Thị trường trái cây ngoại cao cấp sôi động khi nhiều người chọn làm quà biếu và các sự kiện cuối năm
Nhiều loại trái cây được doanh nghiệp, nhà phân phối nhập khẩu trực tiếp với số lượng lớn nên có giá rẻ. Song cũng có những loại trái cây đặc biệt tăng giá hoặc có giá rất cao nhưng vẫn được thị trường ưa chuộng.
Trái cây cao cấp được ưa chuộng
Ngày 17-1, tại TP HCM, Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Rau quả Nhật Bản (J-FEC) phối hợp với JFOODO (The Japan Food Product Overseas Promotion Center) và nền tảng hỗ trợ xuất khẩu nông lâm thủy sản – thực phẩm tại Việt Nam tổ chức sự kiện quảng bá trái cây Nhật Bản.
Phát biểu tại sự kiện, ông Seiki Furudate – Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM – cho biết Nhật Bản có 3 loại trái cây tươi là táo, lê và quýt được xuất khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, lê Nhật Bản đang hết mùa nên chỉ có táo và quýt – những sản phẩm được đánh giá cao trên thế giới về chất lượng.
Theo ghi nhận, táo Nhật Bản trên thị trường có 3 loại chính là: Fuji – khoảng 300.000 đồng/kg, táo vàng Kinsei – khoảng 600.000 đồng/kg và táo đỏ Sekaiichi – khoảng 800.000 đồng/kg. Trong đó, táo đỏ Sekaiichi có kích thước khổng lồ, từ 350 – 800 g, nên mức giá phổ biến từ 500.000 đồng/quả, cá biệt có những quả kích cỡ trên 1 kg nên giá đến tiền triệu. Đối với quýt Unshu Nhật Bản, giá bán phổ biến 500.000 – 600.000 đồng/kg, 10 – 12 quả/kg, vỏ mỏng, dễ bóc và không hạt.
Ông Yuya Arashima, Giám đốc điều hành Star Kitchen – kinh doanh trái cây Nhật Bản tại Trung tâm Thương mại Takashimaya (TP HCM), nhìn nhận trái cây Nhật Bản có giá cao hơn so với các loại trái cây khác trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trái cây Nhật Bản có hương vị và vẻ ngoài hoàn hảo, đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn làm quà tặng, đặc biệt là dịp lễ, Tết. “Nhu cầu trái cây cao cấp của người Việt rất lớn. Chúng tôi mong muốn được mở cửa 2 loại quả của Nhật Bản là nho và dâu tây chính thức vào thị trường Việt Nam” – ông Yuya Arashima nói.
Bên lề sự kiện, nhân viên hệ thống cửa hàng Klever Fruit giới thiệu giỏ quà trái cây đựng trong hộp gỗ có tên “Quà sang Tết rồng” với giá 8 triệu đồng. Giỏ quà có 2 kg cherry New Zealand đựng trong hộp gỗ, 2 kg nho mẫu đơn Hàn Quốc, 1 quả dưa lưới giống Nhật Bản trồng tại Lâm Đồng và 6 quả táo Nhật Bản. Nhân viên này cho biết trái cây cao cấp rất được thị trường săn đón, nhất là làm quà tặng.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Tổng Giám đốc hệ thống cửa hàng Klever Fruit, trên thị trường Việt Nam có một số loại quả có hình thức và bao bì tương tự trái cây Nhật Bản khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Do đó, Nhật Bản đã giới thiệu các nhà nhập khẩu, các điểm phân phối và công bố tem nhãn “Trái cây Nhật Bản” để người tiêu dùng nhận diện.
Mặt hàng chiến lược để thu hút khách
Nhận xét về thị trường trái cây ngoại Tết 2024, ông Lê Viết Sĩ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tú Phượng Tony, dự báo sản lượng giảm gần 10% so với năm ngoái do sức mua yếu. “Các nhà nhập khẩu hiện không dám cam kết về sản lượng với nhà xuất khẩu nước ngoài mà bán đến đâu nhập đến đó. Trừ trái cây Nhật Bản, hầu hết trái cây nhập khẩu năm nay có giá thấp hơn các năm” – ông Sĩ nói.
Tết này, bên cạnh lượng lớn sản phẩm được các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp nhập về bán, một số nhà bán lẻ cũng tăng cường nhập khẩu trực tiếp để đưa ra phân phối. Đơn cử, hệ thống Kingfoodmart đang giới thiệu lô cherry Tasmania “khổng lồ” size 26-28+ và size 34++ nhập khẩu trực tiếp từ Úc. Đại diện Kingfoodmart cho biết trong đợt nhập khẩu và bán thử nghiệm đầu tiên kéo dài đến ngày 24-1, Kingfoodmart đã nhập 1 tấn cherry Tasmania. Cherry Tasmania size 26-28+ được bán với giá dùng thử chỉ 99.000 đồng/hộp 250 g, size 34++ chỉ 245.000 – 275.000 đồng/hộp 220 g. Ngoài ra, hệ thống siêu thị này còn mở bán cherry hàng thùng 2 kg nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng mua làm quà biếu Tết.
Các hệ thống siêu thị MM Mega Market, Central Retail, Emart, AEON, Lotte Mart, Co.opmart… cũng trực tiếp nhập một số loại trái cây phổ biến, chủ yếu là táo từ Ba Lan, Ai Cập, Pháp, New Zealand… Theo các siêu thị, tiêu thụ mạnh nhất trong thời gian gần đây là các loại táo phân khúc giá dưới 60.000 đồng/kg. Với chiến lược bán táo không lợi nhuận để thu hút khách, hệ thống siêu thị Big C, Tops Market, GO!, MM Mega Market… thường xuyên khuyến mãi táo Nam Phi với giá 49.000 đồng/kg, thậm chí 38.000 – 39.000 đồng/kg vào các ngày cuối tuần.
Ông Lê Hữu Tình, quản lý cấp cao marketing Công ty TNHH Thiso Retail (sở hữu siêu thị Emart), cho biết năm nay một số mặt hàng như táo Gala dù được mùa nhưng do tình hình căng thẳng ở biển Đỏ khiến đường đi của hàng hóa ách tắc, cước vận chuyển tăng nên giá bán cũng tăng theo. Ngoài ra, hơn 1 năm qua do kinh tế khó khăn, những nhà nhập khẩu lớn không dám mạnh tay đặt hàng về, chỉ đặt một ít hàng chủ lực và ít rủi ro. “Thay vì đưa táo Mỹ, nho xanh về Việt Nam bằng đường biển sẽ chậm trễ, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm và mùa vụ kinh doanh, nhà nhập khẩu chọn đi đường hàng không. Do đó, phân khúc hàng hóa sẽ ít có sự đa dạng, một số mặt hàng sẽ có giá cao” – ông Tình thông tin.
Đối với trái cây sử dụng hằng ngày, ông Phạm Thiện Hoàng, giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu trái cây, cho rằng hàng Trung Quốc đang áp đảo nhờ giá rẻ, chất lượng và mẫu mã được cải thiện đáng kể thời gian gần đây. Các loại táo, cam, quýt, kiwi… Trung Quốc không chỉ được bán ở chợ mà còn vào kênh cửa hàng, siêu thị khá nhiều.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 5,6 tỉ USD mặt hàng rau quả nhưng chỉ nhập khẩu 1,96 tỉ USD, xuất siêu hơn 3 tỉ USD. Dịp Tết, trái cây ngoại được chọn làm quà biếu nhiều bởi yếu tố mới lạ và sang trọng. Trái cây trong nước ít được dùng để biếu. “Chẳng hạn, tại Việt Nam thì sầu riêng khá bình thường nhưng đang là quà tặng hạng sang và thời thượng ở Trung Quốc” – ông Nguyên so sánh. |