Theo Đại sứ Phạm Trường Giang, thị trường Chile chưa đòi hỏi khắt khe về chất lượng hàng hóa như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước thuộc EU và đây là một thuận lợi lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Ngày 17/1, Đại sứ Việt Nam tại Chile Phạm Trường Giang, cho biết Chile là thị trường xuất khẩu tiềm năng của các mặt hàng tiêu dùng Việt Nam, bởi trong những năm gần đây mức sống của người dân nước này tăng cao.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Nam Mỹ, Đại sứ Phạm Trường Giang nhấn mạnh Chile, quốc gia năng động trong hợp tác kinh tế quốc tế, là một trong những quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Việt Nam, và hai nước đã tận dụng hiệu quả thỏa thuận này.
Kim ngạch giao thương hàng hóa giữa hai nước luôn đứng đầu trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong giai đoạn 2019-2023.
Trong năm 2023, giá trị xuất khẩu nhập giữa Việt Nam và Chile vượt 1,4 tỷ USD, giảm hơn 15% so với mức kỷ lục 1,7 tỷ USD của năm 2022 và gần tương đương năm 2021.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử; máy móc các loại; hàng dệt, may và giày dép các loại.
Cũng theo Đại sứ Phạm Trường Giang, thị trường Chile chưa đòi hỏi khắt khe về chất lượng hàng hóa như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và đây là một thuận lợi lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Hai nước cũng có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực hydro xanh cũng như năng lượng tái tạo như điện gió và điện Mặt Trời. Năng lượng tái tại ở Chile chiếm 40% tổng sản lượng điện và 13% hydro xanh của thế giới được sản xuất từ miền Nam nước này.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể đa dạng nguồn cung vật liệu sản xuất với các đối tác xuất khẩu gỗ, đồng và lithium của Chile.
Hai nước tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác truyền thống và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn và hoạt động của các tổ chức quốc tế. Hiện Việt Nam và Chile đều là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Trong năm 2023, hai bên đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi cấp cao bên lề các hoạt động quốc tế lớn. Tổng thống Gabriel Boric bày tỏ mong muốn thăm Việt Nam, theo Đại sứ Phạm Trường Giang.
Nhân dịp kỷ niệm 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023, cựu Tổng thống Chile, Michelle Bachelet, đã sang thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy một số dự án hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với quận Cerro Navia, nơi đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thăm Chile cuối tháng Chín vừa qua, đánh dấu một mốc mới trong quan hệ đối ngoại nghị viện giữa Việt Nam và Chile.
Trong năm 2024, hai bên sẽ tiếp tục duy trì, luân phiên tổ chức các vòng Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Ngoại giao và phiên họp của Hội đồng Thương mại tự do./.