Việc không chịu “xuống tiền” của các doanh nghiệp tư nhân sẽ kéo theo sự chậm trễ trong tăng trưởng của khu vực này, dẫn đến ách tắc trong nền kinh tế và cản trở mục tiêu phát triển toàn diện.
Khó khăn đã qua
Theo CTCK Yuanta Việt Nam đánh giá, tiếp nối đà hồi phục từ quý IV/2023, tăng trưởng kinh tế trong quý I/2024 đạt 5,66%, là mức tăng trưởng quý I cao nhất trong 4 năm gần đây, cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất.
Mức tăng trưởng ấn tượng trong quý I nhờ sự hồi phục mạnh mẽ của lĩnh vực xây dựng và công nghiệp chế biến – chế tạo, lĩnh vực ngày càng đóng góp lớn vào tăng trưởng nền kinh tế. Ngoài ra, việc thúc đẩy đầu tư công cũng như duy trì các chính sách giảm thuế VAT, giảm lãi, hỗ trợ an sinh xã hội từ phía Chính phủ cũng góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý I.
Những tín hiệu hồi phục kinh tế tiếp tục thể hiện qua các số liệu vĩ mô tháng 3 như: Thứ nhất, xuất nhập khẩu hồi phục với tốc độ tốt hơn qua từng tháng gần đây, các nền kinh tế lớn đang trên đà hồi phục sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu mạnh hơn nữa.
Thứ hai, dòng vốn FDI duy trì xu hướng tích cực đặc biệt vào lĩnh vực công nghiệp chế biến-chế tạo, đây vẫn sẽ là động lực tăng trưởng trong thời gian tới.
Thứ ba, đối với nhu cầu tiêu dùng trong nước, dù tốc độ tăng trưởng chưa đạt mức trước dịch Covid-19 nhưng vẫn đang duy trì đà hồi phục tốt.
Thứ tư, các yếu tố khác như lạm phát dù vẫn còn cao nhưng đang trong xu hướng hạ nhiệt; Tỷ giá tăng do đồng USD tăng giá và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất chậm hơn dự báo, tuy nhiên NHNN cũng đã có nhiều động thái giúp hạ nhiệt tỷ giá trong thời gian qua; Lãi suất nhìn chung ở mức thấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp…
“Với mức tăng trưởng khả quan trong 3 tháng đầu năm cũng như xu hướng hồi phục của lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và các động lực tăng trưởng từ đầu tư công và chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ phía Chính phủ, chúng tôi điều chỉnh mức tăng trưởng cả năm 2024 lên mức 6,2% với kỳ vọng đà tăng trưởng trong quý I sẽ được duy trì và mức độ hồi phục trong lĩnh vực công nghiệp và hoạt động xuất khẩu hồi phục tốt hơn dự kiến”, chuyên gia tại Yuanta Việt Nam kỳ vọng.
Kích thích đầu tư tư nhân
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, phải nhìn nhận các động lực tăng trưởng truyền thống trong quý I/2024 của Việt Nam như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng tích cực.
Tuy nhiên, vị chuyên gia đã nhấn mạnh đến một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế đất nước đó là khu vực đầu tư tư nhân. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, kinh tế tư nhân chiếm 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đóng góp 19% vào ngân sách nhà nước, chiếm 25% giá trị xuất khẩu và là nguồn tạo ra 80% số lượng việc làm trên cả nước. Việc không chịu “xuống tiền” của các doanh nghiệp tư nhân sẽ kéo theo sự chậm trễ trong tăng trưởng của khu vực này, từ đó dẫn đến cách tắc trong nền kinh tế và cản trở mục tiêu phát triển toàn diện.
Để tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay đạt mức 6 – 6,5% như Quốc hội và Chính phủ đề ra, chúng ta phải tập trung phát huy tốt những động lực tăng trưởng truyền thống liên quan đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và không thể thiếu đầu tư tư nhân. Cùng với đó là phát huy tốt hơn nữa các động lực tăng trưởng mới liên quan đến xanh hoá, số hóa, khoa học công nghệ và liên kết vùng.
Riêng với câu chuyện thể chế, sẽ phải giải quyết ba việc: Một là những gì ách tắc, vướng mắc thời gian qua thì cần sớm giải quyết dứt điểm. Hai là hướng dẫn các luật quan trọng vừa mới ban hành để bắt tay vào thực hiện, như Luật đất đai hay Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Ba là thể chế cho các mô hình kinh tế mới liên quan đến kinh tế số, kinh tế xanh; đâu đó chúng ta vẫn còn chậm trễ trong cơ chế thí điểm, triển khai.
“Tôi cho rằng, bản thân các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải nỗ lực, cố gắng và phải có niềm tin, lạc quan hơn nữa. Bởi khi nhìn ra xung quanh, có nhiều quốc gia còn đang “mơ ước” được như Việt Nam. Do đó, phải quyết liệt trong câu chuyện tái cơ cấu, nắm bắt xu hướng mới, hội nhập quốc tế thiện chí ngồi lại với nhau, từ doanh nghiệp với ngân hàng, doanh nghiệp với người dân hay doanh nghiệp với chính quyền địa phương để hướng đến lợi ích chung”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.
Tương tự, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng cho rằng, năm 2024 là thời kỳ đặc biệt để thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững. Ban IV đề xuất Chính phủ nên tập trung vào việc giảm bớt gánh nặng tài chính, tăng cường khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua việc giảm chi phí sản xuất, vận hành. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn vay, mở rộng thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm khích lệ hoạt động đầu tư.
Trong đó, ưu tiên xử lý hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) hay việc thay đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân được kỳ vọng sẽ phản ánh đúng hơn với tình hình kinh tế hiện tại, đồng thời góp phần khuyến khích nguồn lực lao động và tài chính cho sự phát triển kinh tế. Đặc biệt là tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp gỡ và thiết lập quan hệ đối tác với các đơn vị có nhu cầu mua hàng, cả trong và ngoài nước, thông qua các sự kiện theo chủ đề cụ thể.