Việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh đã đạt những thành tựu quan trọng, nhưng đây mới là bước khởi đầu và cơ hội cũng như thách thức phía trước còn rất nhiều.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và đổi mới, tuy nhiên vẫn còn ở vị trí khiêm tốn về thu nhập bình quân đầu người cũng như chuyển đổi công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do vậy đạt được mục tiêu Tăng trưởng Xanh sẽ mang lại những lợi ích to lớn và lâu dài.
Việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng những kết quả này mới là bước khởi đầu và cơ hội, thách thức phía trước vẫn còn rất nhiều.
Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc để làm rõ hơn vấn đề này.
Sớm xây dựng Hệ thống Phân loại Xanh
– Tăng trưởng Xanh vừa là tiềm năng, vừa là thách thức đối với Việt Nam. Thứ trưởng có nhận định thế nào về nhận định này?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc: Tăng trưởng Xanh là xu hướng của toàn cầu và con đường phát triển tất yếu. Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt thiên nhiên lẫn yếu tố về xã hội và con người, đem lại tiềm năng vô cùng to lớn cho Tăng trưởng Xanh. Nguồn dự trữ carbon dồi dào đến từ tài nguyên rừng tự nhiên, chiếm tới hơn 40% tổng diện tích trên cạn của quốc gia. Thêm vào đó, thời tiết nóng và ẩm tại vùng cận xích đạo, dễ dàng phát triển rừng nhiệt đới với trữ lượng carbon lớn. Việt Nam có tài nguyên phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, nhờ vị trí địa lý đắc địa trong khu vực cận xích đạo nhiều nắng cùng với bờ biển dài nhiều gió.
Với dân số lớn hơn 100,3 triệu, người tiêu dùng trong nước ngày càng nhận thức rõ rệt về các yếu tố môi trường, sức khỏe và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các Sản phẩm Xanh. Hiện Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất về nền Kinh tế Số trong khu vực, với quy mô thị trường kinh tế số khoảng 23 tỷ USD năm 2022 và dự kiến có thể đạt đến 50 tỷ USD năm 2025.
Dù với đà tăng trưởng mạnh mẽ, nền Kinh tế Xanh của Việt Nam vẫn còn đang trong thời kỳ sơ khai và nhiều thách thức. Hệ thống chiến lược với nhiều mục tiêu, định hướng, hành động trong Chiến lược và Kế hoạch hành động Tăng trưởng Xanh hiện còn chưa được lồng ghép triệt để và chi tiết hóa, đặc biệt ở các nội dung chuyên ngành, liên ngành và cấp địa phương.
Hệ thống cơ sở pháp lý hỗ trợ cho Tăng trưởng Xanh thiếu đồng bộ và chặt chẽ từ Hệ thống Phân loại Xanh, thống nhất cấp độ quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế. Bởi, Hệ thống Phân loại Xanh là tiền đề đặc biệt quan trọng cho sự phát triển nền Kinh tế Xanh, đặc biệt đối với khối tư nhân và tổ chức quốc tế để xác định các cơ hội đầu tư và phát triển các Dự án Xanh tại Việt Nam. Dựa theo hệ thống này, các cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực, như các ưu đãi Đầu tư Xanh, hay các chương trình-dự án Thí điểm Xanh cần được phát triển và triển khai, đảm bảo sự phù hợp với thị trường và giảm thiểu rủi ro với nhà đầu tư. Vì vậy, tiến trình xây dựng một Hệ thống Phân loại Xanh chính thức toàn diện ở cấp quốc gia cần phải được đẩy nhanh.
Trên thực tế, hệ thống Tài chính Xanh còn non trẻ cũng khiến các Dự án Xanh gặp nhiều khó khăn trong việc huy vốn hoặc tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi. Hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra chưa hoàn thiện và thiếu quy trình tiêu chuẩn cho các công cụ tài chính mới (như Trái phiếu Xanh) là một nút thắt lớn cho việc huy động nguồn Tài chính Xanh. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần có sự hướng dẫn triển khai đồng bộ, dự án thí điểm và hỗ trợ nâng cao năng lực huy động vốn, đặc biệt với những sản phẩm và cơ chế tài chính mới còn xa lạ đối với thị trường Việt Nam. Cơ sở hạ tầng cần thiết cũng là một yếu tố cần phát triển để đảm bảo giao dịch hiệu quả, đơn cử như cơ chế giao dịch cho sản phẩm tài chính xanh, đảm bảo tính minh bạch, nâng cao khả năng thanh toán và tăng cường hệ thống dữ liệu. Cuối cùng, các ưu đãi đặc biệt dành cho các sản phẩm hỗ trợ tài chính cần được áp dụng nhằm giúp các Dự án Xanh trở nên hấp dẫn hơn đối với các tổ chức tài chính quốc tế.
Nếu tận dụng được triệt để những tiềm năng, thế mạnh của quốc gia, cởi nút thắt đối với các khó khăn, thách thức ở thời điểm hiện tại thì cơ hội xây dựng thành công một nền Kinh tế Xanh của Việt Nam là rất lớn.
5 hành động cụ thể cho Tăng trưởng Xanh
– Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về Tăng trưởng Xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Tăng trưởng Xanh như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc: Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về Tăng trưởng Xanh đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Tăng trưởng Xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Để thực hiện hóa các mục tiêu trong chiến lược, bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung xây dựng, triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Kế hoạch hành động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hành động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.
Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về Tăng trưởng Xanh đã được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về Tăng trưởng Xanh.
Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động Tăng trưởng Xanh của riêng mình. Song song với đó, các mục tiêu, nội dung của Tăng trưởng Xanh cũng được tích hợp vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương, theo hướng thúc đẩy liên kết ngành, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển các ngành Kinh tế Xanh, giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ngay trong giai đoạn này.
Tích cực triển khai các kế hoạch hành động của mình, các bộ, ngành, địa phương đã có những hành động cụ thể như chủ động nghiên cứu, thúc đẩy đàm phán, triển khai các cơ chế mới nhằm huy động tối đa các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ Tăng trưởng Xanh. Các cấp tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy Tăng trưởng Xanh đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút, triển khai các dự án bền vững và thân thiện với môi trường từ các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan theo sát các xu hướng hợp tác quốc tế trong ngành, lĩnh vực phụ trách nhằm tranh thủ cơ hội thúc đẩy Tăng trưởng Xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam, lồng ghép nội dung Tăng trưởng Xanh vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế.
– Xin Thứ trưởng chia sẻ kế hoạch triển khai các nhiệm vụ về tại Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng Xanh?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc: Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò đầu mối, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất là tăng cường phối hợp liên ngành trên cơ sở chia sẻ thông tin thường xuyên, phối hợp kịp thời trong việc triển khai các nhiệm vụ, hoạt động đã được giao tại Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng Xanh.
Thứ hai là triển khai các hoạt động xây dựng cơ chế, chính sách và tăng cường huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là đầu tư tư nhân cho Tăng trưởng Xanh, trong đó gồm phân bổ và sử dụng nguồn đầu tư công gắn với các tiêu chí cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính trong các chương trình dự án quốc gia, ngành, địa phương, ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư công cho các nhiệm vụ, dự án Tăng trưởng Xanh trọng điểm trong từng giai đoạn cụ thể; Rà soát và hoàn thiện khung pháp lý hiện hành và xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư cho chuyển đổi xanh, đặc biệt các cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, các sản phẩm và dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường, ít phát thải; Phát huy vai trò định hướng thị trường, dẫn dắt sản xuất và tiêu dùng xanh của các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị xanh; Tiếp tục hoàn thiện quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn nước ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật cho các Dự án Xanh.
Thứ ba là thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ đối tác công-tư một cách chặt chẽ để đưa quốc gia hướng tới mục tiêu Net Zero, với nhận thức nguồn lực tư nhân là nguồn lực then chốt và quan trọng nhất.
Thứ tư là nghiên cứu xây dựng “Lộ trình hiện thực hóa các mục tiêu Tăng trưởng Xanh gắn kết với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo hướng trung hòa carbon.” Theo đó, các mục tiêu Tăng trưởng Xanh sẽ được xác định cụ thể cả về định tính và định lượng, dựa trên phân tích đa tiêu chí, mô hình hóa các kịch bản phát triển, đánh giá đầy đủ về tác động kinh tế-xã hội-môi trường hướng tới đưa phát thải ròng bằng về “0” vào năm 2050.
Thứ năm là xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá, báo cáo thực hiện Chiến lược và các công cụ quản lý hỗ trợ thực hiện, đặc biệt là xây dựng bộ chỉ tiêu quốc gia về Tăng trưởng Xanh, xây dựng và triển khai thí điểm Chỉ số Tăng trưởng Xanh tổng hợp nhằm đánh giá mức độ thực hiện Tăng trưởng Xanh trên phạm vi toàn quốc; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia; xác định những nhiệm vụ, dự án Tăng trưởng Xanh trọng điểm.
Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức sẽ được tiếp tục triển khai rộng rãi đến tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng người dân. Trong số đó, thông tin được định hướng để cộng đồng người dân nhận thức được đây là công việc chung của mọi người và chủ động đóng góp vào công cuộc thực hiện Tăng trưởng Xanh, hướng tới Net Zero của Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành và địa phương liên quan sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các bên liên quan yên tâm tiếp tục đầu tư kinh doanh, làm việc tại Việt Nam vì một mục tiêu cao nhất là đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế-xã hội và môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước trong dài hạn.
– Xin cảm ơn Thứ trưởng!