Thời gian qua, hàng nghìn cây xanh ở TPHCM bị di dời, đốn hạ để nhường chỗ cho các dự án giao thông. Tuy nhiên, diện tích mảng xanh trồng mới chưa đủ bù được số cây xanh bị đốn hạ khiến mảng xanh của TPHCM đang thiếu lại càng thiếu.
Đốn hạ cây xanh để xây dựng các công trình
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng hồi tháng 10.2023, tỉ lệ đất cây xanh công cộng tại TPHCM thấp nhất trong các đô thị của cả nước, chỉ đạt khoảng 0,55m2/người (tiêu chuẩn cây xanh đô thị đặc biệt khoảng 15m2/người).
Diện tích công viên công cộng nằm trong quy hoạch của TPHCM lên đến 11.400 ha, chỉ tiêu bình quân 7m2 mỗi người dân. Tuy nhiên, kết quả rà soát mới đây cho thấy diện tích công viên chỉ hơn 500ha.
Dù đang quá thiếu cây xanh nhưng thời gian qua, nhiều dự án giao thông triển khai đã di dời, đốn hạ rất nhiều cây xanh.
Để triển khai dự án Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) có 453 cây xanh trên nhiều tuyến đường như Cách Mạng Tháng 8, Lê Lai, Phạm Hồng Thái, Sương Nguyệt Ánh… phải di dời, đốn hạ.
Tương tự, gần 200 cây xanh dọc đường Võ Nguyên Giáp (TP Thủ Đức) sẽ được di dời, đốn lấy mặt bằng làm công trình hạ tầng kỹ thuật, trạm xe buýt… giúp khách dễ tiếp cận Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
Hai dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (quận Tân Bình) kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất cũng có hàng trăm cây xanh phải di dời, đốn hạ.
Trước đó, để xây dựng nút giao An Phú (TP Thủ Đức), có đến 1.519 cây xanh trên đường Mai Chí Thọ bị di dời, đốn hạ khỏi khu vực.
Từng được mệnh danh là “con đường rợp bóng mát” của TPHCM với hàng trăm cây cổ thụ, nhưng sau đó bị đốn hạ để làm cầu Ba Son nên giờ đây đường Tôn Đức Thắng (Quận 1) trở nên trơ trụi, trở thành “lò nung” khi nắng nóng gay gắt vừa qua. Cách đó không xa, đường Lê Lợi cũng bị đốn hạ gần hết cây xanh để phục vụ thi công tuyến Metro số 1.
Tại công viên Bến Bạch Đằng (Quận 1), trước đây cũng có nhiều cây xanh nhưng sau khi triển khai dự án chỉnh trang mở rộng lên 18.600m2 thì cây xanh theo đó cũng “mất tích”.
Cần hài hòa giữa phát triển giao thông với mảng xanh
Theo ông Vũ Văn Vịnh – Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (dự án Metro số 2), việc đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2 là sự lựa chọn bất khả kháng.
Ông Vịnh cho biết, việc tái tạo mảng xanh và trồng lại ở ga tuyến Metro số 2 hiện đã được bố trí trong dự án CTF/quỹ công nghệ sạch do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.
Dự án sẽ tạo cảnh quan và trồng cây xanh tại các nhà ga tuyến Metro số 2, cũng như tăng khả năng tiếp cận của người dân khi tuyến metro đưa vào vận hành (cải tạo vỉa hè, trạm dừng xe buýt, bãi đậu xe, cầu và hầm bộ hành…).
Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) cho biết, việc di dời cây xanh là điều phải làm để có mặt bằng xây dựng các dự án như nút giao An Phú (TP Thủ Đức), đường nối Trần Quốc Hoàn – Công Hòa (quận Tân Bình), mở rộng đường Hoàng Hoa Thám…
Những cây di dời sẽ được đưa về vườn ươm chăm sóc và đưa trồng các nơi khác (tùy theo nhu cầu). Dự án nút giao An Phú cũng có thiết kế mảng xanh, cây cảnh và cây bóng mát. Vì vậy, những cây xanh bứng dưỡng này có thể được tận dụng trồng lại ở các vị trí phù hợp với cảnh quan theo thiết kế mới.
Ông Lương Minh Phúc khẳng định, tại các dự án, đơn vị sẽ trồng lại bằng hoặc hơn lượng cây xanh đã đốn hạ. Ngoài ra, Ban Giao thông sẽ phối hợp tổ chức những ngày hội trồng cây.
“Chúng tôi sẽ cố gắng áp dụng những nguyên tắc trên vào các dự án trong thời gian tới để vừa có đường giao thông, vừa bù đắp được mảng xanh cho thành phố” – ông Phúc nói.