Thực hiện giảm phát thải ròng đang là mục tiêu của các ngành sản xuất, với ngành lúa gạo, kế hoạch này vừa là cơ hội, vừa là thách thức với các doanh nghiệp.
Đây là chia sẻ của TS. Lê Huy Huấn – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với Diễn đàn Doanh nghiệp.
– Thưa Tiến sĩ, với ngành lúa gạo, việc thực hiện các giải pháp canh tác carbon thấp sẽ giúp doanh nghiệp có những lợi ích kinh tế như thế nào?
Theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp phải có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất sẽ thu được nhiều lợi ích kinh tế quan trọng, cụ thể:
Thứ nhất là về hiệu quả sản xuất, kinh doanh: Theo đề án này, việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã đòi hỏi phải thực hiện trên phạm vi không gian vùng sản xuất lớn, kết hợp với việc áp dụng các giải pháp canh tác carbon thấp thường đi kèm với việc tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, cải thiện chất lượng đất, tăng năng suất lúa, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Điều này có thể dẫn đến sản lượng lúa gạo tốt hơn, doanh nghiệp có thể xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới với giá cao hơn, từ đó thu được lợi nhuận cao hơn. Doanh nghiệp tham gia liên kết vừa là chủ thể cung cấp các đầu vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân nên tính bền vững của mối liên kết này được đảm bảo, ổn định vùng nguyên liệu.
Thứ hai là liên quan đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao trong xuất khẩu gạo: Quy trình canh tác lúa gạo áp dụng các phương pháp carbon thấp giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giảm chi phí liên quan đến quản lý khí thải và tuân thủ các quy định về môi trường trong thương mại quốc tế. Theo đó, lợi ích này sẽ tạo cơ hội và điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo sang các thị trường khó tính về chất lượng và an toàn thực phẩm. Chứng nhận lúa phát thải thấp có thể được coi như một passport để doanh nghiệp tiến vào thị trường đòi hỏi về giảm phát thải. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng các doanh nghiệp xuất khẩu có thể đáp ứng được ngay các quy chuẩn, rào cản thuế quan nếu có một “CBAM” cho mặt hàng lúa gạo.
Thứ ba là nâng cao khả năng cạnh tranh, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường: Doanh nghiệp thực hiện canh tác carbon thấp có thể xây dựng hình ảnh thương hiệu bền vững và có trách nhiệm với môi trường dưới thương hiệu “giảm phát thải” hay “phát thải thấp”; qua đó, doanh nghiệp có thể thu hút khách hàng quan tâm đến sản phẩm xanh và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Thực tế mà nói, có lẽ, doanh nghiệp sẽ ít quan tâm đến phần chi trả giảm phát thải nhận được trên đồng ruộng; cái mà doanh nghiệp muốn là trên sản phẩm cuối cùng của doanh nghiệp sẽ có được dấu vết carbon dọc theo chuỗi ngành hàng. Đấy chính là lợi ích lớn nhất giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mà phía nhập khẩu/người tiêu dùng có sức mạnh chi phối rất lớn.
Ngoài ra, doanh nghiệp tham gia vào đề án có cơ hội tiếp cận tín dụng theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, ưu tiên tiếp cận các dự án quốc tế trong lĩnh vực này.
– Về thủ tục thực hiện doanh nghiệp sẽ gặp những vướng mắc, rào cản nào cần tháo gỡ, thưa Tiến sĩ?
Thứ nhất, theo quan điểm của cơ quan quản lý cấp Bộ, để đảm bảo hiệu quả và bản chất của quy trình liên kết sản xuất thì doanh nghiệp tham gia vào đề án, phải có hợp đồng liên kết sản xuất với quy mô ít nhất phải 5.000-10.000 héc-ta; phải tham gia đầu tư, cung cấp các đầu vào sản xuất để thực sự xây dựng nên một vùng nguyên liệu bền vững, ổn định, tránh các xung đột giữa doanh nghiệp với nông dân. Vì thế, các doanh nghiệp phải thực sự nghiêm túc với kế hoạch, chiến lược đầu tư sản xuất kinh doanh của mình trong việc tham gia vào đề án trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp này. Nói vậy là bởi vì, trong thời gian qua, phần lớn các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng bản chất của “hợp đồng liên kết sản xuất” với nông dân mà chỉ dừng lại ở “hợp đồng mua bán” dẫn đến tình trạng doanh nghiệp và nông dân “bẻ kèo” lẫn nhau khi giá thu mua lúa thay đổi có lợi cho mỗi bên.
Thứ hai, nhìn từ góc độ doanh nghiệp, để thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất trên quy mô lớn, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguồn lực tài chính. Do đó, doanh nghiệp sẽ cần có sự hỗ trợ để giải quyết bài toán vay vốn trong trung và dài hạn để cung ứng vật tư đầu vào, thu mua lúa chín, ứng dụng các công nghệ mới, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật dọc theo chuỗi giá trị ngành hàng.
Thứ ba, trên phương diện của thị trường carbon, hiện chưa có khung pháp lý và quy định cho thị trường carbon nên các doanh nghiệp tham gia đề án cần tuân thủ theo các yêu cầu của thị trường carbon tự nguyện trong việc thiết kế dự án, đăng ký, MRV, xác nhận/thẩm định, xin cấp tín chỉ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu mức độ sẵn lòng của các bên mua tiềm năng và các mức giá cho tín chỉ; mức sẵn sàng chi trả của khách hàng đối với lúa gạo giảm phát thải để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
– Để đề xuất cho dự án ngành lúa gạo thực hiện giảm carbon thấp vận hành ngắn gọn, có hiệu quả, Tiến sĩ có những ý kiến nào cần kiến nghị?
Có rất nhiều việc phải làm ngay và phải làm đồng thời để đảm bảo đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp có thể đạt các mục tiêu đề ra bao gồm:
Thứ nhất, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các địa phương trong vùng ĐBSCL nhanh chóng thực hiện quy hoạch vùng sản xuất lúa một cách rõ ràng và tập trung. Trên cơ sở đó, Chính phủ và các Bộ/Ngành phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thủy lợi làm nền tảng cho việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật trong canh tác lúa carbon thấp. Việc quy hoạch tốt vùng sản xuất/nguyên liệu cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư, liên kết sản xuất với nông dân.
Thứ hai, để đảm bảo yêu cầu của các tổ chức quốc tế đối với quy trình MRV, chi trả tín chỉ carbon sau này và để thuận lợi trong quá trình theo dõi, quản lý vùng nguyên liệu thì các cấp quản lý phải đẩy nhanh việc thực hiện thu thập thông tin chi tiết, minh bạch về vùng trồng lúa của các hợp tác xã trên các địa bàn đăng ký tham gia Đề án. Bao gồm dữ liệu không gian là tọa độ của các thửa ruộng và các dữ liệu thuộc tính liên quan như lịch thời vụ; cơ cấu giống lúa; mật độ gieo sạ; phương thức xử lý rơm rạ; lượng phân bón sử dụng; quy trình canh tác bền vững đang áp dụng.
Thứ ba, các cơ quan quản lý cần xây dựng, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, hướng dẫn, tiêu chuẩn cho các giải pháp/can thiệp giảm phát thải trong canh tác lúa; xây dựng các chương trình đào tạo và triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho các bên liên quan đến Đề án bao gồm các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà quản lý địa phương; xây dựng dự thảo tiêu chí năng lực và cam kết đối với doanh nghiệp khi tham gia Đề án; xây dựng chính sách thí điểm, cơ chế trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả để tạo động lực cho các bên liên quan tham gia vào dự án một cách tích cực, trách nhiệm, hiệu quả.
Thứ tư, tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các đối tượng tham gia Đề án, các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Bao gồm các cơ chế, chính sách (i) thúc đẩy hình thành một hệ sinh thái tổ chức sản xuất – kinh doanh, một mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp với hợp tác xã/nông dân; (ii) cơ chế cung cấp tín dụng canh tác cho nông dân, hợp tác xã đầu tư áp dụng các quy chuẩn công nghệ, vật tư; (iii) cơ chế chính sách cho thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công – tư. Từ đó, thúc đẩy sự tham gia của cơ quan Nhà nước, tổ chức quốc tế, dự án phát triển, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân…; đảm bảo chia sẻ rủi ro, chia sẻ lợi ích công bằng…
– Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!