnh lãi suất của chủ tịch FED Jerome Powell là một chỉ dấu kinh tế vĩ mô luôn thu hút sự quan tâm lớn của giới phân tích. Ảnh: GettyImages

Lãi suất điều hành không ngừng tăng như vậy không chỉ giúp kéo giảm áp lực lạm phát, và rất thú vị, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lại giảm xuống ngưỡng thấp nhất trong nhiều thập niên. Điểm tích cực còn đáng chú ý ở chỗ sản lượng kinh tế Mỹ đã tăng trưởng được 2%, cao hơn so với kỳ vọng.

Diễn biến thực tế này khiến nhiều chuyên gia phân tích bớt đi những dự báo bi quan về triển vọng kinh tế Mỹ mà họ từng đưa ra hồi đầu năm.

Với năm 2024 này, chuyên gia kinh tế quốc tế tại ngân hàng J Safra Sarasin, ông Raphael Olszyna-Marzys, nhận định: “FED nhiều khả năng vẫn sẽ xử lý để tránh được suy thoái kinh tế và đưa kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”.

Tuy nhiên, vẫn ông Olszyna-Marzys khẳng định dấu hiệu của sự “đứt gãy” kinh tế Mỹ bắt đầu xuất hiện. Đó là hiện tượng thất nghiệp đang dần tăng, tiền tiết kiệm của người tiêu dùng ít hơn, và ở cấp độ doanh nghiệp thì nhu cầu nợ gia tăng mà kèm theo đó là rủi ro từ lãi suất đang ở mức cao.

Các chỉ báo lãi suất liên bang tương lai có thể là yếu tố quan trọng để cho thấy kỳ vọng của các nhà đầu tư tài chính về thời điểm lãi suất được điều chỉnh giảm. Khảo sát của CME FEDWATCH, công cụ theo dõi kỳ vọng về khả năng FED thay đổi định hướng chính sách tiền tệ, cho thấy khả năng FED hạ lãi suất cơ bản đồng USD trong tháng 3-2024.

Giá dầu Brent

Không lâu sau khi căng thẳng Hamas – Israel bùng phát vào ngày 7-10-2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa. WB cảnh báo giá dầu Brent có thể tăng vọt nếu các nước sản xuất dầu trong khu vực bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quy mô lớn hơn.

Trong kịch bản xấu nhất, WB ước tính nguồn cung dầu toàn cầu sẽ có thể sụt giảm từ 6 đến 8 triệu thùng dầu/ngày, đồng nghĩa giá dầu có thể lên mức từ 140-157USD/thùng. Theo kịch bản nguồn cung dầu gián đoạn ít hơn, giá dầu vẫn có thể chạm ngưỡng 102-121USD/thùng.

Dù vậy, diễn biến thực tế đến lúc này, thị trường dầu dường như không bị ảnh hưởng quá lớn từ việc căng thẳng Trung Đông bùng phát. Tính cả ảnh hưởng từ các vụ tấn công của lực lượng Houthis trên Biển Đỏ, giá dầu Brent hiện vẫn giao dịch ở dưới ngưỡng khoảng 75USD/thùng, giảm đáng kể so với mức 92,4USD/thùng vào giữa tháng 10-2023.

Quyền lực của các nước Trung Đông trên thị trường dầu mỏ toàn cầu đang giảm dần. Ảnh: GettyImages

Các phân tích kinh tế vĩ mô chỉ ra nhiều yếu tố lý giải cho điều này.

Thứ nhất, so với thời kỳ khủng hoảng năng lượng năm 1973, kinh tế vĩ mô toàn cầu hiện đang có khả năng chống chọi tốt hơn với diễn biến bất thường của thị trường dầu mỏ. Khu vực Trung Đông hiện chỉ chiếm khoảng 30% tổng nguồn cung toàn cầu, giảm đáng kể so với con số 37% cách đây 50 năm.

Trong khi cung từ Trung Đông co lại, nguồn dầu mỏ, nhất là dầu đá phiến từ Mỹ nhiều thập kỷ gần đây tăng vọt. Cùng lúc, kinh tế vĩ mô trên toàn cầu đã dịch chuyển theo hướng sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và chỉ số năng lượng tái sinh ngày càng cao hơn.

Trưởng bộ phận nghiên cứu về thị trường hàng hóa tại WB, ông John Baffes, phân tích: “Nhà đầu tư dường như đã tạm thời không quá quan tâm đến khả năng leo thang căng thẳng quân sự ở khu vực này”.

Tăng trưởng tín dụng Trung Quốc

Các chỉ số từ nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu cũng là đối tượng của các phân tích kinh tế vĩ mô nhằm đưa ra các dự báo cho năm kinh tế 2024.

Sau ba năm áp dụng chính sách không COVID-19 chặt chẽ, vào tháng 12-2022, giới chức Trung Quốc đã gỡ bỏ các quy định phong tỏa ngặt nghèo. Lúc ấy, các chuyên gia đã kỳ vọng về khả năng bật mạnh của nền kinh tế khổng lồ này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lại khá yếu.

Một trong những nguyên nhân là năm 2020, Bắc Kinh bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế tín dụng bất động sản. Lĩnh vực có tỷ trọng đóng góp đến 23% vào tổng GDP thị trường tỉ dân bắt đầu suy giảm. Giá nhà giảm và số lượng doanh nghiệp bất động sản vỡ nợ gia tăng.

Bất động sản tại Trung Quốc có tỷ trọng đóng góp rất cao vào tổng GDP – Ảnh: Bloomberg

Đến tháng 12-2023, Tổ chức Xếp hạng Tín nhiệm Moody đã chính thức hạ triển vọng tín nhiệm Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, với viện dẫn là rủi ro gia tăng từ tăng trưởng trung hạn cũng như việc thị trường bất động sản suy giảm mạnh về quy mô.

Thị trường bất động sản Trung Quốc có mối liên kết chặt chẽ với tình hình tài chính cũng như kinh tế vĩ mô tại nhiều tỉnh của Trung Quốc. Chính vì vậy, khi bất động sản khó khăn, ngân sách các địa phương cũng đương đầu với những hạn chế.

Đặc biệt, từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính quyền nhiều địa phương đã áp dụng chiến lược đầu tư bất động sản dựa trên vay nợ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Bất động sản chững lại, quá trình đô thị hóa tại Trung Quốc vì vậy cũng bị chậm lại.

Theo Báo Pháp luật TP HCM