Những chiếc máy bay của Boeing và Airbus hiện đang chiếm tuyệt đại đa số các chuyến bay thương mại trên toàn cầu. Doanh nghiệp Việt đang là đối tác cung cấp phần mềm thiết lập kế hoạch bay cho hai hãng hàng đầu thế giới này.
Nếu như trước đây chúng ta luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay có rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT. Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của thế giới.
Đó là khẳng định của ông Trương Gia Bình, chủ tịch HĐQT FPT, khi nói về vị thế mới của Việt Nam sau khi doanh nghiệp này đạt 1 tỉ USD doanh thu từ thị trường quốc tế.
Đặc biệt, Công ty phần mềm FPT (FPT Software) đang là đối tác cung cấp phần mềm thiết lập kế hoạch bay cho hai hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới hiện nay.
Các chuyến bay trên thế giới đều có dòng code của người Việt
Vào một ngày đầu năm 2012, sau nhiều tháng trao đổi qua email, Đặng Trần Phương – khi đó là giám đốc một trung tâm phần mềm của FPT – đã đáp chuyến bay đến Seattle (Mỹ) để tham gia buổi đàm phán lịch sử với một công ty sản xuất máy bay hàng đầu thế giới. Chàng trai 8X đời đầu đã thoáng chút run chân khi lần đầu thuyết trình trước dàn lãnh đạo cấp cao của đối tác.
Tuy nhiên, nhờ sự “lì đòn” cùng với nền tảng kinh nghiệm vững chắc về công nghệ, quản lý sản xuất và kiến thức về kinh tế, Phương đã trụ vững suốt buổi đàm phán kéo dài 10 tiếng. Kết quả FPT đã có được gói cung ứng phần mềm trị giá triệu USD từ công ty này cùng khởi đầu nhiều hứa hẹn tại xứ cờ hoa đầy tiềm năng và thách thức.
Đến năm 2015, lần đầu tiên công ty sản xuất máy bay nêu trên đã chọn FPT là một trong ba nhà cung ứng (vendor) của dự án lớn với giá trị công việc được giao ước tính khoảng 20 triệu USD.
“Chúng tôi mất 5 năm để một công ty sản xuất máy bay lớn nhất thế giới đồng ý cho FPT Software cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho họ. Khi đến trình bày với họ, tôi nói trong mơ cũng không nghĩ có ngày được bàn về việc lập trình cho công ty này”, Đặng Trần Phương – phó tổng giám đốc FPT Software, phụ trách khối châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông – chia sẻ.
Sau hơn 10 năm, giờ đây doanh nghiệp Việt đã tham gia gần như đầy đủ các chuỗi cung ứng trong hàng không. Đặc biệt , FPT Software còn cung cấp phần mềm cho cả Airbus – đối thủ của công ty sản xuất máy bay lớn nhất thế giới nêu trên. Theo ông Phương, yêu cầu khắt khe về độ an toàn trong ngành hàng không đòi hỏi mọi thứ phải cẩn trọng, tuân thủ mọi yêu cầu của ngành.
Để trở thành nhà cung ứng, các doanh nghiệp như FPT Software phải có khả năng đáp ứng các công nghệ mới không thua gì các doanh nghiệp lâu năm của Ấn Độ. “Không nhiều công ty trên thế giới có thể cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho cả hai công ty sản xuất máy bay hàng đầu thế giới”, ông Phương tiết lộ.
Không chỉ vậy, ông Phương còn cho biết doanh nghiệp này “còn có tập khách hàng là các hãng hàng không lớn, trải đều khắp các thị trường mà chúng tôi đang hiện diện”, đồng thời tự hào “khoe” rằng gần như mọi chuyến bay thương mại hiện nay “đều có dòng code (mã lập trình) của người FPT bảo vệ”.
“Chúng tôi giúp thiết lập kế hoạch bay vô cùng phức tạp và chi tiết cho hàng triệu phi công, sắp xếp đoàn bay cho các airlines (hãng hàng không). Các hoạt động của máy bay từ lúc grounding (trên mặt đất), take off (cất cánh), on air (trên không) đều được ghi nhận, phân tích trên dataplatform (nền tảng dữ liệu) mà FPT giúp Airbus phát triển. Các phần mềm liên quan đến dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, quản lý các spear parts (bộ phần thay thế) trên nền tảng FPT Blockchain”, ông Đặng Trần Phương, hiện là phó tổng giám đốc FPT Software, phụ trách khối châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông nói.
Mục tiêu kiếm 5 tỉ USD từ nước ngoài
Ngày 11-1, Tập đoàn FPT công bố đã đạt cột mốc doanh thu 1 tỉ USD đầu tiên từ thị trường quốc tế, đưa doanh nghiệp này bước vào sân chơi đẳng cấp thế giới – sân chơi của các doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin tỉ USD trên toàn cầu.
Chia sẻ về việc này, ông Nguyễn Văn Khoa, tổng giám đốc FPT, cho biết: “FPT có những con số, giấc mơ đầy hoài bão. Mọi người không tin nhưng chúng tôi đều chinh phục được. Con số 1 tỉ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài là một trong số đó”.
Theo ông Trương Gia Bình, việc đạt doanh thu tỉ USD đã mang lại một vị thế hoàn toàn mới cho Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
“Nếu như trước đây chúng ta luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT. Đã đến lúc thế giới cần Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của thế giới, đã vươn lên số 2 thế giới về phần mềm, chỉ sau Ấn Độ”, ông Bình cho biết.
Sau khi đạt cột mốc 1 tỉ USD, tập đoàn công nghệ của Việt Nam tiếp tục đặt tham vọng doanh thu lên gấp 5 lần, tức 5 tỉ USD, từ thị trường quốc tế vào năm 2030. Để đạt mục tiêu này, ông Khoa cho biết FPT đang hướng đến ước mơ có 1 triệu nhân sự chuyển đổi số và sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn là AI, chip bán dẫn, công nghệ ô tô… để hướng tới mục tiêu có những tỉ USD tiếp theo trong một ngành, một thị trường, một hợp đồng duy nhất.
“Chúng tôi tiếp tục phát triển các chuyên gia công nghệ chất lượng cao và đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực phức tạp, có tiềm năng tăng trưởng cao như phần mềm ô tô, chăm sóc sức khỏe, tài chính ngân hàng, năng lượng…
Chúng tôi cũng sẽ tích hợp AI vào trong tất cả các dịch vụ và giải pháp của mình để nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng linh hoạt, chất lượng và rút ngắn thời gian đáp ứng cho khách hàng trên thế giới” – ông Phạm Minh Tuấn, tổng giám đốc FPT Software, cho biết thêm.
Code là gì?
Theo cách đơn giản và dễ hiểu, code là một dòng mã do con người viết ra nhằm mục đích giao tiếp, hướng dẫn máy tính thực hiện các tác vụ. Viết code (hay còn gọi là lập trình) là hành động sử dụng ngôn ngữ lập trình để tạo ra các lệnh code. Người viết code sẽ được gọi là coder, hay là lập trình viên. |
Dịch vụ viễn thông Viettel dẫn đầu tại 6 thị trường nước ngoàiTheo báo cáo tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Viettel năm 2023, doanh thu từ các thị trường nước ngoài của doanh nghiệp đã tăng trưởng 20,5%, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới. Dù con số cụ thể không được tiết lộ nhưng Viettel đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao 7 năm liên tiếp. Đặc biệt, trong năm 2023, nhà mạng Natcom – công ty do Viettel đầu tư và kinh doanh tại Haiti – đã xuất sắc vươn lên dẫn đầu tại thị trường nước này. Qua đó đưa Viettel giữ vị trí số 1 tại 6 thị trường nước ngoài (bao gồm: Natcom tại Haiti, Metfone tại Campuchia, Unitel tại Lào, Mytel tại Myanmar, Telemor tại Timor Leste, Lumitel tại Burundi). Không chỉ viễn thông, lĩnh vực an toàn thông tin do Viettel cung cấp dịch vụ đã mở rộng kinh doanh ra 4 thị trường quốc tế gồm Nhật Bản, Myanmar, Timor Leste và Hong Kong. Nền tảng tài chính số Viettel Digital Finance platform cũng xuất khẩu ra 7 thị trường nước ngoài. Trong đó, nhiều thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Mozambique (450%), Lào (244%), Haiti (232%), Timor Leste (139%), Burundi (91%). Hệ thống 5G dùng riêng (5G Private) hoàn chỉnh của Viettel cũng đã có hợp đồng xuất khẩu sang Ấn Độ – quốc gia công nghệ phát triển và có dân số đông nhất thế giới. |
FPT Software cung cấp phần mềm gì cho các “ông lớn” sản xuất máy bay?Ông Đặng Trần Phương – phó tổng giám đốc FPT Software, phụ trách khối châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông – cho biết doanh nghiệp này giúp thiết lập kế hoạch bay vô cùng phức tạp và chi tiết cho hàng triệu phi công, sắp xếp đoàn bay cho các airlines (hãng hàng không). “Các hoạt động của máy bay từ lúc grounding (trên mặt đất), take off (cất cánh), on air (trên không) đều được ghi nhận, phân tích trên data platform (nền tảng dữ liệu) mà FPT giúp Airbus phát triển. Các phần mềm liên quan đến dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, quản lý các spear parts (bộ phận thay thế) trên nền tảng FPT Blockchain”, ông Phương thông tin. |