Không chỉ bảo vệ doanh nghiệp khỏi các tranh chấp không đáng có, việc xây dựng thương hiệu cà phê Việt còn giúp gia tăng giá trị của mặt hàng này trên thị trường trong và ngoài nước…
Thực tế cho thấy, trước đó, khi bước ra sân chơi quốc tế, không ít thương hiệu nổi tiếng của các doanh nghiệp Việt Nam đã bị đánh cắp, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng cà phê. Việc đòi lại các thương hiệu không chỉ khiến doanh nghiệp hao tốn thời gian mà còn gia tăng gánh nặng về chi phí.
Đơn cử như, tháng 7/2000, Tập đoàn Trung Nguyên đã bị đối tác đăng ký bảo hộ thương hiệu Cafe Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ Trí tuệ Thế giới. Đứng trước nguy cơ đánh mất thương hiệu tại thị trường Mỹ, Trung Nguyên đã phải rất vất vả và tiêu tốn tốn hàng trăm nghìn USD trong khoảng hai năm để dàn xếp ổn thoả cho việc lấy lại thương hiệu.
Tương tự, năm 2010, cà phê “Buôn Ma Thuột”, một thương hiệu đồ uống nổi tiếng của Việt Nam đã bị Công ty Guangzhou ở Quảng Đông (Trung Quốc) đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc. Sau đó, Việt Nam đã phải rất vất vả mới lấy lại thương hiệu “Buôn Ma Thuột” nhưng chỉ ở thị trường Trung Quốc.
Từ các vụ việc đã nêu có thể thấy, việc xây dựng thương hiệu và bảo hộ thương hiệu là vô cùng quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà ngành cà phê không nằm ngoại lệ.
Thực tế, cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam khi sản phẩm này đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng nói, theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 400.000 tấn cà phê, trị giá hơn 1,2 tỷ USD, tăng 16,4% về khối lượng.
Mặc dù trong những năm gần đây tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu cà phê hòa tan và các sản phẩm chế biến sâu có những bước phát triển, tỷ lệ có tăng song lại tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI. Cụ thể, trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan hàng đầu Việt Nam, chỉ có Trung Nguyên là doanh nghiệp Việt Nam còn lại là các doanh nghiệp FDI. Điều này cho thấy, độ bao phủ và thị trường của các thương hiệu cà phê Việt Nam còn rất hạn chế.
Trước thực trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp cà phê Việt cần chú trọng xây dựng thương hiệu để gia tăng giá trị cũng như nâng cao vị thế sản phẩm cà phê Việt trên thị trường quốc tế.
Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Đỗ Việt Hà, Tùy viên thương mại Thương vụ Việt Nam tại Đức chia sẻ, với thị trường Đức, người Đức uống cà phê nhiều hơn uống bia, và Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê tại thị trường này.
Trong những năm gần đây, người Đức rất chú trọng vào những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, và có xu hướng tiêu dùng cà phê hữu cơ, chất lượng cao ngày càng gia tăng.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt kịp thời xu thế tiêu dùng, các quy định về an toàn thực phẩm tại Đức, cũng như yêu cầu về chứng nhận tiêu dùng hữu cơ quốc tế, để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường đầy tiềm năng.
“Các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu gắn với câu chuyện về nguồn gốc sản phẩm, cách chế biến một cách trung thực nhất đến người tiêu dùng. Cần tận dụng lợi thế hiệp định kinh tế mang lại, để đưa cà phê vào thị trường EU nói chung và Đức nói riêng. Đồng thời nên có kế hoạch tham dự các hội chợ quốc tế tổ chức hằng năm ở Đức”, bà Đỗ Việt Hà nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Gruber Alexander Lukas, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ rang xay chuyên nghiệp Sài Gòn, đại diện thương hiệu Alambe’ Finest Vietnamese Coffee cho rằng, Việt Nam nổi tiếng với số lượng lớn, giá rẻ. Do đó, cần đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo nên chất lượng độc đáo, phân loại cà phê thành các hạng tốt, thượng hạng, tiêu chuẩn…, chỉ như vậy xuất khẩu cà phê mới có giá trị gia tăng.
“Doanh nghiệp chúng tôi đầu tư cà phê rang xuất khẩu, cà phê cao cấp ALAMBE, tạo giá trị gia tăng thông qua việc cá nhân hóa cà phê cộng với việc rang và đóng gói tại Việt Nam. Tăng tiêu dùng nội địa, tạo thêm giá trị bằng cách tạo ra một loại cà phê địa phương”, đại diện thương hiệu Alambe’ Finest Vietnamese Coffee chia sẻ.
Cũng liên quan đến vấn đề đã nêu, ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kết nối doanh nhân Việt Nam – Quốc tế nhấn mạnh, doanh nghiệp cần chung tay với nông dân để liên kết chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng. Để phát triển và nâng giá trị cà phê Việt, cần chú trọng đầu tư sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những thị trường khó tính. Đồng thời, phải đầu tư xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam vì hiện nay rất ít doanh nghiệp làm thương hiệu cho cà phê xuất khẩu ra thế giới.
“Hiện nay, chúng ta chưa có thương hiệu cà phê nào đứng trong 10 loại cà phê đắt nhất thế giới. Chúng ta có nhiều vùng miền trồng cà phê nhưng cần có một số thương hiệu vùng miền gắn với chỉ dẫn địa lý, khi thương hiệu tăng lên thì giá trị cà phê cũng sẽ tốt hơn”, ông Cường bày tỏ.