GS. TS Nguyễn Quốc Sỹ – Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT cho rằng: “Ngành công nghiệp bán dẫn của chúng ta thực ra chưa có gì cả, chúng ta có doanh số xuất khẩu, nhưng đó là nhờ Intel và Samsung”.
Xuất khẩu chip chủ yếu là Intel và Samsung
Theo Custom Market Insights, quy mô thị trường chip bán dẫn toàn cầu được định giá khoảng 580 tỷ USD vào năm 2022 và ước đạt 634,5 tỷ USD vào năm 2023. Đến năm 2032, doanh thu toàn thị trường chip bán dẫn dự kiến đạt khoảng 1.124 tỷ USD vào năm 2032.
Riêng Việt Nam, doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip bán dẫn đã tăng từ 321,7 triệu USD vào tháng 2/2022, lên 562,5 triệu USD vào tháng 2/2023, chiếm 11,6% thị phần tại Mỹ, chỉ xếp sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc), theo số liệu từ Bloomberg.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu chip từ Việt Nam vào Mỹ đến từ doanh nghiệp FDI, cụ thể là Intel và một phần nhỏ của Samsung.
Chia sẻ tại chương trình Đối thoại của Báo Đầu tư, GS. TS Nguyễn Quốc Sỹ – Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT cho hay, doanh số rất lớn nhưng nhân công Việt Nam chỉ đóng góp ở phần giá trị gia tăng thấp nhất trong những khâu kiểm định, lắp ráp và đóng gói. Toàn bộ khâu sản xuất chất bán dẫn và thiết kế cán bộ người Việt Nam hầu như không được tham gia.
Chưa kể, chúng ta cũng không có công nghệ lõi, công nghệ nền hay các phát minh, sáng chế làm nền tảng để có thể đi cùng với các nước trên thế giới trong lĩnh vực này.
“Tôi nhớ ngày trước khi Intel bắt đầu đầu tư vào Việt Nam họ chỉ tuyển 40 kỹ sư công nghệ bán dẫn nhưng chúng ta không đáp ứng được. Điều đó cho thấy chất lượng đào tạo của chúng ta chưa đạt yêu cầu so với thị trường lao động công nghệ cao mà thế giới đòi hỏi. Ngành công nghiệp bán dẫn của chúng ta thực ra chưa có gì cả, chúng ta có doanh số xuất khẩu, nhưng đó là nhờ Intel và Samsung”, ông Sỹ chia sẻ.
Theo chuyên gia, xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn không dễ và phải làm bài bản từ nghiên cứu cơ bản, có đầu tư lớn về trang thiết bị, về con người, phải xây dựng các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phải tự nghiên cứu ra một số sản phẩm công nghệ của riêng mình.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn đã mở ra nhiều cơ hội cho tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nước ta cũng phải chịu áp lực từ sự cạnh tranh cao, đặc biệt là từ các nước như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.
“Những quốc gia, khu vực này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chip của mình từ 50 tới 150 tỷ USD. Yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao rất lớn, và thực tế nguồn nhân lực của Việt Nam mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp bán dẫn dù đã xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu thập kỉ 80 nhưng chưa có chiến lược phát triển mang tầm quốc gia. Vì vậy, lĩnh vực này đối với nước ta vẫn còn khá sơ khai, chưa có sự tham gia sâu của doanh nghiệp nội địa mà chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài.
Việt Nam chưa phải lựa chọn duy nhất
Về giải pháp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT cho rằng, trước tiên, Việt Nam phải nhanh chóng học hỏi công nghệ, tiếp thu tri thức khoa học, tiến tới làm chủ công nghệ để có thể phát triển cùng các nước.
“Chúng ta không chỉ phải chuẩn bị lực lượng cán bộ, chuyên gia cao cấp, mà còn phải xây dựng các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại; đồng thời phải triển khai nghiên cứu các công nghệ của riêng mình thì mới mong đi cùng và tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn của thế giới”, ông Sỹ nhận định.
Tiếp đó, Việt Nam phải sẵn sàng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng đầy đủ điều kiện cung cấp điện, nước, đường giao thông, cảng biển, cảng hàng không…
Theo vị chuyên gia này, hiện nay, nhiều quốc gia rất mong muốn các tập đoàn lớn như Intel đầu tư như: Indonesia, Ba Lan, Malaysia. Họ có những ưu đãi cho các doanh nghiệp ngành bán dẫn cả về đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng. Điều đó cho thấy, Việt Nam chưa phải lựa chọn duy nhất của họ. Do đó, cần có một cơ chế đặc biệt, thuận lợi, một hệ thống tổ chức quản lý tinh gọn, hiệu quả cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư công nghiệp bán dẫn.
Với nhân lực khoa học công nghệ cho ngành công nghiệp bán dẫn, điều quan trọng là chất lượng chứ không phải số lượng. Đáp ứng được đầy đủ các yếu tố nêu trên mới mong doanh nghiệp, các tập đoàn bán dẫn lớn của thế giới tới hợp tác đầu tư và cùng Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Sỹ nhấn mạnh: “Thức ăn của đại bàng khác với thức ăn cho chim ri. Chúng ta phải có cách tiếp cận đặc biệt, có cơ chế đặc biệt cho các nhà đầu tư công nghiệp bán dẫn. Cách tiếp cận đặc biệt ở đây không chỉ là ưu tiên đặc biệt, mà còn phải có cái mà người khác không có. Trong rừng cây có nhiều cây, nhưng đại bàng sẽ chọn cây cao, chắc, to khỏe, chịu được gió bão để làm tổ”.
Đồng thời, phải có các phát minh công nghệ của riêng mình mới có thể đi cùng với thế giới trong chuỗi sản phẩm bán dẫn