Bộ Công Thương đề xuất đưa trách nhiệm của các bộ ngành liên quan khác vào để quản lý giá điện. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, càng nhiều cơ chế hội đồng phối hợp ngang thì càng rắc rối và không có “đầu mối” chịu trách nhiệm cụ thể.
Mới đây, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức bán lẻ điện bình quân.
Một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo lần này là việc đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền quyết định tăng hoặc giảm giá điện ở mức dưới 5%, đồng thời rút ngắn thời gian điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng, tức là mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi và giá được cập nhật hằng quý theo chi phí phát điện. Đồng thời, Bộ Công Thương đề xuất đưa trách nhiệm của các bộ ngành liên quan khác vào để quản lý giá điện.
Xung quanh vấn đề này, VietnamFinance có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).
– Ông nhận định như thế nào về đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng trong Dự thảo lần này của Bộ Công Thương?
Tôi ủng hộ việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng như trong Dự thảo của Bộ Công Thương.
Nếu khung giá điện được cập nhật thường xuyên, theo sát với diễn biến chi phí đầu vào trong sản xuất kinh doanh sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng lộ trình cùng các thể chế, chính sách nhằm xây dựng thị trường bán điện cạnh tranh trực tiếp. Trong khi hiện nay chúng ta mới chỉ áp dụng thí điểm cho thị trường mua điện cạnh tranh mà chưa áp dụng với thị trường bán điện cạnh tranh.
Theo đó, các đơn vị sản xuất điện vẫn phải thông qua EVN và thủ tục truyền trải điện ,tuy nhiên có thể có thêm cơ chế bán điện trực tiếp và thỏa thuận.
– Giá điện là chi phí đầu vào rất quan trọng với DN, việc giá điện giảm thường xuyên sẽ gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Với đối tượng này, có cần chính sách đặc thù nào không?
Một vấn đề liên quan mà tôi muốn lưu ý đó là đối với nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp họ luôn phải tính toán trước những chi phí đầu vào trong đó đầu vào năng lượng chiếm vị trí rất quan trọng. Vì lượng điện tiêu thụ của những chủ thể này có thể lên đến hàng tỷ đồng hàng quý, thậm chí hàng tháng.
Vậy nếu điều chỉnh giá điện thường xuyên thì với những khách hàng lớn cần có thêm cơ chế đặc thù để đảm bảo họ đã tính toán được để đề phòng những rủi ro liên quan đến giá điện đầu vào cho sản xuất, kinh doanh tốt hơn.
Đồng thời, khi thay đổi cơ chế giá điện thì cần phải rà soát hợp đồng mua bán điện đối với những khách hàng mua điện lớn như: khu công nghiệp, doanh nghiệp, xí nghiệp sản xuất lớn làm sao để tương thích nhằm hỗ trợ cho việc sản xuất kinh doanh trở lên thuận lợi.
– Với đề xuất EVN được tự quyết định việc giảm hoặc tăng ở mức dưới 5% liệu có dẫn đến câu chuyện độc quyền giá điện hay không, thưa ông?
Giá điện và năng lượng nói chung vẫn luôn là lĩnh vực thuộc diện kiểm soát đặc biệt của Nhà nước nên vẫn phải bó buộc trong khung giá điện do Chính phủ quy định, không thể tự ý vượt ra khỏi khung đó. Còn trong khung giá điện ấy, muốn điều chỉnh bao nhiêu lần với mức tăng bao nhiêu miễn là càng sát với chi phí đầu vào thì càng tốt.
Tôi ví dụ, về lĩnh vực xăng dầu, hiện giá cả của lĩnh vực này diễn biến rất sát với thị trường, bởi theo quy định cứ mỗi tuần được điều chỉnh giá 1 lần. Điều này giúp tránh được những bất ổn làm đứt gãy nguồn cung xăng dầu, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cửa hàng, thương nhân kinh doanh xăng dẩu nhỏ lẻ, giúp họ có thể tham gia cạnh tranh trực tiếp với các “ông lớn” trong ngành.
Quay trở lại với ngành điện, do chưa có thị trường bán điện cạnh tranh nên tất cả giao dịch đều phải thông qua EVN mà EVN chỉ mở thủ tục đấu thầu mua điện cạnh tranh của các nhà sản xuất, từ đó EVN vẫn giữ độc quyền giá điện của mình.
– Đề xuất mới đây của Bộ Công Thương khi đưa trách nhiệm của các bộ ngành liên quan khác vào để quản lý giá điện đã gây ra nhiều tranh cãi. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này.
Theo đề xuất, Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì kiểm tra, rà soát; Bộ Tài chính giữ trách nhiệm phối hợp ở khía cạnh là cơ quan quản lý nhà nước về giá; Tổng cục Thống kê được bổ sung trách nhiệm trong đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô.
Với tư cách là một người nghiên cứu về quản trị dịch vụ công, theo tôi, càng nhiều cơ chế hội đồng phối hợp ngang thì càng rắc rối và không có “đầu mối” chịu trách nhiệm cụ thể.
Trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tôi đề nghị, bộ ngành nào quản lý chủ quản thì phải chịu trách nhiệm xuyên suốt còn về cơ chế phối hợp thực tế thì trong Chinh phủ đã có, các bộ ngành cũng phải nắm rõ cơ chế này.
Theo đó, Bộ Công thương phải là cơ quan “đầu mối” chịu trách nhiệm về những liên quan đến điện và năng lượng điện nói chung. Về các cơ chế phối hợp thì trong các thể chế chính sách của Việt Nam, đặc biệt là Luật Tổ chức Chính phủ đã quy định rõ. Về nguyên tắc trách nhiệm thì các bộ ngành đều phải phối hợp với nhau để triển khai công việc một cách trôi chảy.
Không nên có một cơ chế ngang, quá nhiều bộ ngành can thiệp để giải quyết cùng một vấn đề. Chúng ta vẫn áp dụng cơ chế xin ý kiến và trao đổi giữa các bộ ngành có liên quan nhưng bộ ngành nào phụ trách mảng việc gì thì phải tự chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm từ trên xuống dưới một cách thống nhất.
– Trong Dự thảo lần này có một điểm gây ra nhiều băn khoăn cho doanh nghiệp đó là: “Không quy định cụ thể về việc xác định lợi nhuận định mức trong giá điện”, cần hiểu điều này thế nào cho đúng thưa ông?
Về nguyên tắc thị trường, việc không xác định lợi nhuận là đúng. Nếu như toàn bộ cơ chế giá điện áp dụng theo cơ chế thị trường và đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh của các nhà sản xuất trung gian cũng như bên mua bán điện, còn việc lỗ lại là do thị trường quyết định.
Tuy nhiên, cho đến hiện nay, chúng ta chưa có thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo mà mới chỉ manh nha một số cấu phần trong thị trường điện là chúng ta có yếu tố cạnh tranh mà thôi.
Nhà nước vẫn kiểm soát giá trong một thời gian nhất định và áp đặt một cơ chế về lợi nhuận định mức, có thể không phải cố định nhưng luôn có giới hạn trần lợi nhuận trên và trần lợi nhuận giới dưới và cho phép các doanh nghiệp tự linh hoạt trong vấn đề này.
Ví dụ trên thực tế, một số doanh nghiệp kinh doanh điện mái nhà thì chi phí dẫn đến lợi nhuận có thể giảm từ 15 – 20% so với EVN. Trong trường hợp này, nếu như họ được quyền tham gia bán điện trực tiếp cho những khách hàng lớn thì họ sẽ có một mức lợi nhuận định mức thấp hơn EVN. Vì vậy, khi xác định giá điện thì phần lợi nhuận định mức nên ở một khung từ trần đến sàn, tạo không gian cho các đơn vị thành viên của EVN cũng như doanh nghiệp tư nhân bên ngoài có thể tham gia một thị trường điện cạnh tranh tốt hơn.
Và việc đầu tiên là làm sao tạo một sự thuận lợi cho các chủ thể khác nhau, không chỉ riêng những doanh nghiệp thuộc EVN mà cả những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI được tham gia đầy đủ vào thị trường bán buôn, bán lẻ điện. Đồng thời, thị trường này phải mang tính chất cạnh tranh.
-Trân trọng cảm ơn ông!