Chiều 28.3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì cuộc họp toàn thể của Hội đồng. Tại đây, các chuyên gia, thành viên của Hội đồng đã đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chiều 28.3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì cuộc họp toàn thể của Hội đồng.
Tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình bày báo cáo về diễn biến kinh tế vĩ mô, hoạt động ngân hàng quý I/2024; đồng thời đề xuất tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tình hình thị trường vàng và các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Trình bày báo cáo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết trong nhiều thời điểm, giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ chính thức như trước đây; thói quen, nhận thức của người dân đối với vàng miếng có sự thay đổi; một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn như triển vọng kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều bất trắc, khó lường, giá hàng hóa thế giới tăng trở lại, rủi ro lạm phát tiềm ẩn, lãi suất USD và tỷ giá USD quốc tế ở mức cao nên tạo thách thức lớn cho việc điều hành cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Nợ xấu có xu hướng tăng trong bối cảnh tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2023 là 133%, tiềm ẩn rủi ro tài chính. Khả năng huy động vốn trung, dài hạn của tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu vốn đầu tư dài hạn của nền kinh tế.
Không chỉ từ phía NHNN, tại cuộc họp, các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định mục tiêu “chống vàng hóa” của Nghị định 24/2012 đã thành công và đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC…
Các chuyên gia cho rằng qua 12 năm thực hiện, Nghị định 24/2012 đã đạt những thành công và hoàn thành sứ mệnh. Các chuyên gia bày tỏ đồng tình, thống nhất đề xuất bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo NHNN rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường vàng để phát triển thị trường vàng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Trước đó, Báo Lao Động có loạt bài “Cởi trói cho thị trường vàng để nguồn vốn chảy vào nền kinh tế”, phản ánh những bất cập trong việc quản lý thị trường vàng của Việt Nam hiện nay. Có thời điểm giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch đến khó hiểu, xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng, trốn thuế gây thất thoát ngân sách, mạng lưới phân phối bị bóp nghẹt… Nguyên nhân là do thị trường vàng Việt Nam đang không hội nhập, liên thông với thế giới.
Bài viết cũng chỉ ra những bất cập trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Hơn một thập kỷ trôi qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên các quy định từ 11 năm trước, trong khi có những quy định không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh hiện nay. Đặc biệt, việc SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia khiến các doanh nghiệp không bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Từ góc độ người tiêu dùng, việc độc quyền một thương hiệu vàng khiến quyền lợi người dân bị ảnh hưởng. Người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài mua, bán, tích lũy bằng vàng miếng SJC. Chính sách cho độc quyền vàng đã làm cho thị trường vàng bị đẩy lên cực điểm, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn ở mức cao. Điều này khuyến khích nhập khẩu lậu vàng vào Việt Nam. Hệ quả chung là, người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đều chịu thiệt. Thị trường vàng Việt Nam đang đi thụt lùi so với thế giới vì thiếu những giải pháp căn cơ và mang tính chiến lược. Khẳng định trong bối cảnh nguồn lực phát triển kinh tế trong nước còn hạn chế, chủ trương huy động nguồn lực trong dân vào sản xuất – kinh doanh là rất đúng đắn, loạt bài của Báo Lao Động đã đề xuất các giải pháp để “cởi trói” cho thị trường vàng, trả vàng về cho thị trường vận hành, từ đó giúp nguồn “vốn chết” trong dân có thể chảy vào nền kinh tế. Sau loạt bài phản ánh của Báo Lao Động về những bất cập của thị trường vàng, ngày 28.12.2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1426/CĐ-TTg gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông; Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua, ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô. Đồng thời, rà soát khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức… Tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững. |