Việt Nam có nhiều tiềm năng để sản xuất hydrogen xanh. Khi ngành công nghiệp hydrogen phát triển thì ô tô chạy bằng hydrogen sẽ dần phổ biến.
Bộ Công Thương mới đây đã tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen tại Việt Nam. Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Chiến lược cũng đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2030 triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong sản xuất năng lượng hydrogen xanh và các công nghệ sản xuất năng lượng hydrogen tại Việt Nam. Dự kiến công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác đạt khoảng 100 – 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030.
Cuối tháng 3/2023, Công ty The Green Solutions (TGS) đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất hydrogen xanh tại tỉnh Trà Vinh. Dự án có vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, sẽ sử dụng nguồn điện năng tái tạo để sản xuất hdrogen thông qua điện phân nước biển với sản lượng 24.000 tấn/năm.
Hiện có nhiều nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào sản xuất hydrogen xanh tại Việt Nam. Tập đoàn John Cockerill (Bỉ) đang lên kế hoạch xây dựng nhà dự án sản xuất hydrogen xanh tại Trà Vinh. Thời gian tới sẽ còn thêm nhiều dự án sản xuất hydrogen xanh được đầu tư.
Trong cuộc chạy đua năng lượng sạch, nhiều quốc đang đặt cược lớn vào hydrogen xanh. Việt Nam có lợi thế với bờ biển trải dài hơn 3.000 km, và được đánh giá có tiềm năng nắng và gió để sản xuất năng lượng tái tạo. Vì vậy, Việt Nam có nhiều tiềm năng để sản xuất và có thể trở thành trung tâm sản xuất hydrogen xanh ở châu Á.
Khi ngành công nghiệp hydrogen phát triển thì các nhà sản xuất ô tô đưa xe chạy bằng hydrogen vào Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Bởi khi đó họ sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi từ Chính phủ, hạ tầng cho các trạm tiếp nhiên liệu cũng sẽ được dần dần xây dựng.
Ô tô sử dụng nhiên liệu hydrogen có ưu điểm của xe điện và xe động cơ đốt trong, đó là không thải ra khí carbon, khả năng tăng tốc tốt và thời gian nạp nhiên liệu nhanh. Bên cạnh xe sử dụng hydrogen thông qua công nghệ pin nhiên liệu (Fulcel), một số hãng xe đang phát triển xe động cơ đốt trong sử dụng hydrogen.
Toyota Mirai là mẫu xe chạy hydrogen đầu tiên, được chính thức bán ra thị trường từ tháng 4/2015. Đến năm 2020 thế hệ Mirai thứ 2 đã ra đời, với quãng đường di chuyển tới 650 km khi nạp hydro đầy bình. Thời gian nạp đầy hết khoảng 5 phút, tương đương với đổ đầy bình xăng cho một chiếc ô tô thông thường. Nhưng nó không thải ra khí carbon dioxide hoặc khí thải độc hại khác mà chỉ là hơi nước.
Hiện tại giá 1kg hydrogen xanh khoảng 5 USD, nhưng với sản lượng ngày càng tăng, dự kiến tới 2030, sẽ giảm xuống còn 2 USD/kg và tới 2040 chỉ còn 1 USD/kg tương đương với giá 1 lít xăng hiện nay.
Sử dụng hydrogen, ngành ô tô có thể giải quyết được tất cả các vấn đề về môi trường và vận hành.Tại các buổi thảo luận về năng lượng sạch gần đây, nhiều chuyên gia và kỹ sư đều thừa nhận, nhiên liệu hydrogen dùng cho xe hơi có nhiều ưu thế và rất tiềm năng, đảm bảo tiêu chuẩn chống biến đổi khí hậu.
Bộ Công Thương đang soạn thảo Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô giai đoạn 2025- 2035, trình Chính phủ trong thời gian tới. Theo đó sẽ hướng tới xe sử dụng các loại năng lượng xanh, trong đó có xe sử dụng hydrogen.
Keith Wipke, giám đốc chương trình thử nghiệm các công nghệ hydro và pin nhiên liệu tại phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia Mỹ dự đoán rằng: “Chỉ một vài thập kỷ nữa thôi, các trạm hydro và xe hydro sẽ có tương lai tươi đẹp ở mọi nơi, không chỉ riêng nước Mỹ”.