Xe điện chuyên chở học sinh, cơ hội mới cho ngành vận tải?

Cơ hội mở ra cho ngành ô tô điện khi Bộ GTVT công bố Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, gồm những yêu cầu riêng về an toàn kỹ thuật cho xe đưa đón học sinh nhằm bảo đảm an toàn ở mức tối đa.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô. Đáng chú ý, nội dung dự thảo quy chuẩn mới về xe ô tô bổ sung loại hình xe chở học sinh, với những yêu cầu riêng về an toàn kỹ thuật, nhằm bảo đảm an toàn ở mức tốt nhất trong hoạt động vận chuyển học sinh. Theo Dự thảo, xe chở học sinh phải đáp ứng các yêu cầu riêng từ màu sắc nhận diện đến cấu trúc bảo đảm an toàn, hệ thống giám sát bên trong và ngoài xe, hệ thống báo động khẩn cấp.

Xét về mặt bằng chung tại Việt Nam, gần như tất cả các trường học hiện nay đều đang sử dụng những loại xe khách thông thường từ 9 đến 60 chỗ cho việc đưa đón học sinh. Những loại xe này đều được sản xuất dưới dạng xe chở khách thông thường trên quãng đường dài, không phải loại xe được sản xuất riêng với mục đích đưa đón học sinh, vậy nên không đáp ứng đủ những tiêu chuẩn về an toàn và hình dạng phân biệt như trong Dự thảo mà Bộ GTVT vừa đưa ra.

https://diendandoanhnghiep.vn/xe-dien-chuyen-cho-hoc-sinh-co-hoi-moi-cho-nganh-van-tai-258161.html

Bên cạnh đó, việc quản lý tài xế cũng chưa được ban lãnh đạo các nhà trường thực hiện nghiêm ngặt, do đó việc kiểm soát chất lượng cũng như chuyên môn của lái xe vẫn chưa thực sự đồng đều và gắt gao. Theo chia sẻ của của chị Thanh Bình (Hà Nội), chị có con trai đang theo học tại một trường tiểu học dân lập trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Do khoảng cách từ nhà đến trường là khá xa, chị đăng ký cho con trai đi học bằng xe tuyến của nhà trường. Tuy nhiên, không ít lần chị phải tự xoay xở do trường hợp hi hữu xảy ra, điển hình như việc phải đón con giữa đường đi học về, do xe tuyến của trường bị thu giữ, vì tài xế không xuất trình được bằng lái khi lực lượng chức năng kiểm tra.

Trong tương lai, việc dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô được thông qua, sẽ mở ra một “cánh cửa” mới cho ngành vận tải. Thay vì tu sửa, cải tạo những chiếc xe khách đã có sẵn để phù hợp với quy định dành cho xe đưa đón học sinh, việc đầu tư một hệ thống xe đạt chuẩn có lẽ sẽ là hướng đi mà hầu hết các trường học nhắm đến, bởi nhu cầu sử dụng xe tuyến đưa đón đang ngày một tăng cao. Ngoài ra, trong thời kì xe điện đang ngày càng phát triển, việc thay thế hệ thống xe xăng hoàn toàn bằng xe sử dụng năng lượng điện, chắc chắn là giải pháp được nhiều trường học tính đến, bởi hiệu quả trong việc giảm thiểu chi phí và thân thiện với môi trường.

Theo Blue Bird, một công ty chuyên sản xuất xe buýt chuyên chở học sinh tại Mỹ, khí thải từ xe buýt chạy bằng xăng khiến là một trong những tác nhân gây ra nhiều bệnh lý và hạn chế sự phát triển nhận thức ở trẻ em. Thêm vào đó, xe buýt sử dụng xăng sẽ thải ra khí nhà kính góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Cũng theo nhà sản xuất này, xe buýt chạy điện là giải pháp thay thế sạch hơn, an toàn hơn và chi phí vận hành thấp hơn với chỉ khoảng 2.000 đồng/km so với 7.500 đồng/km cho nhiên liệu xăng.

Những lợi ích mà xe điện mang lại là tiền đề rất lớn cho phân khúc xe điện chuyên chở học sinh. Trên thực tế, xe buýt điện Vinbus chính là ví dụ điển hình cho sự thành công của vận tải sử dụng nhiên liệu điện, từ đó cho thấy việc đầu tư sản xuất xe buýt điện chuyên chở học sinh đối với các doanh nghiệp là điều hoàn toàn khả thi.

Xe buýt điện Vinbus là minh chứng cho sự khả thi cho việc chuyển đổi xe đưa đón học sinh từ nhiên liệu xăng sang điện.

Bên cạnh tương lai đầy “hứa hẹn” cho xe chở học sinh chạy điện, vẫn còn những lo ngại về chi phí đầu tư khi giá một chiếc xe buýt điện được cho là rất cao, gấp 3-4 lần một chiếc xe buýt sử dụng xăng. Theo số liệu từ Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) dự toán, để chuyển đổi gần 1.100 xe buýt chạy xăng thành xe buýt sử dụng nhiên liệu điện, cần mức ngân sách là 21.000 tỷ đồng. Đây là một con số “khổng lồ” có thể khiến các đơn vị giáo dục lo ngại khi quyết định đầu tư. Tuy nhiên, lại là cơ hội cho các đơn vị vận tải triển khai dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe buýt điện đạt tiêu chuẩn, từ đó các trường học không cần đầu tư trực tiếp phương tiện mà có thể kết hợp với bên thứ ba để triển khai dịch vụ đưa đón học sinh, với hệ thống xe đạt chuẩn, đội ngũ tài xế được đào tạo, đầy đủ bằng cấp từ đó mang lại lộ trình đến trường an toàn.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp