Hướng kiều hối vào sản xuất kinh doanh và đầu tư

Bên cạnh hỗ trợ, kích thích tiêu dùng và góp phần tăng trưởng kinh tế, nguồn kiều hối được sử dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đầu tư thì hiệu quả sẽ lớn hơn…

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2024, kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, đến cuối năm 2024 có thể đạt 14,4 tỷ USD. WB ước tính, trung bình 3 năm gần đây Việt Nam đã nhận tới 17 – 18 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Và tính trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối trở thành “điểm sáng” của Việt Nam và duy trì vị trí trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong top 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Kiều hối là số tiền ngoại tệ của kiều bào, của người lao động Việt Nam ở nước ngoài chuyển về, bản chất là nguồn ngoại tệ từ thu nhập, tích lũy của người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài gửi về cho, tặng thân nhân và gia đình ở trong nước. Vì vậy, việc sử dụng nguồn kiều hối này với các mục đích khác nhau như: tiêu dùng, đầu tư kinh doanh; hoặc đưa vào sản xuất trực tiếp… đều mang lại lợi ích và qua đó góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội.

Trong những năm gần đây, dòng kiều hối vào Việt Nam không ngừng gia tăng cả về số tuyệt đối và số tương đối so với GDP. (Ảnh minh họa: Quốc Tuấn)

Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ quản trị kinh doanh, kiều hối là nguồn vốn không phải tuân thủ các điều kiện vay, nguyên tắc hoàn trả như các nguồn vốn ngoại tệ khác (như nguồn vốn vay trả nợ nước ngoài; nguồn vốn ODA; Đầu tư trực tiếp nước ngoài… ), do đó ở góc độ quản lý kinh tế vĩ mô, nếu nguồn kiều hối này, được tập trung và sử dụng hiệu quả thì tác động thúc đẩy và hỗ trợ đối với tăng trưởng nền kinh tế sẽ lớn hơn nhiều và trong quá trình đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối sẽ là giải pháp bền vững, tác động trở lại để thu hút nguồn kiều hối tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Quý I/2024, kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đạt 2,869 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 35,4% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây.

Đơn cử, với quy mô nguồn kiều hối chuyển về hằng năm, tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bình quân 6,9 tỷ USD/năm trong 5 năm qua thì đây nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, nếu phân tích theo mục đích sử dụng, nguồn ngoại tệ này có thể được người dân, người thụ hưởng sử dụng để tiêu dùng, xây dựng, sửa chữa nhà ở, mua trang thiết bị sinh hoạt và tiêu dùng; hoặc đầu tư kinh doanh; gửi tiền tiết kiệm… Quá trình này đều mang lại ý nghĩa góp phần kích thích tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, cũng như góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, nếu nguồn kiều hối này được sử dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đầu tư thì hiệu quả sẽ lớn hơn và mức độ tác động đến tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn nhiều.

Nếu đặt vấn đề về các giải pháp để tập trung nguồn kiều hối vào lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì chủ yếu phải là các giải pháp khuyến khích và tác động, thông qua vận dụng công cụ chính sách và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, Qua đó, định hướng dòng kiều hối chuyển về hằng năm được sử dụng vào lĩnh vực mang lại hiệu quả tốt nhất. Trong đó, sự phát triển của thị trường hàng hóa, thị trường bất động sản; sự phát triển du lịch dịch vụ tại khu vực đô thị và sự phát triển lĩnh vực nông nghiệp & nông thôn với các đề án cụ thể về phát triển nông nghiệp xanh, sạch; sản phẩm OCOP gắn với làng nghề truyền thống và du lịch tại vùng nông thôn… sẽ là môi trường thuận lợi để người dân và kiều bào quan tâm và tích cực tham gia, sử dụng hiệu quả nguồn vốn kiều hối để phát triển sản xuất kinh doanh, mang lại thu nhâp cao hơn so với các hình thức sử dụng khác.

Cùng với dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI, lượng tiền kiều hối gửi về đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam tăng nguồn ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu trong nước. Từ đó, Việt Nam có thêm nguồn lực để duy trì chính sách tỷ giá hối đoái ổn định và gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò định hướng của chính sách, nhằm khuyến khích người dân, người nhận kiều hối, sử dụng kiều hối tích cực vào các hoạt động đầu tư kinh doanh và phát triển kinh tế để mang lại thu nhập cao hơn, thông qua việc tạo lập môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, còn cần các giải pháp cụ thể và hình thức đầu tư cụ thể: tham gia góp vốn vào các HTX, doanh nghiệp; mua trái phiếu địa phương; mua nhà ở và đầu tư kinh doanh trên thị trường tài chính… Những hoạt động này không mới, song cần có định hướng, hướng dẫn và thông tin cụ thể. Đặc biệt, kết quả sản xuất kinh doanh và hiệu quả kinh tế mang lại từ sử dụng nguồn kiều hối, sẽ là yếu tố quan trọng để không chỉ khuyến khích sử dụng nguồn lực kiều hối tập trung và hiệu quả mà còn là giải pháp bền vững nhất thu hút nguồn kiều hối chuyển về tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp