Đấu thầu để tăng cung, kéo chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới xuống mức hợp lý hơn nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại. Đáng nói là kết quả tưởng chừng hết sức vô lý này nếu ngẫm lại thì cũng rất có lý, nếu không muốn nói là “tất lẽ dĩ ngẫu”.
Cụ thể, sau phiên đấu thầu ngày 23.4, giá vàng miếng SJC hôm qua mở cửa thị trường đã đắt thêm gần 1 triệu đồng/lượng. Nghịch lý này cũng… dễ hiểu, giá sàn dự thầu cao hơn giá thị trường thì làm sao đơn vị trúng thầu bán rẻ được. Còn khó hiểu hơn là mục tiêu tổ chức đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là để trị “căn bệnh” đắt đỏ phi lý của vàng trong nước so với thế giới nhưng cũng chính NHNN lại đưa giá sàn dự thầu đắt hơn giá thị trường. Đó là nghịch lý thứ nhất.
Nghịch lý thứ hai là thị trường luôn kêu thiếu vàng, cung không đủ cầu nên giá trong nước mới cao hơn thế giới, có lúc chênh lệch lên tới 20 triệu đồng/lượng. Nhưng phiên đấu thầu đầu tiên chỉ có 2 đơn vị tham gia, số lượng vàng ế lên tới 13.400 trong tổng số 16.800 lượng. Cũng phải nhắc lại là buổi gọi thầu ban đầu dự kiến diễn ra ngày 22.4 nhưng đã phải hủy do không đủ số lượng doanh nghiệp tham gia, chuyển tiền cọc. Ngoài nguyên nhân giá cao thì theo nhiều đơn vị kinh doanh vàng, khối lượng tối thiểu phải đặt mua 1.400 lượng là quá lớn, trúng thầu xong bán cả tuần chưa hết nên họ chọn ngồi ngoài quan sát. Nói cho dễ hiểu thì nhu cầu thị trường không cao nên chẳng dại gì bỏ số tiền lớn để mua vàng miếng SJC về bán lẻ từ từ, nhất là khi giá vàng thế giới đang biến động khó lường. Nhưng nếu nói “nhu cầu không cao” thì chuyện khan hiếm dẫn đến giá vàng trong nước cao hơn thế giới từ 13 triệu – 20 triệu đồng kéo dài suốt thời gian qua liệu có chính xác? Còn nếu không khan hiếm, thì ai đang muốn giá vàng miếng neo cao? Dù viện lý do này, lý do kia thì vẫn có thể nhận thấy, các đơn vị kinh doanh vàng nói chung không mặn mà với việc tham gia đấu thầu. Bối cảnh này làm người ta nhớ đến nghi vấn những “tay to” trên thị trường bắt tay làm giá, neo vàng trong nước một mình một chợ từng được đặt ra trước đây. Nghi vấn không có câu trả lời nhưng giá vàng neo cao thì chỉ có người mua phải chịu rủi ro lớn nhất và thiệt nhiều nhất; sau đó là nguy cơ vàng lậu, ảnh hưởng đến tỷ giá chứ các đơn vị kinh doanh vàng cơ bản vẫn lãi đều, lãi đậm.
Theo kế hoạch, hôm nay 25.4, NHNN tiếp tục phiên đấu thầu vàng thứ hai với các yêu cầu cơ bản giữ nguyên. Liên quan đến vấn đề này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái trong cuộc họp ngày 24.4 đã yêu cầu NHNN phải đảm bảo cung cầu vàng với giá hợp lý trước diễn biến khó lường của thị trường thế giới. NHNN là đơn vị độc quyền sản xuất vàng miếng và nắm quyền nhập khẩu nên việc này chắc chắn không khó khăn gì. Nhưng dù kết quả thế nào thì đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế. Điều quan trọng mà thị trường chờ đợi, cũng là vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều lần là sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng; trong đó 2 điểm mấu chốt là bỏ độc quyền vàng miếng SJC và nới cửa nhập khẩu vàng nguyên liệu có điều kiện. Thị trường vàng lúc đó sẽ tự điều tiết, chênh lệch giá trong nước – thế giới sẽ được kéo lại gần hơn đúng với mục tiêu mà chúng ta hướng tới.
Cũng khó hiểu khi đến giờ, Nghị định 24 bao giờ chính thức sửa đổi vẫn chưa được công bố còn đấu thầu vàng để kéo giảm chênh lệch giá thì giá lại cứ tăng.