Đây là một trong những nội dung quan trọng được bàn luận trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) vừa diễn ra.
Thay vì hạn chế xe máy, sao không ‘siết’ khí thải?
Theo thông tin từ Bộ GTVT, trong buổi làm việc, Chủ tịch VAMM Koji Sugita cho biết các định hướng chính và giải pháp về việc trung hòa khí cacbon tại Việt Nam. Theo đó, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đã có kế hoạch hạn chế xe máy vào năm 2030 nhằm giảm thiểu ô nhiễm, tắc đường về tai nạn giao thông. Tuy vậy, ông Koji Sugita đánh giá với hiện trạng giao thông Việt Nam, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính của người dân. Do vậy, cho đến khi giao thông công cộng đã sẵn sàng thì xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu.
Với vai trò là nhà sản xuất xe máy, VAMM cho rằng thay vì hạn chế hoạt động của các phương tiện cá nhân là xe máy, nên có nhiều giải pháp khác để giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông như kiểm soát khí thải xe đang lưu hành hoặc áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO4.
Cụ thể, VAMM đề xuất ban hành lộ trình và tiêu chuẩn EURO4 vào năm 2024 để sớm áp dụng nhằm đóng góp vào mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường. Hiệp hội này sẽ xem xét năng lực của mạng lưới kiểm định, đưa ra những ý kiến đề xuất cụ thể trong năm nay nhằm hợp tác xây dựng quy định khả thi.
“Việc áp dụng EURO4 cho xe mới, kiểm soát khí thải xe đang lưu hành là giải pháp hiệu quả nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2040 dừng sản xuất, nhập khẩu xe máy xăng và đến năm 2050 sử dụng 100% xe mô tô, xe máy điện. Việc chuyển đổi xe điện là định hướng trong tương lai nhưng để bảo vệ người tiêu dùng, ngành công nghiệp thì việc chuyển đổi cần được thực hiện từng bước với sự xem xét đầy đủ đến các giải pháp thay thế” – ông Koji Sugita nói.
Đánh giá cao sự hỗ trợ, đồng hành của VAMM trong phối hợp triển khai các chương trình đảm bảo ATGT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đồng thời ghi nhận đề xuất các giải pháp giảm phát thải khí CO2, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, sau các cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 và các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chủ động triển khai các nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải.
Về việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO4 hiện đang được Bộ giao Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu, sớm xây dựng lộ trình quy định nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới để trình Chính phủ ban hành. Cùng với đó, cố gắng đẩy nhanh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO4 đối với các phương tiện xe mô tô, xe gắn máy. Song song, Bộ GTVT cũng đã phối hợp với Bộ Công an bổ sung quy định về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành vào dự thảo luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Không thể phủ nhận xe máy vẫn là phương tiện lưu hành phổ biến ở Việt Nam trong những năm tới, song, quan điểm của Bộ GTVT là ủng hộ sử dụng nhiên liệu xanh như nhiên liệu hydrogen, nhiên liệu sinh học, góp phần giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nhờ giảm thiểu việc tạo các loại khí thải có trong các nhiên Liệu truyền thống. Vì thế, Việt Nam cũng mong muốn các doanh nghiệp nỗ lực sản xuất ra những mẫu xe mới, đáp ứng được các điều kiện bảo vệ môi trường.
Lái xe máy điện, xe dưới 50cc cũng cần bằng lái
Cũng tại buổi làm việc, ông Sugita nhận xét tình hình thực tế tại Việt Nam, tỷ lệ tai nạn giao thông ở học sinh, sinh viên cao nhưng hiện tại chưa có quy định về bằng lái xe đối với đối tượng này. Hiệp hội đề xuất, nhằm bảo đảm an toàn giao thông, cần áp dụng việc cấp chứng chỉ, bằng lái đối với người điều khiển xe gắn máy, xe gắn máy điện với bài thi bắt buộc như tại nhiều quốc gia trên thế giới. VAMM sẵn sàng hợp tác với Chính phủ, Bộ GTVT để xây dựng quy định khả thi như đào tạo, cấp bằng…
Đây cũng là nội dung được một số Đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận tại Nghị trường trong kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi tháng 11.2023. Số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ ra rằng một số nghiên cứu gần đây tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, 90% số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan trẻ em thuộc nhóm tự đi xe đến trường (từ 16 – 18 tuổi); có khoảng 52% số học sinh tự đi học bằng xe đạp điện, xe máy nhưng không có giấy phép lái xe. Hiện tại, các trường học đang lồng ghép giáo dục an toàn giao thông vào chương trình chính khóa, song học sinh mới được tiếp cận lý thuyết. Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu quy định người sử dụng xe điện, xe gắn máy dưới 50cc phải tham gia lớp học về luật giao thông và kỹ năng cơ bản; sau khi kết thúc khóa học sẽ có kiểm tra để cấp chứng chỉ hoặc bằng lái.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin Bộ Công an chủ trì xây dựng và đưa vào dự thảo luật Giao thông Đường bộ các quy định về phân hạng giấy phép lái xe như A1, A…
“Bộ GTVT ủng hộ việc bổ sung quy định về giấy phép lái xe đối với các đối tượng học sinh sinh viên điều khiển xe mô tô điện, xe gắn máy điện. Các đối tượng này cần am hiểu các quy định về An toàn giao thông đường bộ. Bộ GTVT đề nghị VAMM tiếp tục nghiên cứu, tham gia và góp ý thêm với Bộ Công an là cơ quan chủ trì xây dựng luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ về các nội dung này. Về phía Bộ GTVT cũng tiếp tục rà soát, tham gia với Bộ Công an về việc quản lý các phương tiện mô tô điện, xe gắn máy điện tại Việt Nam” – tư lệnh ngành giao thông khẳng định.