Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, khí thế thi đua lao động, sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã sôi động trở lại, với quyết tâm đưa sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh.
Bứt phá ngay từ những ngày đầu Xuân mới
Không như mọi năm phải đến hết rằm tháng Giêng thì công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh mới đi làm đầy đủ trở lại, năm nay, ngay trong những ngày đầu Xuân mới, gần 100% công nhân trong các khu, cụm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã trở lại làm việc với khí thế và quyết tâm cao. Tình trạng nghỉ việc hay “nhảy việc” không còn nhiều như mọi năm.
Chị Nguyễn Việt Phương quê ở phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, hiện là chuyền trưởng của Công ty TNHH Innovation Future Việt Nam tại Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ phấn khởi cho biết, dù không khí ngày Tết cổ truyền vẫn còn nhưng tất cả công nhân trong công ty đã chủ động bố trí, sắp xếp việc gia đình hợp lý để trở lại làm việc ngay những ngày đầu năm mới với tinh thần nỗ lực cao nhất.
Ông J.K, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Innovation Future Việt Nam cho biết, đúng 7h sáng ngày 16/02/2024 (mùng 7 Tết), ngoài một số ít lao động nước ngoài về nước sang sau, còn lại gần 3.000 lao động Việt Nam tại ba nhà máy của Innovation Future Việt Nam đã trở lại làm việc với mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch ngay từ những ngày đầu, tháng đầu…
Công ty TNHH Innovation Future Việt Nam là một trong những doanh nghiệp điện tử lớn chuyên sản xuất tai nghe không dây hoàn toàn, tai nghe không dây Bluetooth và linh kiện tai nghe 100% vốn đầu tư của Hồng Kong (Trung Quốc). Đi vào hoạt động năm 2020, đến nay Innovation Future Việt Nam có ba nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Hà và đang xúc tiến đầu tư mở rộng, xây dựng nhà máy số bốn cũng tại khu công nghiệp này. Với tổng vốn đầu tư đến nay 36,5 triệu USD, công suất thiết kế của ba nhà máy hiện đạt 800 tấn/năm, tương đương 4.850.496 sản phẩm/năm. Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, công ty nỗ lực lo đủ đơn hàng và chi trả đầy đủ các chế độ lương, thưởng, tạo niềm vui, phấn khởi bước vào Xuân mới.
Tại Công ty TNHH Vietnam Sunergy Cell tại Khu công nghiệp Cẩm Khê, ngay ngày đầu tiên đi làm sau Tết, tất cả 680 lao động đã có mặt tại công ty, nhanh chóng, phấn khởi bước vào ca sản xuất. Ông Li HuaYang, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vietnam Sunergy Cell cho biết, hiện công ty đang tiếp tục đầu tư giai đoạn hai, phấn đấu đến tháng 7 năm 2024, hoàn thành việc chạy thử, hiệu chỉnh, đi vào hoạt động chính thức, nâng công suất nhà máy lên 3 GW/năm, tương đương 463.104.000 sản phẩm/năm (tấm cell năng lượng mặt trời). Cùng với mở rộng sản xuất, công ty sẽ tuyển thêm 690 lao động Việt Nam và 110 lao động nước ngoài vào làm việc tại công ty.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp Phú Thọ, đến nay đã có 100% các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động ổn định, triển khai các phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch sản xuất theo tháng, quý của năm 2024. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho cả năm, hứa hẹn một năm đầy triển vọng cho sự phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu của tỉnh.
Lấy lại đà tăng trưởng
Theo Sở Công Thương Phú Thọ, hiện nay toàn tỉnh Phú Thọ có hơn 11.600 doanh nghiệp, riêng trong năm 2023, toàn tỉnh có 988 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 20.341,1 tỷ đồng, tăng 2,5% về số doanh và tăng 62,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Nhờ sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh cùng với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, năm 2023 sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì tăng khá; cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo điện tử.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp toàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, nhiều ngành hàng, sản phẩm truyền thống, chủ lực thiếu đơn hàng, nhu cầu thị trường giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 12/18 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm so cùng kỳ, trong đó ngành chế biến thực phẩm giảm 11,2%, dệt giảm 18%, trang phục giảm 14%, da và các sản phẩm liên quan giảm 17%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 6%, sản phẩm từ cao su và plastic giảm 5%, sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 4%, giấy và sản phẩm từ giấy giảm 2%…
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ, để thúc đẩy sản xuất công nghiệp thăng trưởng, kịp thời “đón sóng” hợp đồng và đầu tư mới, các doanh nghiệp đang tăng tốc bứt phá ngay từ những ngày đầu xuân mới. Tại nhiều doanh nghiệp đã đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành khối lượng sản phẩm trước thời gian. Mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng, giao hàng đúng hạn hợp đồng, đồng thời tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Ngoài trả lương và thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định, việc chăm lo đời sống người lao động cũng được các doanh nghiệp chú trọng, có chính sách hỗ trợ khác về nhà ở, ăn ca, đầu tư cải thiện môi trường làm việc để người lao động yên tâm.
Theo ông Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, hiện tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tỉnh sẽ tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiếp cận vốn tín dụng, thị trường, thủ tục đầu tư, đất đai; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ về tín dụng, miễn giảm, thuế, phí; có giải pháp cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành hàng gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu như chế biến thực phẩm, dệt, trang phục, da, gạch ceramic…; tăng cường quản lý chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; đảm bảo bàn giao mặt bằng cho các dự án; tích cực theo dõi các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, yêu cầu các nhà đầu tư, chủ dự án thực hiện đảm bảo đúng tiến độ theo cam kết; hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao đất để khởi công đầu tư mới, mở rộng trên 32 dự án; đẩy nhanh tiến độ 35 dự án sớm hoàn thành, đi vào hoạt động sản xuất; phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt từ 10% trở lên.