Vàng miếng SJC tiến lên gần 79 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới 18,4 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng miếng SJC tăng thêm 400.000 đồng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào lên 76,7 triệu đồng, bán ra 78,9 triệu đồng/lượng; Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vào 76,5 triệu đồng, bán ra 78,7 triệu đồng… Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng rút ngắn còn 2,2 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC cao hơn vàng nhẫn đến 14,1 triệu đồng/lượng. Giá bán vàng nhẫn 4 số 9 tăng mạnh 600.000 đồng mỗi lượng, trong khi giá mua vào chỉ tăng 350.000 đồng. Công ty SJC mua vàng nhẫn với giá 63,55 triệu đồng, bán ra 64,75 – 64,85 triệu đồng. Công ty PNJ mua vàng nhẫn với giá 63,55 triệu đồng, bán ra 64,6 triệu đồng… Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới 18,4 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cao hơn 4,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới sáng 26.2 giảm 5 USD/ounce, xuống còn 2.031 USD. Thị trường vàng tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay. Nhiều nhà phân tích và kinh tế kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ bắt tay vào chu kỳ nới lỏng mới vào tháng 6.
Với việc dự báo lãi suất chưa có mức điều chỉnh nào từ nay cho đến tháng 6, một số nhà phân tích cho biết sự chú ý của nhà đầu tư sẽ tập trung vào tâm lý trên thị trường chứng khoán khi dữ liệu kinh tế ít có tác động sắp được công bố trong tuần tới. Cụ thể, vào tuần tới ngoài việc công bố Chỉ số tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của ngân hàng trung ương Mỹ, thị trường cũng sẽ có thêm dữ liệu về doanh số bán nhà và thông tin quan trọng liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Ngoài ra, còn một số thông tin khác như đơn đặt hàng lâu bền, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ, GDP quý 4 sơ bộ của Mỹ, yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, PMI sản xuất ISM… là những thông tin sẽ tác động đến giá vàng cũng sắp được công bố.