Loạt hãng bay trong nước dính nợ xấu hàng nghìn tỷ đồng tại ACV

Theo BCTC quý IV/2023, Vietjet và Bamboo Airways đang nợ ACV trên 2.000 tỷ đồng còn Vietnam Airlines là hơn 1.800 tỷ đồng. Hiện ACV đang xây dựng 5 tiêu chí khởi kiện đối với hãng hàng không thuộc diện nợ xấu.

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về một số công tác cần triển khai thực hiện nhằm thu hồi công nợ của các hãng hàng không trong nước đang vi phạm nghĩa vụ thanh toán với đơn vị.

Theo đó, các dịch vụ hàng không mà ACV đang cung cấp cho các hãng hàng không bao gồm dịch vụ cất hạ cánh; phục vụ hành khách; soi chiếu an ninh hành khách, hành lý; soi chiếu an ninh hàng hoá; cho thuê quầy làm thủ tục hành khách…

Hiện ACV đang xây dựng 5 tiêu chí khởi kiện, dừng cung cấp dịch vụ đối với hãng bay vi phạm để xin ý kiến của các cơ quan quản lý có thẩm quyền về kế hoạch trả nợ cho ACV; không thực hiện đúng kế hoạch trả nợ đã cam kết; kết quả kinh doanh không bị lỗ nhưng không trả nợ; có phát sinh công nợ mới trong năm 2023; có số dư nợ lớn hơn các hãng hàng không khác.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, ACV cho hay, đến cuối quý IV/2023, các hãng hàng không trong nước đang có dự nợ gồm Vietnam Airlines với hơn 1.831 tỷ đồng; Vietjet hơn 2.981 tỷ đồng; Bamboo Airways hơn 2.132 tỷ đồng; Pacific Airlines hơn 874 tỷ đồng và các khách hàng khác là hơn 1.103 tỷ đồng. Cùng với đó là khoản phải thu dài hạn từ Công ty CP Hoàng Long Yến với hơn 2,8 tỷ đồng.

Nguồn: ACV

ACV cũng đã trích lập dự phòng đối với các khoản nợ xấu này. Cụ thể, với Vietjet là hơn 552 tỷ đồng; Bamboo Airways là hơn 1.907 tỷ đồng; Vietnam Airlines hơn 141 tỷ đồng; Pacific Airlines hơn 760 tỷ đồng; Vietravel Airlines hơn 246 tỷ đồng; Công ty CP Hàng không Mê Kông hơn 25 tỷ đồng; Công ty CP Hoàng Long Yến hơn 2,8 tỷ đồng.

Nguồn: ACV

Theo ACV, đến cuối năm 2023, ACV đã phải trích lập dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 3.600 tỷ đồng từ các hãng hàng không trong nước, chiếm 40% các khoản phải thu khách hàng. Trong đó, phần lớn khoản nợ từ các hãng phát sinh trong giai đoạn Covid-19.

Khẳng định trong năm 2023, mặc dù đã đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, nhưng ACV thừa nhận kết quả thu hồi nợ và kế hoạch trả nợ của các hãng hàng không trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi đơn vị cung cấp dịch vụ phải áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn để tiến tới thực hiện chế tài xử lý các hãng vi phạm hợp đồng.

ACV hiện đang quản lý, đầu tư, khai thác khai thác hệ thống 22 sân bay trong cả nước, bao gồm 9 sân bay quốc tế gồm Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ và 13 sân bay nội địa: Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Đồng Hới, Nà Sản, Điện Biên và Thọ Xuân.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế cả năm 2023, ACV ghi nhận doanh thu thuần hơn 20.000 tỷ đồng và lãi ròng hơn 8.560 tỷ đồng, tăng tương ứng 45% và 18% so với thực hiện năm 2022. Mức lợi nhuận này cũng đã vượt giai đoạn trước dịch COVID-19.

Theo ANTT