Thị trường mua bán hàng hóa tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), các sàn trực tuyến (hay còn được gọi nôm na là chợ mạng) đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá bán, cước vận chuyển. Cuộc đua chưa có hồi kết này đang mang đến nhiều ưu đãi cho người mua, nhưng cũng là ván cờ nghiệt ngã đối với các nhà sản xuất, nhà kinh doanh, tiểu thương có quy mô nhỏ lẻ.
Các nhà sản xuất, nhà kinh doanh trong nước còn bị sức ép lớn với hàng giá rẻ từ Trung Quốc bởi người mua dễ dàng đặt hàng của nước này qua một cú nhấp chuột trên các sản TMĐT trong nước.
Cuộc đua cạnh tranh khốc liệt trên sàn TMĐT đã đẩy hơn 105.000 nhà bán hàng bật ra khỏi thị trường trong năm vừa qua.
Người tiêu dùng mua được sản phẩm giá thấp
Vốn thích mua sắm các sản phẩm gia dụng và trang trí nhà cửa, chị Thanh Mỹ ở quận Bình Thạnh (TPHCM), cho biết thỉnh thoảng chị tìm mua những mặt hàng nồi chảo, máy sinh tố, máy xay, máy ép… để công việc bếp núc mỗi ngày dễ dàng và thuận lợi hơn. Tuy nhiên tại các cửa hàng bán đồ gia dụng lại không có hàng hóa đa dạng, hoặc có hàng nhưng với mức giá khá cao.
Do vậy, chị dạo trên các sàn TMĐT hoặc ở các cửa hàng online của các nhãn hàng với hàng hóa đa dạng và có giá cạnh tranh hơn. Một điều thú vị với chị Mỹ khi mua hàng bằng các cú nhấp chuột là canh mua hàng ở những khung giờ có chương trình giảm giá hoặc có giá tốt của các cửa hàng hoặc sàn TMĐT.
Nhờ vậy mà chị thường mua được những sản phẩm gia dụng từ các thương hiệu nổi tiếng như Green Cook, Lock & Lock, Philips… có giá thành rẻ hơn từ 10 – 40% so với giá niêm yết hoặc giá bán tại các cửa hàng vật lí.
Hiện nay, trên các sàn TMĐT như Lazada, Tiki, Shopee… đều có các gian hàng của các thương hiệu đồ gia dụng chính hãng và được chủ các thương hiệu bảo hành sản phẩm nên người tiêu dùng khá yên tâm.
Còn nhân viên văn phòng Mai Vân ở quận Tân Bình thì thường thu thập các loại phiếu mua hàng, mã giảm giá để có thể mua được sản phẩm hóa mỹ phẩm, đồ thời trang… với giá thành thấp hơn so với các cửa hàng trưng bày hoặc giá niêm yết của các công ty.
Theo chị Vân, các cửa hàng online đều có mã riêng cho từng thời điểm, nếu thường xuyên vào xem và lưu mã thì có thể mua được các mặt hàng chính hãng có giá thật tốt. Thậm chí, các sàn TMĐT, chủ cửa hàng online còn chủ động gửi mã giảm giá, phiếu mua hàng ưu đãi vào email, tín nhắn của khách hàng nên khá thuận lợi.
Trong khi đó, chị Quỳnh Thư lựa chọn các buổi livestream bán hàng của các cửa hàng online để mua được những món hàng cần thiết khi sử dụng. Xem các buổi livestream, chị Thư hiểu được nhiều chức năng, thông tin sản phẩm một cách chi tiết, và nếu nhanh tay thì còn có thể mua được hàng với giá ưu đãi và rất cạnh tranh.
Việc mua sắm online đã trở thành xu hướng và ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi tính tiện lợi cùng với nhiều ưu đãi và đặc biệt có giá cạnh tranh. Không chỉ vậy, các hình thức mua sắm trực tuyến cũng đang có nhiều thay đổi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Điều này dẫn đến bán hàng online có xu hướng ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Nhà kinh doanh nhỏ đuối sức
TMĐT đang dần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, trở thành kênh mua sắm đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bên cạnh hình thức mua sắm truyền thống. Đây được xem là một thị trường lớn đầy tiềm năng và không thể thiếu đối với công việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, các nhà kinh doanh và nhà sản xuất ngày càng tăng cường đẩy mạnh kênh bán hàng online.
Do đó doanh thu từ kinh doanh trực tuyến tăng mạnh. Theo ước tính của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỉ đô la, tăng khoảng 4 tỉ đô la (tương đương 25%) so với năm 2022.
Tổng doanh thu 5 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) năm 2023 tăng 53,4% so với 2022, đạt 233,2 ngàn tỉ đồng, với 2,2 tỉ đơn vị sản phẩm được bán ra. (Nguồn: Metric) |
Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce) cũng cho thấy tổng doanh thu 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) năm 2023 đã tăng 53,4% so với cùng kỳ 2022 – mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.
Dù vậy, bán hàng online không còn là mảnh đất dễ kiếm lời đối với các nhà bán hàng và bị cạnh tranh gay gắt.
Trong bối cảnh thị trường chận chậm khởi sắc, Công ty Liên kết Thương mại Toàn Cầu (thương hiệu cà phê trái cây Meet More) thời gian quan chọn TMĐT để tập trung phát triển thị phần.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám điều hành công ty, cho biết phần lớn doanh thu của công ty trong những tháng gần đây đến từ kênh bán hàng online. Tuy nhiên, lợi nhuận thu về từ kênh này không đáng kể. Bởi lẽ chi phí bán hàng trực tuyến rất cao nên nếu không tính toán kỹ rất dễ rơi vào tình trạng không có lợi nhuận, thậm chí bị hụt giá vốn.
Theo các chủ cửa hàng online, trước đây, các sàn miễn phí cho nhà bán toàn bộ và tặng mã giảm giá đơn hàng, phí vận chuyển… nên khách đặt mua nhiều nhưng hiện nay sàn đặt ra rất nhiều loại phí dẫn đến việc kinh doanh giảm sút và không còn lợi nhuận, thậm chí nhiều đơn hàng bị lỗ do bị chủ sàn trừ phí.
Chi phí bán hàng trên sàn ngày càng tăng, một số sàn tăng phí liên tục, và có sàn tăng phí 4 lần/năm cùng nhiều khoản phí khác khiến lợi nhuận của nhà kinh doanh ngày càng mỏng và thậm chí thua lỗ.
Đáng chú ý, mức độ cạnh tranh trên các sàn TMĐT được cho là vô cùng gay gắt khi cùng một loại sản phẩm có tới hàng trăm doanh nghiệp, cửa hàng đăng bán. Cuộc cạnh tranh giá bán trên sàn TMĐT được các doanh nghiệp nhận định rất khốc liệt mà mà chỉ cần giá chênh nhau 0,5% là khách hàng có thể lựa chọn một nhà cung cấp khác.
Mặt khác, hiện nay, mua hàng online từ nước ngoài, đáng chú ý là từ Trung Quốc về Việt Nam thông qua các kênh Shopee, TikTok, Lazada… rất dễ dàng. Hàng hóa đa dạng, giao hàng nhanh kèm theo phí ship rẻ hoặc miễn phí đang là những điểm cộng khiến khách hàng ưu tiên lựa chọn chốt đơn mua hàng từ Trung Quốc. Hiện đến cái ốp lưng điện thoại, cục xà phòng, chai sữa tắm…, người Việt cũng đặt mua từ gian hàng của nước láng giềng.
Do cạnh tranh không hiệu quả dẫn đến nhiều cửa hàng online ngưng hoạt động. Theo báo cáo của Metric, dù doanh số năm 2023 của 5 sàn TMĐT gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng trong năm qua, thị trường tiếp tục chứng kiến việc rút khỏi thị trường của nhà bán.
Cụ thể do tính chất cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, theo Metric, trong năm 2023, có tới hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường.
Ở góc độ người trong cuộc, đại diện một sàn TMĐT cũng cho rằng đang diễn ra cuộc sàng lọc các nhà bán hàng trên thị trường online. Và theo quy luật, người bán hàng quy mô nhỏ sẽ dần bị loại. Ngoài ra, cũng có không ít nhà bán chủ động bỏ sàn TMĐT, chuyển hẳn sang kinh doanh trên mạng xã hội để né thuế, dẫn đến tỉ lệ nhà bán rời sàn tăng lên.
Điều này cho thấy các nhà bán nhỏ lẻ và không chuyên nghiệp sẽ dần bị loại ra khỏi thị trường, lợi nhuận sẽ đổ về những nhà bán thật sự chuyên nghiệp và có đầu tư cho việc bán hàng trên sàn TMĐT.
Trước thực tế hơn 105.000 nhà bán hàng bị loại khỏi thị trường, các chuyên gia TMĐT về bán lẻ khuyến cáo các nhà kinh doanh, doanh nghiệp cần có nhân sự chuyên trách về TMĐT, quản lý và khai thác tốt dữ liệu khách hàng. Ngoài ra, trước rủi ro về việc bị khóa cửa hàng, các thương hiệu phải duy trì sự hiện diện của mình ở tất cả các sàn, trên mạng xã hội và xây dựng website riêng…
“Muốn kinh doanh online hiệu quả, cần có sự khác biệt để thu hút khách. Phải có kế hoạch dài hơi, từ sản phẩm chất lượng đến dịch vụ tốt để tích lũy uy tín nhà bán hàng, xây dựng được lượng khách hàng trung thành…”, Giám đốc một doanh nghiệp bán hàng online chia sẻ kinh nghiệm.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ở thị trường nội địa dù gặp sức cạnh tranh lớn đến từ các đơn vị nước ngoài nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn có những lợi thế nhất định đặc biệt về việc thấu hiểu tâm lý khách hàng.
Dự báo trong năm 2024, doanh thu trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh ở mức 35%, đạt khoảng 310.000 tỉ đồng.