Nhiều quốc gia châu Á đã tiến hành tăng lãi suất cơ bản sau nhiều năm duy trì lãi suất thấp nhằm giữ đồng nội tệ không bị mất giá quá nhiều trước đồng USD. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, NHNN cũng triển khai nhiều biện pháp để hạ nhiệt tỷ giá nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế.
Nâng lãi suất để ổn định tỷ giá
Ngày 24/4, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) bất ngờ tăng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất kể từ năm 2016. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nước đi này của BI là nhằm bảo vệ đồng rupiah vốn đang được giao dịch ở mức thấp nhất trong gần 4 năm qua. Tính từ đầu năm đến nay, đồng rupiah đã giảm hơn 5% so với USD.
Thống đốc BI Perry Warjiyo cho biết: “Việc tăng lãi suất là nhằm để nâng đỡ đồng rupiah trước những rủi ro ngày càng lớn trên toàn cầu. Đồng thời, đây cũng là bước đi phòng ngừa, đảm bảo rằng lạm phát sẽ duy trì ở khoảng mục tiêu 1,5 – 3,5% của Ngân hàng Trung ương”.
Trước đó, BI cũng có động thái can thiệp thị trường ngoại hối nhằm hỗ trợ đồng rupiah sau khi tỷ giá vượt ngưỡng 16.000 rupiah/USD. Chính phủ Indonesia cũng yêu cầu các công ty quốc doanh “kiềm chế việc mua đồng USD với số lượng lớn”.
Không riêng Indonesia, nhiều ngân hàng trung ương tại châu Á đang bận rộn bảo vệ đồng nội tệ và không có nhiều thời gian “nghỉ ngơi” khi các đồng tiền châu Á chịu áp lực lớn từ đồng USD.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết có thể tăng lãi suất thêm nếu tác động của việc đồng yên suy yếu “quá lớn đến mức không thể làm ngơ”. Ngày 19/3, BOJ lần đầu tiên tăng lãi suất trở lại kể từ năm 2017, chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối cùng trên thế giới.
Ngay từ đầu năm, đông đảo nhà kinh tế và ngay cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều cho rằng “2024 sẽ là một năm tuyệt vời để cắt giảm lãi suất”. Tuy nhiên, sau lần “đoán hụt” vào tháng 3/2024, thị trường dần hoài nghi liệu rằng Fed có tiếp tục duy trì “mức lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn” hay không.
Phát biểu ngày 16/4 của Chủ tịch Fed Jerome Powell phần nào củng cố cho lo ngại này. Ông ra hiệu rằng các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ phải “chờ đợi lâu hơn dự đoán trước đó về cắt giảm lãi suất” khi một loạt chỉ số lạm phát “cao một cách đáng ngạc nhiên”.
Kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn giảm dần đã làm đồng USD tăng vọt, từ đó làm một số loại tiền tệ của châu Á giảm giá. Sự chậm trễ trong kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ của Mỹ đang làm phức tạp hóa thêm cho chính sách tiền tệ của các quốc gia này. Nhiều ngân hàng trung ương châu Á, như Indonesia và Nhật Bản, phải nâng mức lãi suất cơ bản lên sớm hơn dự kiến để bảo vệ đồng nội tệ.
Trước tình hình này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi các ngân hàng trung ương châu Á “kiên trì với kế hoạch riêng của mình, tránh đưa ra các quyết sách phụ thuộc quá mức vào các động thái được dự đoán của Fed”. IMF lưu ý, nếu các ngân hàng trung ương theo sát Fed quá chặt chẽ, họ có thể làm suy yếu sự ổn định giá cả ở nước họ.
Việt Nam không hy sinh lãi suất vì tỷ giá
Theo thống kê mới nhất của NHNN, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD đã tăng tới 5,9%, một con số “đáng giật mình” khi tỷ giá năm ngoái chỉ tăng 2,6%.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 ngày 25/4, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, sự trái ngược trong chính sách tiền tệ khiến chênh lệch lãi suất VND và USD âm trên thị trường liên ngân hàng, chỉ số DXY tăng mạnh cùng với nhu cầu nhập khẩu tăng cao là những yếu tố khiến tỷ giá nóng lên trong thời gian qua.
“Ngành ngân hàng nhìn nhận tỷ giá là một vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng loạt các hoạt động từ điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân”, Phó Thống đốc cho hay.
Trong thời gian qua, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá như hút tiền dư thừa trong hệ thống về, điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp để ngăn đầu cơ tích trữ ngoại tệ, thúc đẩy cho vay xuất khẩu để tạo nguồn cung ngoại tệ,…
Mới đây nhất, NHNN cũng đã công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0. Theo ông Tú, đây là giải pháp rất mạnh mẽ để ổn định tỷ giá.
Trước bài toán “kìm cương” tỷ giá, một số ý kiến cho rằng NHNN có thể tính đến phương án tăng lãi suất VND. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, “tại thời điểm này, NHNN không đặt ra vấn đề điều chỉnh lãi suất điều hành bởi việc tăng hay hạ lãi suất phải phù hợp với kinh tế vĩ mô”.
Theo ông Tú, “lãi suất là một chỉ tiêu phức tạp, đòi hỏi phải điều hành hợp lý vì đây là yếu tố liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác, trong đó có tỷ giá. Chúng ta không thể hi sinh tỷ giá vì lãi suất hay ngược lại mà phải đảm bảo hài hòa lãi suất và tỷ giá trên cơ sở tính toán lợi ích chung của mối quan hệ này cũng như trong mối tương quan với các chỉ tiêu khác”.
Trước đó, TS Trương Văn Phước, nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng “không thể để cho mặt bằng lãi suất tăng cao để bù đắp cho việc biến động của tỷ giá hối đoái, vì đó là sự đánh đổi đắt giá nhất”.
Hiện tại, lãi suất hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng vài chục năm qua. Theo thống kê của NHNN, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Trao đổi cụ thể hơn về điều hành tiền tệ, lãnh đạo NHNN cho biết, vấn đề là làm sao để duy trì lãi suất như hiện nay, giữ cho tỷ giá được ổn định. Đây là 2 yếu tố cơ bản nhất. Tỷ giá là một vấn đề lớn của nền kinh tế, nếu không quản lý hiệu quả, sẽ tác động tới lạm phát. Chúng ta ổn định tỷ giá, chứ không cố định, bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không thể âm.
NHNN đã có những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên như điều tiết lượng tiền trong lưu thông để hài hòa, điều hành lãi suất hợp lý để hài hòa với tỷ giá và tính toán mức độ hợp lý để đạt cả 2 mục tiêu. Điều hành tỷ giá trung tâm để chống đầu cơ tích trữ ngoại tệ. NHNN đã đẩy mạnh các công cụ để có lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và biện pháp cuối cùng là mang tính chất hành chính, khi buộc phải bán ngoại tệ. Dù mới chỉ là bước đầu sẵn sàng bán ngoại tệ.