Trước các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, để thúc đẩy hoạt động này, theo chuyên gia, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý.
Thực tế cho thấy, khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, Việt Nam không chỉ có thuận lợi trong việc học tập kinh nghiệm thực tiễn về phát triển mô hình kinh tế của các quốc gia phát triển trên thế giới, mà còn tận dụng được các cơ hội hợp tác, tiếp nhận chuyển giao các công nghệ về thiết kế, chế tạo, công nghệ thông tin hiện đại.
Hiện nay, Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy… mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Cùng với lợi thế này, trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tái chế, tái sử dụng.
Theo đó, các hoạt động đầu tư thực hiện kinh tế tuần hoàn có thể nhận được các ưu đãi tương tự như các hoạt động bảo vệ môi trường. Một số chính sách ưu đãi có thể kể đến như chính sách miễn, giảm thuế; cho vay với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, trợ giá sản phẩm…
Các chính sách tài chính này đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi kinh tế sang kinh tế tuần hoàn. Nhiều mô hình khu công nghiệp sinh thái tại các địa phương, phong trào chuyển đổi của các tổ chức như “Không xả thải ra môi trường” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mô hình bio-gas tại các gia đình nông thôn nhằm tạo ra năng lượng từ chất thải… đã ra đời.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đã và đang đặt ra không ít thách thức đối với doanh nghiệp. Dù đã khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, thế nhưng, trong ngắn hạn, những chính sách trên chưa đủ để bù đắp chi phí của doanh nghiệp khi xanh hóa hoạt động sản xuất, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi định hướng sản xuất xanh đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi chi phí sản xuất của doanh nghiệp cần được tối ưu ở mức thấp nhất. Đặc biệt, các chính sách ưu đãi thuế cho hoạt động tái chế hay sử dụng sản phẩm tái sử dụng, sản phẩm xanh còn thiếu.
Thêm vào đó, nhận thức về kinh tế tuần hoàn và sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Nhận thức đúng về kinh tế tuần hoàn cần được thực hiện từ việc thiết kế tới triển khai đối với từng ngành, từng lĩnh vực và cần được đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo, các cấp quản lý tới từng doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện. Hiện nay, Việt Nam còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển như: Quy định trách nhiệm của doanh nghiệp về thu hồi, phục hồi tài nguyên từ các sản phẩm đã qua sử dụng; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường…
Do đó, theo các chuyên gia, để phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp cũng cần có hành lang pháp lý và chính sách rõ ràng, minh bạch.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Ths. Bùi Quang Trung, Ths. Phạm Hữu Năm, Trường Đại học Thái Bình đề xuất, sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường; quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.
“Doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Vai trò kiến tạo của Nhà nước thể hiện trong việc tạo ra một môi trường để kinh tế tuần hoàn phát triển”, các chuyên gia này nhận định.
Còn theo ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh tế tuần hoàn đã được áp dụng ở Việt Nam nhưng mức độ vẫn chưa cao. Thời gian qua, Chính phủ đã lồng ghép vào nhiều chính sách quan trọng của quốc gia như tiêu dùng bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn phát sinh nhiều vấn đề mà luật, nghị định chưa đề cập tới khiến doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc.
“Để phát triển kinh tế tuần hoàn, cần hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ, khuyến khích hợp tác quốc tế và tuyên truyền cho doanh nghiệp biết rõ và triển khai”, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế đề nghị.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, thành công của các sáng kiến cộng sinh công nghiệp phần lớn phụ thuộc vào môi trường chính sách.
Theo ông Quân, vai trò dẫn dắt của Nhà nước hết sức quan trọng, cần lồng ghép vào chiến lược phát triển của địa phương. Từ đó, doanh nghiệp có định hướng, chương trình và lộ trình thực hiện phù hợp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.