Cùng với an ninh năng lượng quốc gia và vận hành theo cơ chế thị trường, góp ý xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, chuyên gia cho rằng, vấn đề cốt lõi là đổi mới cơ chế quản lý.
Theo đó, việc khẩn trương rà soát, xây dựng một Nghị định kinh doanh mới thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trước đó là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh thị trường xăng dầu trong nước còn tồn tại nhiều bất cập, kéo theo những hệ lụy trong suốt thời gian dài.
Thực tế cho thấy, Nghị định 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu được ban hành, với một số điều chỉnh về công thức tính giá, bãi bỏ loại hình tổng đại lý, thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu… đã phần nào giải quyết được một số khúc mắc trong hoạt động kinh doanh mặt hàng chiến lược này.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, Nghị định này vừa mới chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh sửa đổi một số điểm, chưa khắc phục hết được các bất cập, tồn tại hiện nay của thị trường xăng dầu. Về lâu dài, cần xây dựng Nghị định mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, Nghị định này cần được tiếp cận theo hướng cho phép hoạt động kinh doanh xăng dầu tiệm cận thực sự với giá thị trường thế giới. Và muốn thực sự tiệm cận giá thị trường thế giới thì Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cần bãi bỏ những điều kiện về kinh doanh xăng dầu mang tính chất hành chính, cũng như thể hiện rõ vai trò của quản lý Nhà nước.
Để bảo đảm thị trường xăng dầu phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững, không ít ý kiến cho rằng, cốt lõi là đổi mới cơ chế quản lý để thị trường vận hành theo kinh tế thị trường. Trước hết là thực hiện thay đổi kế hoạch về cung ứng xăng dầu với các doanh nghiệp đầu mối, Bộ Công Thương cần giao chỉ tiêu cụ thể từng doanh nghiệp này, rõ địa bàn doanh nghiệp đó phục vụ; phân theo tháng, phân giao xong phải kiểm tra, kiểm soát chặt.
Đặc biệt là quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ nhằm tránh được những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân. Cùng với đó, việc soạn thảo Nghị định mới cần đề cao sự cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Từ đó, giải quyết bài toán cạnh tranh và thị trường, bởi đây là vấn đề nội tại giữa doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ chưa có giải pháp thỏa đáng từ trước đến nay.
Góp ý xây dựng Nghị định về kinh doanh xăng dầu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, Nghị định mới cần cân nhắc bãi bỏ những quy định về việc Nhà nước công bố các chỉ tiêu tính giá để doanh nghiệp thực hiện. Thay vào đó, Nhà nước điều tiết giá chủ yếu bằng giải pháp điều hòa cung cầu, thuế, phí và các biện pháp tài chính, tiền tệ khác. Đồng thời, đổi mới quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu xăng dầu, bảo đảm tuân thủ đúng Luật Giá. Khi thị trường biến động ở mức cụ thể bao nhiêu thì Nhà nước cần công bố công khai áp dụng biện pháp, thời hạn và phạm vi bình ổn giá.
“Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đầu mối trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu sai mục đích trong suốt thời gian dài nhưng không bị phát giác. Việc thu hồi tồn dư quỹ từ các doanh nghiệp sai phạm cũng vô cùng gian nan. Do vậy, cần ban hành sớm dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu mới thay thế các Nghị định cũ”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định nhìn nhận.
Còn theo TS Nguyễn Tiến Thỏa – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, Nghị định mới cần xác định quan điểm kiên trì vận hành thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết và quản lý của Nhà nước.
Để làm được điều này, theo ông Thỏa, nội dung cần được sửa đổi theo các nhóm vấn đề như điều kiện để doanh nghiệp được kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, phải căn cứ vào năng lực thực sự của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp tăng trưởng nóng về số lượng nhưng yếu về chất; ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong cấp phép.
Bên cạnh đó, Nghị định mới cần bổ sung những quy định về các điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng theo các tiêu chí về vốn sở hữu, kinh nghiệm kinh doanh xăng dầu, cơ sở hạ tầng, hệ thống cung ứng. Đặc biệt là bãi bỏ toàn bộ các quy định hiện hành 17 năm nay không thay đổi về cấp phép thuê kho, bể chứa, hệ thống phân phối cửa hàng bán lẻ, phương tiện vận tải…
Được biết, tính đến thời điểm hiện nay, kinh doanh xăng dầu được quản lý bằng 3 Nghị định, bao gồm: Nghị định 83/2014/NĐ-CP; Nghị định 95/2021/NĐ-CP và mới đây nhất là Nghị định 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.