Những bất thường của thời tiết đang là mối đe dọa thường xuyên đối với sản xuất và đời sống, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.
Bài học từ phục vụ phòng, chống thiên tai bão, lũ cho thấy yêu cầu đối với dự báo khí tượng thủy văn ngày càng cao khi các tác động của thiên tai ngày càng nghiêm trọng do dân cư tăng lên và các hoạt động kinh tế -xã hội ngày càng phát triển.
Theo đánh giá của Cơ quan quản lý thiên tai châu Á thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều thiên tai nhất ở châu Á. Với đặc điểm bờ biển trải dọc theo đất nước dài 3260 km, hàng năm Việt Nam thường chịu nhiều loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, mưa lớn, hạn hán, sạt lở đất, dông, tố, lốc… trong đó bão lũ là những loại thiên tai gây nhiều thiệt hại hơn cả.
Việc Quy định giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác, toàn diện và kịp thời về tình trạng ngập lụt cho các địa phương trên cả nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư về Quy định kỹ thuật giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám.
Theo đó, công việc giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám bao gồm: Xử lý ảnh viễn thám; trích xuất dữ liệu nền giám sát ngập lụt từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; chiết xuất thông tin ngập lụt; biên tập lớp thông tin ngập lụt; thành lập bản đồ giám sát ngập lụt; kiểm tra, đánh giá độ tin cậy của bản đồ giám sát ngập lụt; xây dựng báo cáo giám sát ngập lụt; giao nộp sản phẩm.
Việc trích xuất dữ liệu nền giám sát ngập lụt từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia bằng công nghệ viễn thám được quy định cụ thể về đường biên giới quốc gia trên đất liền, đường địa giới hành chính; trụ sở ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trụ sở ủy ban nhân dân cấp huyện, trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã; đường sắt quốc gia, đường cao tốc, đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, cảng hàng không…
Việc kiểm tra, đánh giá độ tin cậy của bản đồ giám sát ngập lụt như sau: Lấy tối thiểu 10 mẫu trên dữ liệu ảnh viễn thám khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt phục vụ kiểm tra; so sánh bản đồ giám sát ngập lụt với mẫu; độ tin cậy của bản đồ giám sát ngập lụt phải đạt trên 90%; sửa chữa bản đồ giám sát ngập lụt sau kiểm tra.
Quy định về xử lý ảnh viễn thám để giám sát ngập lụt tập trung vào các bước cụ thể nhằm đảm bảo chất lượng và độ chính xác của dữ liệu thu thập. Quy trình gồm 4 bước: Nhập dữ liệu đầu vào; tăng cường chất lượng ảnh; chuyển đổi về Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ Quốc gia VN-2000; ghép, cắt ảnh, xuất bản đồ ảnh theo khu vực giám sát.
Quy trình này đặt ra các bước cụ thể, từ xử lý chất lượng ảnh đến chuyển đổi hệ tọa độ, nhằm tạo ra bản đồ giám sát ngập lụt chính xác và đáng tin cậy. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ để hỗ trợ công tác đánh giá và ứng phó với tình trạng ngập lụt.