Bên cạnh sản xuất để xuất khẩu, đầu tư doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam ngày càng có khuynh hướng khai thác thị trường nội địa và phát triển những sản phẩm công nghệ cao, giá tăng giá trị, sử dụng công nghệ hiện đại hơn…
Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, chia sẻ với KTSG Online về khuynh hướng đầu tư và những khuyến nghị của nhà đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam qua một khảo sát gần đây của JETRO.
Nhu cầu mở rộng đầu tư có chiều hướng giảm
KTSG Online: Kết quả khảo sát gần đây của JETRO cho thấy Việt Nam là nước duy nhất trong số 6 nước ASEAN có tỷ lệ lớn doanh nghiệp Nhật Bản trả lời về nhu cầu mở rộng đầu tư kinh doanh bị sụt giảm so với năm trước đó. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Nobuyuki Matsumoto: Khảo sát của JETRO về phương hướng triển khai kinh doanh trong 1-2 năm tới cho thấy 56,7% trong số 849 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trả lời hợp lệ rằng họ sẽ “mở rộng” đầu tư kinh doanh, giảm 3,3 điểm so với năm trước đó. Việt Nam là nước duy nhất trong 6 nước Đông Nam Á “chủ chốt” có tỷ lệ dự kiến mở rộng giảm.
Tính theo ngành, tỷ lệ doanh nghiệp ngành chế tạo trả lời “mở rộng” giảm 7,3 điểm so với năm trước đó, trong khi ngành phi chế tạo giảm 0,4 điểm.
Khảo sát còn cho thấy số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng có lãi là 54,3%, giảm 5,2 điểm so với năm trước, tương đương năm 2021 khi còn trong dịch Covid-19. Đây là năm thứ ba liên tiếp thấp hơn mức bình quân 60,9% của ASEAN. Tỷ lệ “có lãi” những năm 2017-2019 trước dịch Covid-19 luôn trên dưới 65%, vượt mức bình quân của ASEAN.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng kinh tế thế giới bị đình trệ và lạm phát tăng cao; nhu cầu thị bị sụt giảm nên doanh nghiệp Nhật Bản còn dè chừng. Đáng chú ý, tiền Yên bị sụt giảm, doanh nghiệp Nhật Bản cũng hơi dè dặt khi đầu tư ra nước ngoài.
Một thông tin đáng chú ý khác trong khảo sát còn cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam trả lời “thu hẹp” hoặc “rút lui hay di chuyển sang nước (khu vực) thứ 3” là 2,5%, tăng 1,4 điểm so với năm trước đó.
Đâu là những lo ngại của nhà đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam hiện nay, thưa ông?
Nhiều doanh nghiệp cho rằng lý do kinh doanh xấu đi trong năm vừa qua là do sự sụt giảm nhu cầu trong và ngoài nước còn vượt xa sự gia tăng chi phí nhân công và mua nguyên vật liệu.
Những rủi ro khác khiến họ còn dè dặt để mở rộng kinh doanh như sự phức tạp trong các thủ tục hành chính và thủ tục thuế; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện.
Các vấn đề liên quan đến xin visa, giấy phép lao động cho người nước ngoài, hạ tầng điện lực… được doanh nghiệp phản hồi yêu cầu cao hơn so với các nước khác trong khối ASEAN. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng trong nước lại yếu kém hơn.
Những tồn tại về môi trường kinh doanh cùng với việc sụt giảm kế hoạch mở rộng đầu tư có là vấn đề đáng lo ngại, thưa ông?
Dù giảm so với năm trước đó nhưng với 56,7% doanh nghiệp khảo sát trả lời có kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh vẫn là một tỷ lệ cao. Tính ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà JETRO khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ, Bangladesh và Lào.
Mặt khác, trong năm 2023, vốn đầu tư cam kết của Nhật Bản ở Việt Nam vẫn cao thứ hai, chỉ sau Singapore. JETRO hiện có 75 văn phòng đại diện khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng văn phòng tại TPHCM bận rộn thứ hai về nhu cầu tìm hiểu môi trường đầu tư – kinh doanh, sau văn phòng tại Bangkok (Thái Lan)…
Do đó vấn đề sụt giảm tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh là không quá đáng ló ngại. Tôi tin rằng, nếu chính phủ và các địa phương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và khi đồng Yên phục hồi trở lại thì các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, và những nhà đầu tư đã tìm hiểu về môi trường kinh doanh trước đây sẽ trở lại nhiều hơn.
Gia tăng khai thác thị trường tại chỗ
Chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu trong nước luôn là nỗi than phiền của doanh nghiệp Nhật Bản trong nhiều năm qua. Khảo sát lần này đã sự cải thiện hơn chưa, nhất là các nhà sản xuất thế giới ngày càng muốn đa dạng chuỗi cung ứng sau dịch Covid-19?
Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam thu mua tại chỗ đạt 41,9% (tăng 4,6 điểm so với khảo sát năm trước) và thu mua từ các công ty địa phương là 17,2% (tăng 2,2 điểm so với năm 2022).
So với 10 năm trước, tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam đã tăng gần 10%. So với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, và Indonesia vẫn ở mức thấp nhưng tốc độ tăng trưởng 10 năm qua Việt Nam đứng thứ hai sau Ấn Độ.
Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư quan trọng ở khu vực ASEAN khi các công ty Nhật Bản tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện doanh nghiệp Nhật Bản vẫn có động lực cao trong thúc đẩy hoạt động thu mua tại chỗ, đồng thời kỳ vọng vào sự đào tạo, phát triển hơn nữa đối với ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, có 43,2% doanh nghiệp phản hồi sẽ mở rộng mua nguyên vật liệu, linh phụ kiện tại chỗ ở Việt Nam trong 1-2 năm tới, cao hơn nhiều so với mức trung bình 28,8% của khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, tỷ lệ mua hàng của doanh nghiệp Nhật Bản từ doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam vẫn ở mức thấp ở mức 17,2%. Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tăng doanh số bán hàng cho doanh nghiệp Nhật Bản?
Thực tế, tỷ lệ mua hàng nội địa của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vẫn ở mức thấp so với mức trung bình của ASEAN và một số nước lân cận. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa không thể thực hiện một sớm một chiều vì cần nỗ lực lâu dài. Trong 10 năm qua, tỷ lệ cung ứng nội địa của Việt Nam ngày càng tăng cao, điều này cho thấy nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện.
Các doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên an toàn và chất lượng. Doanh nghiệp Việt muốn đáp ứng tiêu chuẩn cao phải nâng cao tay nghề, công nghệ, trong đó có tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Do đó, nguồn nhân lực phải được đào tạo để theo kịp sự phát triển này. Ví dụ, trong lĩnh vực bán dẫn, các trường đại học và cơ sở giáo dục phải theo kịp những tiến bộ công nghệ.
Khuynh hướng đầu tư vào Việt Nam những năm gần đây cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng chú ý khai thác thị trường tại chỗ?
Đúng vậy, khác với nhiều năm trước sản phẩm làm ra chủ yếu xuất khẩu, gần đây nhiều doanh nghiệp Nhật Bản còn đẩy mạnh cung cấp ở nền kinh tế hơn 100 triệu dân tại chỗ.
Đáng chú ý, trong cuộc khảo sát các công ty mẹ tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng thứ 2 (chỉ đứng sau thị trường Mỹ).
Với thu nhập bình quân đầu người 4.000 đô la Mỹ/năm và ngày càng tăng, thị trường Việt Nam ngày càng có sức hút với doanh nghiệp ngành phi chế tạo Nhật Bản. Điều này lý giải vì sao bên cạnh sự gia tăng đầu tư của doanh nghiệp thuần thương mại thì các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Nhật Bản cũng ngày càng chú ý khai thác thị trường này. Trong khảo sát của JETRO, doanh nghiệp cũng chỉ ra rằng tăng trưởng thị trường của Việt Nam là lợi thế, cao hơn 14,6 điểm so với trung bình của ASEAN.
Khuynh hướng đầu tư vào công nghệ, sản phẩm giá trị cao
Đâu là xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam, thưa ông?
Nếu như trước đây, Việt Nam là quốc gia cho sản xuất với chi phí rẻ phục vụ xuất khẩu thì giờ dần đang dịch chuyển sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao cũng như lĩnh vực dịch vụ như phân phối.
Xu hướng cho thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào sản phẩm có giá trị gia tăng, sử dụng máy móc công nghệ hiện đại hơn, hoặc đầu tư những dự án mới, công nghệ cao như lĩnh vực bán dẫn, công nghệ mới…
Bởi lẽ thực tế kỹ sư công nghệ thông tin ở Nhật Bản đang thiếu và họ quan tâm nhiều đến Việt Nam với niềm hy vọng sẽ tuyển được nhân sự kỹ thuật này. Xu hướng này tôi nghĩ sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay và những năm tới.
Sự quan tâm của doanh nghiệp bán dẫn Nhật Bản với Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Cũng như những công ty bán dẫn quốc tế của Mỹ và các nước phát triển khác, các công ty bán dẫn Nhật Bản đang rất quan tâm đến Việt Nam để đầu tư. Các doanh nghiệp Nhật Bản khó tìm được kỹ sư công nghệ thông tin ở nước họ. Do đó, các công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin – bao gồm cả những công ty sản xuất vật liệu bán dẫn hay thiết kế ngành này đang hướng đến Việt Nam để tìm kiếm các kỹ sư có trình độ cao.
Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp Nhật Bản, họ đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng được lực lượng nhân sự quản lý cấp trung có chuyên môn cao, đôi ngũ kỹ sư hoặc kỹ thuật viên lành nghề. Khó khăn này không xảy ra riêng với các nhà đầu tư Nhật Bản mà còn xảy ra với các doanh nghiệp FDI các nước khác. Theo tôi được biết, các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp FDI khác đang săn đón và thậm chí là tranh giành những nhân sự này.
Do vậy, việc đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao là rất cần thiết. Nếu không có đội ngũ kỹ sư công nghệ, quản lý tầm trung có chuyên môn cao… thì khả năng cao doanh nghiệp Nhật Bản sẽ hướng sang thị trường khác.
Xin cám ơn ông