Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia khi bàn luận về giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam, trước thực trạng phát triển manh mún của nghề tái chế lại gây hệ lụy cho môi trường.
Hệ lụy của tái chế nhựa tự phát
Một buổi chiều cuối tháng 3/2024, đi trên Tỉnh lộ 421B, đến khu vực kênh thủy lợi Thụy Đức (khu vực giáp ranh giữa xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai với xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), đập vào mắt là một cụm nhà xưởng tái chế rác với ngổn ngang các loại chất thải chất cao thành đống, phổ biến nhất là chất thải nhựa. Từ bên trong khu nhà xưởng, những cuộn khói đen sì, đậm đặc bay lên, tỏa ra nồng nặc đến mức ai đi qua cũng cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Không những thế, từ khu vực này, hai dòng nước thải đen sì được đổ thẳng xuống kênh Thụy Đức, sủi bọt trắng xóa vừa đổ xuống kênh đã nổi váng trông vô cùng đáng sợ.
Điều đáng nói, những cơ sở tái chế nhựa tự phát như phản ánh trên, hay thậm chí là những làng nghề truyền thống tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường không phải hiếm gặp. Trong nhiều năm qua, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) hay thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) vốn nổi tiếng với nghề tái chế rác thải nhựa nhưng cũng là những địa chỉ được cơ quan chức năng, truyền thông thường xuyên “điểm danh” vì gây nhiều hệ lụy cho môi trường khu vực. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa và nhu cầu thị trường, những làng nghề này vẫn tồn tại mà không được kiểm soát chặt chẽ về môi trường.
Theo các chuyên gia, tái chế rác thải là cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm nhưng nếu phát triển manh mún, công nghệ lạc hậu thì tái chế lại gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, đã đến lúc cần có một cái nhìn toàn diện về công tác tái chế rác thải nhựa, từ đó đưa ra hoạch định chiến lược bền vững để nghề tái chế rác thải nhựa thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu bảo vệ môi trường. TS Phạm Mạnh Hoài – Quản lý Hợp phần Đối tác và Chính sách nhựa, WWF-Việt Nam cho rằng, muốn đưa hoạt động giảm rác thải nhựa vào khuôn khổ, tăng tái chế, áp dụng hiệu quả mô hình tuần hoàn, giảm chôn lấp thì việc thiết lập hệ thống chính sách về vấn đề này phải đặt lên hàng đầu. Trong đó, quản lý sản phẩm nhựa thải bỏ gắn trách nhiệm với nhà sản xuất là một nội dung rất quan trọng. “Việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý, có thể kiểm soát một cách chính xác quá trình tuần hoàn của rác thải nhựa. Chính vì vậy tôi cho rằng, vấn đề then chốt vẫn là hoàn thiện chính sách trong thời điểm hiện nay” – TS Phạm Mạnh Hoài nói.
Tạo ra dòng tiền cho sản phẩm nhựa tái chế
Đánh giá vấn đề trên góc nhìn kinh tế, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam Hoàng Đức Vượng nhấn mạnh, cần có một chiến lược cụ thể nhằm giảm phát thải chất thải nhựa ra môi trường. Để làm rõ nguy cơ gia tăng rác thải nhựa, ông Vượng đưa ra một con số thông kê gây chú ý, đó là năm 2023, nước ta nhập khẩu 7,5 triệu tấn hạt nhựa. Cộng với khoảng hơn 2 triệu tấn sản xuất trong nước thì tổng lượng hạt nhựa trong nước lên tới gần 10 triệu tấn. Đây là con số không hề nhỏ khi trong những năm qua, mức tiêu thụ nhựa của nước ta tăng khoảng 15%/năm. Điều này dẫn đến rác thải nhựa ngày càng tăng lên. “Nếu cứ chôn lấp như hiện nay, sau này lấy đâu chỗ để chôn lấp? Một phần rác thải nhựa bị đổ ra sông, ra biển. Nước ta mỗi năm có khoảng 6,2 triệu tấn rác thải nhựa. Khi không còn đất chôn lấp nữa sẽ như thế nào?” – ông Vượng đặt câu hỏi.
Từ những phân tích trên, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam cho rằng, để chống rác thải nhựa, quan trọng nhất là phải xây dựng được thị trường cho sản phẩm nhựa tái chế. Phải có quy định chính sách để phát triển thị trường tái chế; từ đó sẽ giảm việc vứt bỏ sản phẩm nhựa ra môi trường. “Chống ô nhiễm rác thải nhựa, vấn đề đầu tiên phải giảm tỷ lệ vứt bỏ loại chất thải này ra môi trường, kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm từ nhựa. Mà muốn làm được điều này, phải có chính sách phát triển thị trường nhựa tái chế” – ông Vượng nhận định và cho biết, nhiều nước trên thế giới đang rất quyết liệt trong chống rác thải nhựa. Đơn cử, các nước châu Âu có cả một chương trình “châu Âu xanh”, họ xây dựng chính sách quản lý rác thải nhựa, đưa ra quy định bắt buộc sử dụng hạt nhựa tái sinh.
Liên Hợp quốc cũng đang soạn thảo hiệp ước ràng buộc quản lý rác thải nhựa trên toàn cầu. Việt Nam muốn chống rác thải nhựa hiệu quả cũng cần phải nhập cuộc. Như đối với sản phẩm nhựa tái chế của Việt Nam, muốn xuất khẩu được, đi được vào các thị trường khó tính như châu Âu, buộc phải đáp ứng được được những tiêu chuẩn mà thị trường này đưa ra. “Sản phẩm tái chế phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn nhất định. Không có quy chuẩn sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong sản phẩm nhựa tái chế” – ông Vượng nhấn mạnh.
Được biết hiện nay, Việt Nam cùng 170 quốc gia trên thế giới đang xây dựng thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm chất thải nhựa. Theo TS Phạm Mạnh Hoài, đây là thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý, một hiệp ước mạnh mẽ với các quy tắc mang tính toàn cầu, hướng tới mục tiêu loại bỏ sản phẩm nhựa có thể tránh được; tuần hoàn an toàn các sản phẩm nhựa và quản lý rác thải nhựa thân thiện với môi trường.