Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ước đạt 5,05%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Tuy vậy, mức tăng trưởng trên vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng đặt ra và trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, nhiều ý kiến băn khoăn rằng kinh tế Việt Nam liệu đã thoát khỏi vùng đáy hay chưa?
Với ngành dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhìn nhận, 2023 là năm khó khăn nhất trong suốt lịch sử của ngành khi chưa bao giờ gặp khó khăn như vậy. Kể cả thời kỳ COVID-19 khi cả thế giới và Việt Nam cùng đóng cửa nhưng ngành vẫn có đơn hàng phòng chống dịch như khẩu trang. Tuy nhiên, 2023 là câu chuyện hoàn toàn khác, nhiều đơn vị của Vinatex đến giờ phút này cảm nhận khó khăn chưa biết điểm dừng lúc nào.
Trải qua một năm khó khăn chưa từng có
Năm 2023, Vinatex chỉ đạt doanh thu hợp nhất 17.225 tỷ đồng, tăng 4,4% và lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, chỉ tăng 1,9%. Kết quả này rất thấp so với năm 2022. “Dù đã có nhiều giải pháp đề ra từ đầu năm nhưng tình hình thị trường với diễn biến xấu nhất đã xảy ra, vì vậy ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hiếu nhìn nhận.
Với ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nhìn nhận, đây là năm đầu tiên ngành gỗ tăng trưởng âm. Kinh tế toàn cầu có dấu hiệu hồi phục nhưng còn chậm. Năm 2024, ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn. Về tổng thể, ngành gỗ có tăng trưởng nhưng chậm và không nhiều, khoảng 10-12% so với những quý cuối năm 2023.
“Giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 đó là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam là phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản đó là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải”, ông Lập nhìn nhận.
Năm 2023, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt 5,05% thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Tuy vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 – 7%/năm giai đoạn 2021 – 2025 rõ ràng là thách thức lớn.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, để trả lời cho câu hỏi tăng trưởng kinh tế ra khỏi vùng đáy hay chưa thì cần quan sát diễn biến tăng trưởng theo năm, theo quý. Nếu theo năm, tăng trưởng kinh tế khởi động kế hoạch năm 2021 khi chịu tác động mạnh của dịch COVID-19. Vì vậy, năm 2021, kinh tế Việt Nam đã cán đích với mức tăng trưởng GDP là 2,58%, thấp hơn so với mức tăng 2,91% năm 2020, cũng so với mục tiêu đặt ra là 6,5%. Đây cũng là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Bước sang năm 2022, kinh tế Việt Nam đã vượt khó, so với đáy đã tạo được bước tăng trưởng đột phá là 8,02%. Tuy nhiên, sang năm 2023, nền kinh tế Việt Nam vẫn gặp khó khăn, nên chỉ đạt trưởng 5,05%. Dù mức tăng trưởng này thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới.
Qua quan sát, ông Ánh kỳ vọng, đáy tăng trưởng đã rơi vào năm 2021, 2023. Ông kỳ vọng 2024, 2025, nền kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn phục hồi để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021 – 2023 đã đề ra.
Kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi
“Tôi cho rằng nền kinh tế đã bước qua đáy, giờ đã sang chu kỳ phục hồi, nhưng vấn đề quan trọng nhất là tốc độ phục hồi đã đạt được mức tăng trưởng cao nhất”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, ông Ánh nhấn mạnh vào động lực quan trọng là đẩy mạnh xuất khẩu. Do vậy, để phục hồi xuất khẩu chắc chắn phải làm nhiều việc. Trong bối cảnh khu vực FDI vẫn chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu, rõ ràng việc phục hồi cần tập trung vào chính sách cho khu vực này. Cùng với đó, đẩy mạnh hai động lực tăng trưởng là đầu tư và tiêu dùng trong nước.
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới đây cũng chỉ ra, khu vực doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng. 31% công ty có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động trong quý I/2024 và 34% có ý định tăng mức đầu tư, một sự tăng trưởng rõ ràng kể từ năm 2023. Những số liệu thống kê này báo hiệu động lực tăng trưởng mạnh mẽ và cơ hội cho Việt Nam trong năm 2024.
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nhận xét về diễn biến này và nói rằng “Chắc chắn xu hướng tích cực đang diễn ra. Mặc dù, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn, nhưng các doanh nghiệp đang cảm thấy lạc quan hơn”. Ông cũng chia sẻ thêm rằng: Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tin rằng chúng ta đã vượt qua thời kỳ kinh tế được cho là đầy thách thức và khó khăn nhất.
“Mặc dù những con số này là những con số đầy hứa hẹn, chúng ta vẫn cần thận trọng. Chỉ số niềm tin kinh doanh vẫn ở dưới mức trung bình và hơn 1/3 số kinh doanh vẫn ở dưới mức trung bình và hơn 1/3 số doanh nghiệp dự đoán sẽ hoạt động kém hiệu quả”, ông Gabor Fluit nói.
Theo Chủ tịch EuroCham, trước sự cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng trong khu vực, Việt Nam vẫn nên cảnh giác. Điều quan trọng là Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách và chiến lược của mình để thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu. Một lĩnh vực quan trọng cần tập trung là đơn giản hóa thủ tục hành chính, một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm chi phí hậu cần và nâng cao trình độ của lực lượng lao động cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp đất nước duy trì tính cạnh tranh và quỹ đạo tăng trưởng.
Nhìn nhận ở góc độ ngành thống kê, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhìn nhận năm 2024, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiệu hữu và tiếp tục tác động tiêu cực đối với triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, cùng với chính sách thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam cần lưu ý tới những giải pháp chống chịu với những rủi ro nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững .
Trong đó, một trong những nhiệm vụ là tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tốt và tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương, đa phương để mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm Việt Nam.
Ông Trần Quốc Phương Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Chúng ta nói kinh tế đang phục hồi, điều đó đúng, nhưng thực tế là tăng trưởng kinh tế còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Các động lực tăng trưởng chính đều đang chậm lại. Những khó khăn này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024, năm mà nhiều dự báo cho thấy, kinh tế toàn cầu có thể sẽ tăng trưởng chậm lại. Tuy vậy, tôi cho rằng, chúng ta có nhiều cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư đều đang trong xu hướng tích cực hơn và có cơ hội tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024. Ông Nguyễn Minh Cường Nguyên kinh tế trưởng quốc gia của ADB Việt Nam Những thách thức bên ngoài như các nền kinh tế phát triển giảm tốc, thương mại toàn cầu suy giảm, rủi ro vĩ mô toàn cầu, căng thẳng địa chính trị… vẫn sẽ tác động tiêu cực đến Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng của năm 2024, đã đến lúc Việt Nam phải đặt chất lượng tăng trưởng lên ưu tiên trọng yếu. Việt Nam cần xác định ngay 2024 là năm đột phá cho chất lượng tăng trưởng trung và dài hạn, nếu Việt Nam thực sự muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Ông Nguyễn Văn Đính Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Thị trường bất động sản đã xuất hiện tín hiệu tích cực hơn trong giai đoạn nửa sau năm 2023 nhưng nhìn chung 2023 vẫn là năm khó khăn của thị trường nói chung và hoạt động môi giới bất động sản nói riêng, khi hàng nghìn môi giới bất động sản mất việc, bỏ nghề, cho tới thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 20% môi giới bất động sản đang hoạt động. Dự báo, thị trường tiếp tục duy trì tín hiệu tốt nhưng phải đến cuối quý III/2024 trở đi, sự phục hồi mới được thể hiện rõ nét. |