Một công việc thầm lặng nhưng lại quyết định rất lớn cho thành công của những ca phẫu thuật mà ít ai biết đến đó là những bác sĩ gây mê hồi sức. Họ là những người thầm lặng nhất trong những người thầm lặng, những người luôn ‘đi trước, về sau’.
Nghề “đi trước về sau”
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Minh Long – Trưởng khoa Gây mê – hồi sức Bệnh viện Sản nhi Nghệ An nói vui với chúng tôi công việc gây mê hồi sức là nghề “đi trước về sau”. Người ta thường nói, đây là công việc thầm lặng đi trước về sau quả không sai.
Thông thường, trong mỗi cuộc phẫu thuật, ê-kíp gây mê là những người đến phòng mổ sớm nhất để làm các công tác chuẩn bị sẵn sàng cho ca mổ. Đánh giá tình trạng bệnh nhân, chuẩn bị phòng mổ, tiến hành các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân… sau khi gây mê xong, bệnh nhân chìm vào giấc ngủ, lúc này mới tới công việc của các bác sĩ phẫu thuật.
22 năm “canh gác” ở ranh giới sinh – tử, trong nhiều ca phẫu thuật tại Bệnh viện Sản nhi, bác sĩ Trần Minh Long chia sẻ, “Ngay cả khi các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân, ê-kíp gây mê hồi sức cũng luôn túc trực theo dõi sát để điều chỉnh liều lượng thuốc mê cho phù hợp, theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân.
Sau mỗi ca mổ, ê-kíp phẫu thuật có thể tháo găng, cởi đồ nhưng kíp gây mê hồi sức vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình, giúp bệnh nhân thoát mê và có thể từ từ thở tự nhiên không phụ thuộc vào máy thở. Có những ca mổ kéo dài 12 giờ đồng hồ hoặc thậm chí từ sáng đến tối. Kíp chúng tôi cũng phải thay phiên nhau “đánh đu” trong phòng mổ từ sáng đến tối, cơm trưa nhiều lúc không kịp ăn…”- bác sĩ Long bộc bạch.
Áp lực nhất đó là khi các bác sĩ khi gây mê hồi sức cho trẻ sơ sinh. Bác sĩ Trần Minh Long lý giải: “Trẻ con hoàn toàn không phải là một người lớn thu nhỏ, vậy nên khi gây mê gặp rất nhiều khó khăn. Trước lúc phẫu thuật, chúng tôi phải khám rất cẩn thận. Có những ca mổ xong phải mất vài giờ để chờ bệnh nhi tỉnh lại, huyết áp ổn định. Lúc đó, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm rời phòng mổ”.
Tâm sự với chúng tôi, bác sĩ Trần Minh Long nói, “Nghề này, nếu không yêu trẻ thì chẳng thể làm được. Chẳng kể là ai, đã chọn nghề bác sĩ gây mê là chọn sự căng thẳng, áp lực”. Bắt buộc thái độ làm việc của mỗi y bác sĩ phải luôn hết sức khẩn trương, nghiêm túc, cẩn trọng, tỉ mỉ và chuyên nghiệp. Các y bác sĩ trong khoa gây mê hồi sức đều tham gia tất cả các khâu trong việc gây mê hồi sức, cấp cứu và phục vụ phẫu thuật. Từ đảm bảo gây mê hồi sức cho các ca mổ đơn thuần cho đến các kỹ thuật đặc biệt như mổ tim kết hợp chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, hồi sức cho phẫu thuật sản, nhi, mổ nội soi, vi phẫu, mổ ghép tạng, phẫu thuật nội soi lồng ngực…. đều có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ y, bác sĩ, gây mê.
Cứu nhiều trường hợp nguy kịch
Trong căn phòng nhỏ cuối hành lang bệnh viện, bác sĩ Long say sưa kể về những ngày đầu gắn bó với chuyên ngành gây mê hồi sức.
“Tôi đi làm từ năm 1999. Thấm thoát đã gần 25 năm ‘đi trước về sau’ với nghề. Thế nhưng, để tiêm đúng liều, đúng mức độ và làm cho mọi người không đau đớn khi mổ xẻ, tôi vẫn phải học từng ngày”, bác sĩ Long nói.
Vào năm 2022, bác sĩ Trần Minh Long đã tham gia cứu sống bệnh nhân Lầu Y Bi (nặng 3kg) – người vùng cao tỉnh Nghệ An, bị bệnh lý tim bẩm sinh nặng đảo gốc động mạch, đòi hỏi mổ sớm nếu không nguy hiểm tính mạng. “Đây là bệnh lý khó nhất mà mình phải làm. Trường hợp này phải kích hoạt ê-kíp gồm: gây mê hồi sức, kỹ thuật viên phẫu thuật, chẩn đoán hình ảnh, chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể, kíp hồi sức sau mổ… phải có sự phối hợp nhịp nhàng và ca mổ khá khó khăn vất vả…”.
Cũng theo bác sĩ Long, “Đây là cuộc đại phẫu thuật mổ kéo dài từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, đòi hỏi kỹ năng của các sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê và các bác sĩ chạy máy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể cực cao, khi đó mới hoàn thành tốt ca mổ. Từ đó đến nay, bệnh viện cũng đã thực hiện thành công nhiều ca mổ khó như thế này” – bác sĩ Long chia sẻ.
Ngoài ra, “Còn có nhiều ca khó, bất thường như teo thực quản bẩm sinh, hay có bất thường bẩm sinh cơ hoành đòi hỏi phải can thiệp sớm. Đây là ca gây mê thật sự khó, một sự tranh chấp giữa lúc mổ và thở. Khi mình mổ lồng ngực, phổi bị đè ép khả năng thở trong khi mổ rất khó khăn, đó là sự tranh chấp giữa phẫu thuật mê và bác sĩ gây mê… để thực hiện được những ca phẫu thuật như thế này cần có kỹ năng rất tốt mới vượt qua được.
Trong quá trình phẫu thuật, nếu có tai biến xảy ra, chẳng hạn như: mạch giảm, huyết áp tụt… thì bác sĩ gây mê hồi sức luôn phải ở tuyến đầu để xử trí kịp thời để cuộc phẫu thuật được diễn ra an toàn, thuận lợi. Bởi trong lúc phẫu thuật tim hở chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây mất an toàn cho người bệnh. Do đó, mọi thao tác phải nhanh, chính xác và phải phối hợp nhịp nhàng giữa các ê-kíp phẫu thuật với nhau mới giúp một ca mổ thành công” – bác sĩ Long chia sẻ thêm.
Có thể thấy, trong bất cứ ca phẫu thuật lớn hay nhỏ, bác sĩ gây mê – hồi sức đều phải tập trung cao độ, vì bất cứ sơ suất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tính mạng của bệnh nhân. Đặc biệt đối với những ca mổ tim thì càng căng thẳng và phức tạp hơn nhiều, vì mọi thao tác đều phải tính bằng giây và phải chính xác gần như tuyệt đối.
|
Bác sĩ Long tâm niệm, nghề nào cũng có cái hay, cái khó, khi đã chọn thì phải tận tâm, tận lực, phải coi tính mạng người bệnh lên trên hết. Nghề gây mê tuy thầm lặng nhưng lại là người canh gác ở ranh giới sinh – tử bởi từng hơi thở, nhịp tim của bệnh nhân đều do bác sĩ gây mê quyết định. “Chỉ khi người bệnh tỉnh lại thì ranh giới đấy mới được gỡ bỏ hoàn toàn”, bác sĩ Long nói.
“Cũng nhiều người nói nghề này nhàm chán nhưng tôi thì không bởi tôi tự tìm niềm vui trong chính công việc của mình”, bác sĩ Long nói. “Một ngày trôi qua không xảy ra tai biến nào là trọn vẹn, một tuần qua đi không để xảy ra một sự cố nào là hạnh phúc. Cứu sống thêm một ca, niềm vui nhân lên nhiều phần. Ngành gây mê khá kén người theo vì vất vả, ít tiếng tăm, ít người biết đến, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng nhưng đáng mừng là vài năm gần đây đã có những sinh viên y chủ động chọn lựa…”, bác sĩ Trần Minh Long tươi cười chia sẻ.