TP Hà Nội đã và đang đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt thâm nhập hệ thống siêu thị quốc tế.
Nhiều sản phẩm Việt đến tay người tiêu dùng thế giới
Thông tin từ Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng 1/2024, doanh nghiệp Thủ đô đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 1,505 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Để đạt được lượng hàng hóa xuất khẩu tăng cao như vậy, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh việc đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ quốc tế. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Lê Anh Tuấn chia sẻ, hiện mỗi năm Hapro xuất khẩu hàng Việt trị giá trên 100 triệu USD vào 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản thông qua hệ thống siêu thị FujiMart, đơn vị liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) với Sumitomo Corporation (Nhật Bản).
Hapro không phải là đơn vị duy nhất của Hà Nội tận dụng hệ thống bán lẻ quốc tế đưa hàng Việt thâm nhập thị trường nước sở tại. Đều đặn hằng năm, hàng hóa Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã được Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) giới thiệu tới người tiêu dùng tại hệ thống siêu thị Aeon thông qua chương trình “Tuần hàng Việt Nam”. Qua đó, từng bước thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của Aeon đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Tương tự, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi mạng lưới phân phối nước ngoài, Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) thường xuyên triển khai chương trình Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan. Qua đó, Central Retail cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác đưa hàng Việt Nam ra thế giới thông qua hệ thống bán lẻ của Central Retail ở Thái Lan, Italy….
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú thông tin, ngày 7/2/2024, “Tuần hàng vinh danh Tết Nguyên đán Việt Nam 2024” đã khai mạc tại siêu thị Carrefour (Pháp). Đây là lần thứ 3 liên tiếp từ năm 2022, sự kiện này được tổ chức tại siêu thị Carrefour qua đó quảng bá sản phẩm Việt tới người tiêu dùng châu Âu.
Thời gian qua với sự phối hợp chặt chẽ giữa Tập đoàn Aeon Nhật Bản, Vụ thị trường Châu Âu, Châu Mỹ (Bộ Công thương) nên các chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản, Thái Lan, châu Âu được tổ chức thường xuyên. Từ đó trở thành cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài như Aeon, Lotte, Metro, Auchan…
Hỗ trợ phát triển thị trường
Theo các chuyên gia kinh tế, hàng Việt mặc dù đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính, nhưng thị phần còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa đủ kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu khó khăn này.
Trên thực tế, hệ thống các siêu thị, nhất là với siêu thị có yếu tố nước ngoài đều có những tiêu chuẩn đầu vào rất cao. Điều đó đòi hỏi các nhà sản xuất phải đáp ứng được các quy định, tiêu chí mà nhà bán lẻ đặt ra cũng như dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng bản địa.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho biết, để đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ phải đáp ứng quy định của đối tác thế nhưng một số doanh nghiệp chưa thẳng thắn nhìn nhận sản phẩm mình chưa tốt, nên không thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giá bán.
Một số doanh nghiệp mặc dù mong muốn trở thành nhà cung ứng hàng hóa, nhưng sản lượng không nhiều, tính chuyên nghiệp hóa không cao nên không thể là trở đối tác với siêu thị.
“Nguyên nhân của tình trạng này là bởi phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, thường thiếu, yếu về chuyên môn, kỹ năng, cũng như khả năng tài chính, cho nên không đáp ứng được yêu cầu từ các nhà phân phối. Nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng trong khâu giới thiệu và quảng bá hàng hóa dẫn tới giao thương chưa đạt hiệu quả cao”- bà Hậu phân tích.
Nhằm hỗ trợ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt thâm nhập hệ thống bán lẻ quốc tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch kế hoạch triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” trong năm 2024.
Theo đó, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Hà Nội. Để làm được việc này, năm 2024, TP sẽ hỗ trợ thông tin thị trường cho hơn 500 lượt doanh nghiệp; Đào tạo, tư vấn cho hơn 100 lượt doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời hỗ trợ hơn 100 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới; Tổ chức cho hơn 100 lượt kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ hơn 80 sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài.
Ngoài ra TP Hà Nội tổ chức Chương trình Tuần hàng Việt tại các mạng phân phối nước ngoài qua đó doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu hàng Việt tới đối tác quốc tế. Đưa doanh nghiệp khảo sát thị trường các nước nhằm nắm bắt yêu cầu thị trường và giao dịch với nhà phân phối. Tổ chức các hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với mạng lưới phân phối của doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài.
“Những hoạt động này không chỉ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới phân phối nước ngoài mà còn hướng đến mục tiêu làm thay đổi tư duy sản xuất theo hướng bài bản, bền vững mang lại giá trị gia tăng cao cho hàng hóa xuất khẩu Hà Nội” – Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.