VCCI chỉ đạo Tạp chí DĐDN phối hợp với VEPR tổ chức Diễn đàn: “Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp” vào chiều nay (11/4) tại Hà Nội.
Để giành lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tìm hiểu mô hình sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất. Tuy nhiên, khi triển khai, hầu hết các doanh nghiệp còn lúng túng và dè dặt.
Ông Nguyễn Hoàng Hải – chuyên gia năng lượng và tư vấn tài chính đầu tư độc lập cho rằng hiện nay hầu hết các doanh nghiệp còn dè dặt chưa dám đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) do chưa có chính sách rõ ràng.
– Theo ông, với khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp những khó khăn nào khi đầu tư lắp đặt ĐMTMN?
Tôi cho rằng khó khăn thứ nhất đến từ chính sách, hiện nay các doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật để hoàn thiện thủ tục hồ sơ xin cấp phép của các cơ quan liên quan về quy định an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ làm cơ sở cho việc thi công lắp đặt và vận hành hệ thống.
Hiện tại, các doanh nghiệp muốn tuân thủ pháp luật cũng không biết phải làm như thế nào. Chẳng hạn, việc áp dụng quy định phòng cháy, chữa cháy tại mỗi địa phương khác nhau gây khó cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư lớn để chuyển đổi năng lượng khi chính sách chưa rõ ràng. Do đó bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, cần có cơ chế khuyến khích, cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi đầu tư công nghệ, chuyển đổi năng lượng, sang sản xuất xanh.
– Nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách cho phép mua, bán lượng điện dư phát ra từ hệ thống cho EVN hoặc quy định cụ thể cho bán điện với các cá nhân tổ chức khác, thưa ông?
Chúng ta phải tính đến quyền lợi đã đầu tư vào hệ thống năng lượng tái tạo theo chủ trương khuyến khích của Chính phủ, vì nếu bị cắt giảm sản lượng quá mức, họ cũng sẽ thiệt thòi vì là những đơn vị tiên phong.
Bên cạnh đó, về sản lượng điện dư của hệ thống, các doanh nghiệp, tùy thuộc vào lĩnh vực sản xuất khác nhau nên nhu cầu sử dụng điện cũng khác nhau theo các giờ trong ngày, số ngày làm việc trong năm cũng khác nhau, đặc biệt vào buổi trưa nhu cầu sử dụng điện thường giảm. Khi đó, sẽ có lượng điện dư do hệ thống điện mặt trời phát ra nhưng chưa được sử dụng hết, việc Nhà nước chưa có chính sách cho mua bán lượng điện dư này sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư chung của dự án, cũng như giảm sự thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào mô hình ĐMTMN.
– Nhằm thúc đẩy phát triển ĐMTMN cho doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt trong khu công nghiệp, ông có đề xuất, kiến nghị gì?
Thứ nhất, chúng ta cần cần có định nghĩa rõ ràng về khái niệm ĐMTMN “tự dùng”, vì trong đề cương dự thảo cơ chế ĐMTMN có ghi tự sản, tự tiêu, nhưng khái niệm tự dùng chưa được rõ ràng, thuyết phục.
Thứ hai, cần xem xét ưu tiên phần lớn phần công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà nối lưới cho các tỉnh miền Bắc, phân bổ công suất chia cho các tỉnh. Hằng năm tiến hành đánh giá tỷ lệ công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà để điều chỉnh lại cho phù hợp.
Thứ ba, cần phải có quy định về tiêu chí lắp đặt, quy mô công suất lắp đặt phù hợp với việc sử dụng của từng nhóm khách hàng tiêu thụ khác nhau.
Thứ tư, đề xuất cơ chế EVN mua phần sản lượng mà doanh nghiệp không dùng hết theo sự điều tiết của cơ quan điện lực với mức giá đàm phán từng thời điểm. Điều này vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, vừa đảm bảo sự điều tiết hệ thống, vừa tiết giảm chi phí và bổ sung được nguồn điện đáp ứng cho phát triển kinh tế.
Thứ năm, để thuận lợi cho việc triển khai lắp đặt, các Cơ quan quản lý cần sớm ban hành các văn bản pháp luật, trong đó hướng dẫn chi tiết về trình tự thực hiện, thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo đồng bộ và nhất quán.
Thứ sáu, để quản lý, khuyến khích phát triển ĐMTMN trong khu công nghiệp, cần có cơ chế giá riêng cho mô hình này tại khu công nghiệp.
Thứ bảy, cần có cơ chế về việc vận hành, thương mại và sử dụng hệ thống lưu trữ điện, như dịch vụ phụ trợ hệ thống điện như ổn định tần số, điện áp… Bởi hiện tại, Nhà nước chưa có chủ trương và chính sách cho việc phát điện lên lưới từ nguồn điện lưu trữ. Do đó cần sớm ban hành quy định phát triển, sử dụng hệ thống lưu trữ điện để tránh lãng phí, đảm bảo an toàn hệ thống, chủ động được sản lượng điện bổ sung, phục vụ nhu cầu tiêu thụ điện trong giờ cao điểm.
– Trân trọng cảm ơn ông!