Chiếc kính thực tế ảo hỗn hợp (XR) Vision Pro của Apple sẽ chính thức lên kệ ngày 2/2/20224, giá ngang ngửa một chiếc SH khi về Việt Nam. Sản phẩm này được đánh giá sẽ làm thay đổi ngành tiếp thị.
Có thể nói Vision Pro là một trong những sản phẩm được mong đợi nhiều nhất của Apple. Các thông tin cho thấy để sở hữu một chiếc kính này, người dùng phải bỏ ra số tiền 3.499 USD (tương đương hơn 85 triệu đồng) cho phiên bản 256G bộ nhớ trong tại thị trường Mỹ. Hiện nay người dùng đã có thể đặt trước Vision Pro.
Gọi là kính thực tế ảo hỗn hợp, bởi Apple Vision Pro được thiết kế với phần kính trong suốt ở phía trước. Nhờ đó người dùng vừa có thể quan sát thế giới thực vừa theo dõi được nội dung ảo hiển thị trên trong.
Hoạt động trên hệ điều hành visionOS, Vision Pro sở hữu hai màn hình micro-OLED, trang bị chip M2 và chip R1 thiết kế riêng. Nếu M2 cung cấp sức mạnh để xử lý các tác vụ chơi game, xem phim và chạy ứng dụng VR, thì R1 gánh phần theo dõi mắt và theo dõi chuyển động. Không chỉ vậy, thiết bị này còn được tích hợp hệ thống cảm biến gồm 12 camera, 5 cảm biến và 6 micro để theo dõi chuyển động mắt, khuôn mặt và môi trường xung quanh.
Cũng như các dòng sản phẩm khác của Apple, kèm theo Vision Pro có khá nhiều phụ kiện, chẳng hạn dây đai, đệm ôm mắt, vòng đệm, khăn lau, tấm che bảo vệ mắt kính, pin, cáp và củ sạc.
Theo giới thiệu của Apple, người dùng có thể sử dụng Vision Pro trong nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn chơi game, xem phim, giải trí, giáo dục và đào tạo.
Gắn liền với Vision Pro và công nghệ thực tế ảo là immersive content, một thuật ngữ chỉ những nội dung trong thế giới ảo, có tính trực quan cao, như thể hiện diện trước mắt người dùng, khiến người ta đắm chìm và “sống”, tương tác trong thế giới ảo. Do đó, những chuyên gia tiếp thị kỳ vọng Vision Pro sẽ mở ra một cuộc cách mạng, đặc biệt trong quá trình xây dựng trải nghiệm khách hàng.
Chẳng hạn
#1. Trình bày sản phẩm sống động hơn: Với Vision Pro, các thương hiệu có thể thực hiện những buổi trình bày sản phẩm dưới định dạng 3D, giống như ngoài đời thật, cho phép khách hàng tương tác ảo với sản phẩm. Điều này cực kỳ có lợi trong việc tăng tỷ lệ chuyển đổi và nâng cao sự hài lòng của khách hàng.
#2. Quảng cáo thực tế ảo: Vision Pro sẽ mở ra cánh cửa cho loại hình quảng cáo thực tế ảo tương tác. Khi ấy, khách hàng có thể tương tác với quảng cáo trong không gian ảo, thúc đẩy mức độ tương tác cao hơn.
#3. Làm việc từ xa: Các thành viên trong những nhóm tiếp thị có thể tận dụng tính năng gọi video của Vision Pro để trao đổi và làm việc với nhau. Tính năng này cũng giúp ích rất nhiều trong các buổi lên ý tưởng, phát triển sản phẩm và sáng tạo tài liệu.
#4. Nghiên cứu khách hàng: Với Vision Pro, doanh nghiệp có thể thực hiện những buổi khảo sát chuyên sâu và các nhóm tập trung. Bản thân người tham gia sẽ tận hưởng những trải nghiệm hấp dẫn, còn doanh nghiệp sẽ nhận được các bảng dữ liệu phong phú.
#5. Tổ chức các sự kiện ảo: Với Vision Pro, doanh nghiệp có thể tổ chức những sự kiện thực tế ảo như ra mắt sản phẩm hoặc hội nghị, đem đến cho người tham gia trải nghiệm mang tính gắn kết và tương tác.
#6. Sáng tạo nội dung: Vision Pro có rất nhiều tiềm năng cho việc sáng tạo nội dung. Chẳng hạn, những công cụ tạo nội dung bằng AI như Jounce AI có thể được điều chỉnh tương thích với Vision Pro, cho phép những nhà sáng tạo nội dung có thể chuyển đổi nội dung trực tiếp từ headset của mình.
#7. Cá nhân hóa hành trình khách hàng: Công nghệ của Vision Pro cho phép khách hàng có thể tham quan cửa hàng trong không gian ảo, tương tác với sản phẩm và nhận những lời tư vấn phù hợp với nhu cầu và sở thích của họ.
#8. Đào tạo và giáo dục: Vision Pro cho phép người dùng tạo những nội dung đào tạo và giáo dục cực kỳ trực quan (immersive material). Tính năng này sẽ rất hữu ích trong những buổi giới thiệu, giải thích về các dịch vụ và sản phẩm phức tạp.
#9. Tương tác mạng xã hội: Doanh nghiệp có thể tạo dựng những chiến dịch social media độc đáo, với những nội dung mang tính tương tác và để người dùng trải nghiệm trên Vision Pro.
#10. Tiếp thị bằng người có tầm ảnh hưởng (influencer marketing): Influencer có thể sáng tạo những nội dung mang tính tương tác cao (immersive content), thúc đẩy các chiến dịch influencer marketing và tăng tỷ lệ tương tác.
#11. Trực quan hóa dữ liệu: Vision Pro có thể trực quan hóa những dữ liệu phức tạp trong môi trường 3D, giúp những buổi thuyết trình trở nên dễ hiểu, gắn kết hơn.
#12. Phòng trưng bày ảo: Các nhà bán lẻ có thể dùng Vision Pro để tạo nên các phòng trưng bày ảo, cho phép khách hàng khám phá các sản phẩm trong môi trường mô phỏng, tạo nên trải nghiệm mua sắm có tính gắn kết hơn và thúc đẩy doanh số.
#13. Kể chuyện tương tác: Với Vision Pro, đội ngũ tiếp thị có thể biến khách hàng thành một phần của câu chuyện thương hiệu, giúp họ tạo dựng được sự kết nối cảm xúc sâu sắc hơn.
#14. Hỗ trợ khách hàng: Quá trình hỗ trợ khách hàng sẽ được nâng cao rất nhiều với Vision Pro. Chẳng hạn các nhân viên hỗ trợ có thể hướng dẫn “trực tiếp” cho khách hàng thông qua môi trường ảo, giúp tăng tỷ lệ hài lòng của khách hàng.
#15. Tiếp thị thực tế ảo tăng cường: Vision Pro có thể giúp đội ngũ tiếp thị tạo nên các trải nghiệm thực tế ảo tăng cường, nơi những nội dung kỹ thuật số được hiển thị trên nền của thế giới thực. Khi ấy, các chiến dịch tiếp thị kết hợp giữa thế giới thực và thế giới ảo sẽ rất được ưa chuộng.
Dĩ nhiên, đây chỉ là những ví dụ, những cách ứng dụng mà các chuyên gia kỳ vọng Vision Pro có thể thực hiện. Thế nhưng tiềm năng của Vision Pro là điều không thể chối cãi, đặc biệt khi sẽ ngày càng nhiều nhà phát triển điều chỉnh các ứng dụng của họ để phù hợp với Vision Pro và hệ điều hành visionOS. Trong bối cảnh công nghệ không ngừng phát triển ấy, những doanh nghiệp nào nắm bắt được các thay đổi này tốt hơn thì sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc thu hút khách hàng.
Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp