Một trong những dự án lớn được UBND TPHCM đưa ra tại hội nghị kêu gọi đầu tư vì sự tăng trưởng xanh (do UBND TPHCM và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức chiều 24/1) là xây dựng đô thị các bon (carbon) thấp cho các lĩnh vực ưu tiên.
Vừa giảm phát thải, vừa tăng nguồn thu
Ông Marc Forni – chuyên gia trưởng phụ trách Năng lực thích ứng đô thị của WB – thông tin, dự án được nhóm công tác chung giữa TPHCM và WB xây dựng trong 18 tháng qua, gồm các giải pháp: nâng cấp lên đèn đường LED, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, trang bị thêm thiết bị tiết kiệm năng lượng, chuyển sang phương tiện giao thông chạy bằng điện.
Theo ông, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị xanh và bền vững, giảm cường độ biến đổi khí hậu, chính quyền TPHCM cần có những giải pháp mang tính tổng thể, giải quyết được các vướng mắc về mặt tài chính cho cả khu vực công và tư. Các nước phát triển thường có chính sách khuyến khích về thuế cho khu vực tư nhân nhằm thúc đẩy việc triển khai các giải pháp xanh.
Tuy nhiên, các nước đang phát triển như Việt Nam thường có ngân sách eo hẹp nên khó đưa ra các chính sách này. Trong bối cảnh đó, tài chính các bon là một giải pháp khả thi để thu hút vốn đầu tư của nước ngoài cho các dự án giảm phát thải các bon trong nước và chính quyền TPHCM có thể vận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH15 để triển khai.
Theo tính toán của WB, trên quy mô toàn thế giới, giao dịch các bon có thể tạo điều kiện loại bỏ thêm 50% lượng khí phát thải (khoảng 5 tỉ tấn CO2 mỗi năm vào năm 2030) mà không mất thêm chi phí; nguồn thu từ tín chỉ các bon có thể đóng góp từ 22% (đối với điện mặt trời trên mái) đến 42% (đối với thiết bị tiết kiệm năng lượng) chi phí đầu tư ban đầu.
Chính quyền TPHCM có thể tạo ra nguồn thu thông qua việc bán tín chỉ các bon được tạo ra từ mức giảm phát thải của dự án, giúp bù lại chi phí đầu tư ban đầu, góp phần tăng tính khả thi về mặt tài chính cho các dự án giảm phát thải, từ đó tiết kiệm chi phí cho quá trình xanh hóa thành phố.
Chuyên gia Phạm Đăng An – Giám đốc Công ty VP Carbon Solutions, Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group – đánh giá, thị trường các bon trên thế giới đang phát triển rất sôi động. Giá trị thị trường tuân thủ toàn cầu đã đạt trên 850 tỉ USD, còn thị trường tự nguyện đạt khoảng 2 tỉ USD.
Trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực bám sát các mục tiêu khí hậu, với khoảng 150 quốc gia cam kết đạt mức phát thải các bon bằng 0 (net zero) vào năm 2050 và ngày càng nhiều doanh nghiệp đặt ra mục tiêu, lộ trình để đạt mức phát thải ròng bằng 0, thị trường tín chỉ các bon được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn nữa trong thời gian tới. Đến năm 2030, thị trường tín dụng các bon tự nguyện có thể trị giá hơn 50 tỉ USD.
Ông cho hay, ở Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ các bon rất lớn, có thể khai thác từ lâm nghiệp, nông nghiệp, nước sạch, giao thông xanh, hiệu quả năng lượng… Việc WB đã chi 51,1 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng) để mua 10,3 triệu tín chỉ các bon rừng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 là tín hiệu rất tích cực để hướng đến thành lập sàn giao dịch tín chỉ các bon. TPHCM có nhiều huyện – đặc biệt là Cần Giờ – có thể khai thác tiềm năng tín chỉ các bon từ rừng.
Có thể bắt đầu từ Cần Giờ
Theo ông Nguyễn Văn Hồng – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ – với diện tích tự nhiên 71.361ha, chiếm 1/3 diện tích TPHCM, trong đó có 34.000ha rừng ngập mặn, Cần Giờ được lãnh đạo TPHCM định hướng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường. Để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, trong đó Cần Giờ tiên phong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2035, UBND huyện đang nghiên cứu và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trên các lĩnh vực kinh tế, du lịch, môi trường, giao thông, năng lượng…
Phó giáo sư, tiến sĩ Phùng Chí Sỹ – Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam – đánh giá, tiềm năng xây dựng tín dụng các bon của Cần Giờ là rất lớn. Theo dự tính, rừng ở Cần Giờ có thể hấp thụ gần 11 triệu tấn CO2/ha và có giá trị trao đổi CO2 khoảng 77 triệu USD/ha/năm. Trong tương lai, việc phát triển các dự án lớn ở huyện Cần Giờ như dự án cảng trung chuyển, điện gió, đô thị lấn biển… có thể làm tăng lượng khí thải, giảm lượng khí hấp thụ như đã tính toán. Do đó, ngay lúc này, cần phải tăng lượng rừng trồng, kiểm kê lại diện tích rừng giàu, rừng trung bình và rừng nghèo kiệt để tính toán được diện tích, lượng cây cần trồng.
Theo ông, ngoài rừng Cần Giờ, TPHCM còn có thể phát triển thị trường tín chỉ các bon từ việc thay toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng công cộng bằng đèn năng lượng mặt trời, thay phương tiện chạy xăng bằng chạy điện, thay phương pháp chôn lấp rác bằng đốt rác phát điện, thay sử dụng gạch nung bằng gạch không nung trong lĩnh vực xây dựng, chuyển đổi công nghệ sản xuất ở lĩnh vực công nghiệp…
Nhưng để xây dựng được thị trường tín chỉ các bon, giúp doanh nghiệp kiếm được lợi nhuận và giúp TPHCM đạt mục tiêu giảm khí phát thải 10% trong năm 2030, bước đi đầu tiên là phải kiểm kê khí nhà kính trong từng lĩnh vực (có 6 lĩnh vực gồm năng lượng cố định, xây dựng, giao thông, nông nghiệp, xử lý chất thải, công thương), xem tổng lượng phát thải trong từng lĩnh vực là bao nhiêu.
Bước thứ hai là phải có kế hoạch giao nhiệm vụ giảm phát thải khí các bon cho từng ban, ngành để tổng số lượng khí phát giảm 10%.
Cũng theo ông Phùng Chí Sỹ, chính quyền TPHCM cần có khung tiêu chuẩn, chính sách cụ thể, xây dụng sàn giao dịch tín chỉ các bon để khuyến khích doanh nghiệp tham gia. “Hiện nay, không ít chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam tư vấn mức chi phí là 1 tỉ đồng/năm nhưng doanh nghiệp không dám thực hiện vì sợ rủi ro, không biết có thu lại được lợi nhuận hay không” – ông nói.
WB sẽ hỗ trợ TPHCM phát hành tín chỉ các bon
TPHCM đã được phê duyệt cơ chế đặc thù (theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội). Nếu tận dụng cơ chế này, có thể phát triển thị trường tín chỉ các bon để bán ra nước ngoài, thực hiện được cam kết giảm phát thải CO2, tạo thêm được dòng doanh thu, thu hút được nguồn vốn nước ngoài. Để thu hút nguồn đầu tư tư nhân vào chuỗi cung ứng, chính quyền TPHCM nên mở rộng cơ chế để khối tư nhân tham gia. Có thể thực hiện các sáng kiến tương đối dễ như tăng hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời của các tòa nhà thương mại tư nhân, chuyển đổi các phương tiện giao thông chạy bằng điện. Hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân đã thực hiện việc giảm phát thải các bon nhưng tín chỉ này còn phân tán, nhỏ, tốn chi phí giao dịch. WB sẽ giúp TPHCM tổng hợp lại các tín chỉ các bon với quy mô đủ lớn để bán ra thị trường quốc tế nhằm giảm chi phí giao dịch, thu hút được tài chính xanh hỗ trợ cho các dự án đầu tư mới trong tương lai. Bà Carolyn Turk – Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương |
Đề xuất hình thành khu công nghệ cao net zero
Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) là 1 trong 3 khu công nghệ cao quốc gia góp phần trực tiếp vào việc nâng cao năng lực công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ trọng yếu như bán dẫn, sinh học, nano, vật liệu mới, nhằm góp phần phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và mũi nhọn cho đất nước. SHTP được định hướng đến năm 2030 trở thành khu công viên khoa học và công nghệ chuẩn mực quốc tế, đến năm 2045 trở thành tiểu khu đô thị khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạt nhân của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TPHCM. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với xu hướng phát triển bền vững, SHTP đặt mục tiêu thực hiện đồng thời chuyển đổi số và chuyển đổi xanh (twin tranformation: digital and green tranformations) hướng đến mục tiêu xây dựng SHTP thành khu đô thị xanh và thông minh (smart and net-zero city) kiểu mẫu của cả nước. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi chú trọng thu hút các dự án đầu tư trong các ngành công nghệ cao, tập trung vào các công đoạn, các khâu có giá trị gia tăng cao; cạnh tranh dựa trên cơ sở nguồn nhân lực trình độ cao, năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng các tiêu chí đánh giá đầu vào để tuyển chọn dự án đầu tư phù hợp với định hướng. SHTP đề xuất cấp thẩm quyền xem xét cho phép thí điểm tại SHTP các công nghệ mới phù hợp định hướng twin transformations; đề xuất chính quyền TPHCM và WB xem xét xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm và lộ trình xây dựng SHTP trở thành khu đô thị xanh và thông minh đầu tiên của Việt Nam trước năm 2030. Ông Nguyễn Anh Thi – Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao TPHCM |